24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Phi Điệp
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sự sụp đổ của tựa game Axie Infinity - kỳ lân game mã hoá đầu tiên của Việt Nam

Bắt đầu với tầm nhìn của một trò chơi để kiếm tiền, tựa game từng làm mưa làm gió Axie Infinity dường như lại đang muốn rũ bỏ hình ảnh khiến nó trở nên hấp dẫn nhất.

Trong suốt cuộc đời của mình, Alejo Lopez de Armentia chơi điện tử vì nhiều lý do. Cảm giác hồi hộp có, muốn được chiến thắng có, và về cơ bản, đây là cách giết thời gian hiệu quả. Ở tuổi 20, cảm thấy cô lập trong một công ty sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời tại Florida, Armentia thường dành cả buổi tối để chơi game như một cách để giao lưu với các bạn đồng hương ở Argentina.

Thế rồi gần 1 năm trước, anh khám phá ra trò chơi mới gắn mác “play to earn’’ - chơi để kiếm tiền. So với các trò chơi thông thường khác, Axie Infinity khá đơn giản.

Đây là trò chơi giao dịch và chiến đấu, cho phép người chơi thu thập, nuôi, chiến đấu và buôn bán các con thú được gọi là "Axie". Điểm đặc biệt là những sinh vật này đều đã được số hóa dưới dạng NFT.

Với mỗi trận đấu, người chơi sẽ điều khiển các đội 3 con thú chiến đấu với nhau. Cả 3 con thú trong team chết đồng nghĩa với việc đội đó thua cuộc. Một trận đấu thường diễn ra trong chưa đầy 5 phút.

Cách chơi vô cùng đơn giản, song dân chơi game vẫn dành hàng giờ nghiên cứu chiến lược, ám ảnh với các kênh Discord theo chủ đề Axie và các diễn đàn Reddit, thậm chí rót tiền vào những phần mềm chuyên dụng để có thể xây dựng đội quân thú hùng mạnh. Anh Armentia cũng nằm trong số đó khi dành ra khoảng 40.000 USD cho Axie kể từ tháng 8 năm ngoái. Tuy nhiên, mục đích chơi game không phải để giết thời gian như trước nữa. Anh hy vọng nó có thể trở thành “công việc toàn thời gian của mình”.

Theo Bloomberg, Axie Infinity có mối quan hệ mật thiết với thị trường tiền số. Người chơi sẽ kiếm được đồng tiền mã hóa Small Love Potion (SLP) khi chơi game hoặc đồng coin Axie Infinity Shards (AXS). AXS được sử dụng để lai tạo thú, trong khi SLP là đồng tiền mà người chơi có được khi thực hiện các nhiệm vụ. Đây chính là cách giúp người sở hữu đóng góp vào việc quản trị và phát triển tựa game trong tương lai.

Có nhiều cách khác nhau để kiếm tiền từ Axie, chẳng hạn như Armentia nuôi thú để kiếm lời. Người chơi khi đó sẽ cho lai tạo thú bố và thú mẹ, đợi chúng mang thai và thu thập thú con. Quá trình này sẽ phải trả phí bằng SLP và AXS.

Người chơi mới đều cần AXS để bắt đầu và điều này đẩy giá coin tăng phi mã. Theo số liệu của Coinmarketcap, tính đến sáng ngày 11/8/2021, đã có lúc mỗi đồng AXS có giá 74,45 USD. Với 60,9 triệu AXS đang được lưu hành, giá trị vốn hóa của đồng tiền này chạm mốc 4,5 tỷ USD.

Nhà sáng tạo của Axie, công ty khởi nghiệp có tên Sky Mavis đã tuyên bố tựa game “play to earn” này chính là một hiện tượng kinh tế mới.

“Chúng tôi tin tưởng vào một tương lai nơi công việc và giải trí hòa làm một’’, đại diện Axie cho biết. “Chào mừng đến với cuộc cách mạng của chúng tôi".

Tháng 10/2021, Sky Mavis đã huy động thành công hơn 160 triệu USD từ các nhà đầu tư, bao gồm công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz và công ty tiền số Paradigm. Cùng tháng đó, Axie Infinity cũng trở thành tựa game sở hữu 2 triệu người chơi hàng ngày, theo Sky Mavis.

Alexis Ohanian, đồng sáng lập Reddit kiêm nhà đầu tư Axie dự đoán trong vòng 5 năm nữa, 90% thị trường game toàn cầu sẽ là các trò chơi “play to earn”. Gabby Dizon, người đứng đầu công ty khởi nghiệp trò chơi tiền điện tử Yield Guild Games cũng cho biết Axie chính là cách giúp tạo lập “tư duy nhà đầu tư” trong một nền kinh tế số mới - nơi Web 3.0 được coi là “cơ hội phi thường”, là “vũ khí lớn nhất” chống lại đói nghèo.

Axie chìm sâu vào khủng hoảng

Tuy nhiên, không lâu sau đó, Axie chìm sâu vào khủng hoảng. Số lượng người dùng mỗi ngày giảm 40%, trong khi SLP và AXS lao dốc thảm. Tồi tệ hơn, vào ngày 23/3, Axie cũng thiệt hại tới 620 triệu USD do hệ thống Sky Mavis bị hacker tấn công. Tới tháng 5, AXS gần như chạm đáy sau khi thủng mốc 20 USD. Sự kiện này giống như lời xác thực cho mọi hoài nghi trước đây nhằm vào thị trường tiền số vốn chưa thực sự “chỉn chu” về vấn đề bảo mật.

Sự sụp đổ của tựa game Axie Infinity - kỳ lân game mã hoá đầu tiên của Việt Nam
Nguồn: Bloomberg

Sky Mavis sau đó lặng lẽ thay đổi “sứ mệnh”, chuyển tựa game “play to earn” thành “play and earn” (chơi và kiếm tiền). Công ty cũng tung ra Axie: Origin, một phiên bản mới được nâng cấp bằng đồ hoạ đẹp mắt và lối chơi hấp dẫn. Điều quan trọng là, Axie: Origin hoàn toàn không liên quan đến tiền số, bởi Sky Mavis thừa nhận, nhiều người chỉ tham gia chơi game nếu chúng không dính dáng gì đến tiền số. Mục tiêu đặt ra, là để Origin thay thế trò chơi gốc bằng phiên bản phi mã hóa thu hút một lượng lớn người chơi.

Dù các Giám đốc điều hành đang cố gắng đánh lạc hướng dư luận thông qua tựa game mới, xong cảm giác căng thẳng rõ ràng đã xuất hiện kể từ khi đồng coin AXS giảm mạnh. Phóng viên tờ Bloomberg đã có dịp trò chuyện cùng nhà đồng sáng lập Sky Mavis, Jeffrey Zirlin vào cuối tháng 1. Zirlin cho biết anh ấy đang sống tại Mỹ, song không tiết lộ địa chỉ cụ thể.

“Tôi có thể sống ở bất cứ đâu, nhưng không rời khỏi phòng của mình,” anh nói.

Zirlin sau đó cũng chia sẻ nơi ở, nhưng dặn dò phóng viên không được công khai thông tin bởi anh và đồng nghiệp từng bị đe dọa tính mạng.

“Chúng tôi không thể tiết lộ nơi ở của mình, cũng giống như Tổng thống không bao giờ công khai địa chỉ nhà của ông ấy vậy”, anh nói. "Chúng tôi giống như các nguyên thủ quốc gia".

Zirlin nói mình đồng cảm với những nhà đầu tư thua lỗ mất tiền, thậm chí đã “ra đường” vì tiền số, song cho biết những cú lao dốc này sẽ giúp thanh lọc thị trường. “Đôi khi phải loại bỏ những người chỉ tham gia vì tiền. Hệ thống chỉ là đang tự điều chỉnh mà thôi”.

Sự sụp đổ của tựa game Axie Infinity - kỳ lân game mã hoá đầu tiên của Việt Nam

Philip La, trưởng bộ phận (bên trái) và Zirlin (bên phải) tại Việt Nam

Lịch sử ngành công nghiệp trò chơi điện tử trước đây cũng chứng kiến ​​sự ra đời của nhiều game “chơi ảo kiếm thực”, chẳng hạn như Cryptokitties. CryptoKitties là trò chơi theo kiểu nuôi thú ảo. Người chơi cần một lượng ETH nhất định để sở hữu một chú mèo thông qua một khu chợ online tại địa chỉ CryptoKitties.co, sau đó mua, bán, trao đổi và nhân giống chúng. Những vật phẩm NFT này đủ để khơi dậy sự nhiệt thành của các nhà đầu cơ, theo đó khiến Cryptokitties đạt đỉnh và một số con mèo thậm chí còn được bán với giá 6 con số (theo đơn vị USD).

Những nhà đồng sáng lập của Sky Mavis đã gặp nhau trên các diễn đàn dành cho Cryptokitties, theo Zirlin. Anh cho biết mình say mê các bộ sưu tập kỹ thuật số khi còn sống ở Lower East Side, New York, sau đó đến năm 2018 thì chuyển tới thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, Zirlin gặp Nguyễn Thành Trung và cả 2 đã bắt đầu dấn thân vào vũ trụ game rộng lớn.

Nguyễn Thành Trung trước đây đã thành lập một mạng xã hội dành riêng cho các blogger về ẩm thực, sau đó dành 3 năm làm việc cho một công ty phần mềm tài chính do nhà đầu tư mạo hiểm người Mỹ Joe Lonsdale đồng sáng lập. Việc “thai nghén’’ ra Axie Infinity được anh bắt đầu một cách nghiêm túc, ngay khi thị trường tiền số chớm bùng nổ.

Sự sụp đổ của tựa game Axie Infinity - kỳ lân game mã hoá đầu tiên của Việt Nam

Vào ngày 23/3, Axie thiệt hại tới 620 triệu USD do hệ thống Sky Mavis bị hacker tấn công

Thành công ban đầu của Sky Mavis đến từ sự đổi mới thông minh trong các thiết kế kỹ thuật. Tại thời điểm đó, bất kỳ ai xây dựng trò chơi NFT đều phải dựa vào chuỗi khối Ethereum để xử lý các giao dịch. Sky Mavis thì khác. Nó tự xây dựng blockchain của riêng mình có tên Ronin - một hệ thống giúp giảm đối đa chi phí và cải thiện tốc độ các giao dịch.

Philippines có lẽ là thị trường lớn nhất của Axie. Thu nhập trung bình mỗi ngày từ tháng 5 đến tháng 10/2021 của tất cả những người chơi, trừ những người có thứ hạng thấp, đều trên mức lương tối thiểu, theo công ty tư vấn và nghiên cứu trò chơi Naavik. Tất nhiên, khoản thu nhập này phải được rút ra khỏi ví điện tử thì mới có thể sử dụng trong đời thực.

Vào tháng 5, CNBC đăng tải bài viết với tựa đề “Người dân Philippines chơi game kiếm tiền trong thời kỳ dịch bệnh”, miêu tả cách người dân ở thành phố Cabanatuan phía bắc Manila vượt qua đại dịch COVID-19 nhờ chơi Axie.

“Chúng tôi đã có tiền mua thức ăn, trả nợ và trang trải cuộc sống hàng ngày. Axie Infinity giúp tôi thanh toán hóa đơn và các khoản nợ. Tôi rất biết ơn Axie", một bà mẹ 3 con chia sẻ với tờ CNBC.

Một số người chơi, trong đó có John Aaron Ramos, 22 tuổi, thậm chí còn mua được 2 căn nhà nhờ nguồn thu nhập khổng lồ từ Axie. Tựa game này theo đó ngày càng nổi tiếng và được coi là “tiên phong” cho nhiều công ty phát triển game.

“Tôi bắt đầu chơi Axie để kiếm tiền’’, Filip, một thanh niên 30 tuổi cho biết, đồng thời khẳng định bản thân tham gia game 100% vì tiền và 0% là để giải trí. “Nếu muốn giải trí, thì tôi sẽ chơi một trò chơi thực sự, không phải game ảo như Axie”.

Sự sụp đổ của tựa game Axie Infinity - kỳ lân game mã hoá đầu tiên của Việt Nam

Tuy nhiên, cơ chế kiếm tiền này lại gây ra những thách thức trong việc kiểm soát nền kinh tế trong game. Kiểm soát lạm phát, cụ thể là giữ giá trị cho những token và NFT là bài toán mà Sky Mavis vẫn đang loay hoay tìm lời giải.

“Mỗi khi giá trị SLP bắt đầu tăng, những nhà đầu tư vốn chờ đợi để được kiếm tiền từ SLP sẽ ngay lập tức bán ra. Giá SLP sẽ lại quay đầu giảm’’, Lars Doucet, đồng tác giả cuốn sách về Axie cho biết.

Trước đó, Sky Mavis cũng đã phải vật lộn để giải quyết các vấn đề nội bộ. Một khi trò chơi bắt đầu có vẻ ít lợi nhuận, khả năng thu hút người chơi mới lại giảm và thậm chí khiến các con thú mất giá trị. Một vòng luẩn quẩn theo đó cứ lặp đi lặp lại.

18/5, Zirlin và Larsen đã tổ chức một buổi nói chuyện với cộng đồng Axie trên Twitch về sự cố bị hackers xâm nhập. Công ty cho biết đã huy động được 150 triệu USD để hoàn trả cho các nạn nhân và xây dựng lại hệ thống. Tuy nhiên, gần 2 tháng sau, vẫn chẳng có gì thay đổi, theo Bloomberg.

Những người đồng sáng lập dành phần lớn thời gian trên Twitch để nói về nỗi đau mà vụ việc gây ra. Larse nói về việc mất một số tiền lớn như vậy lại là cơ hội để tạo ra một cộng đồng mạnh mẽ hơn. “Đây là lúc bạn biết ai là người bạn thực sự trong lĩnh vực này”, anh nói.

Sky Mavis có lý do để lo lắng về việc mất người chơi. Vào cuối tháng 5, ngay cả những người chơi hàng đầu cũng chỉ kiếm được khoảng 0,68 USD/ngày.

Lúc này, Sky Mavis đang muốn giảm nhẹ bớt khía cạnh tài chính của Axie Infinity. Sky Mavis chiêu mộ Philip La trong vai trò giám đốc sản phẩm. Philip La là giám đốc sản phẩm tại công ty tạo ra Pokemon Go trước đó. Trước khi gia nhập Sky Mavis, Philip nhận định nền kinh tế trong trò chơi này sẽ sụp đổ nếu tất cả người chơi đều suy nghĩ như những nhà đầu tư. “Trước hết, Axie Infinity cần là một trò chơi”, Philip nói. Vì thế, anh quay trở lại những điều cơ bản và hy vọng biến Axie Infinity thành một trò chơi giống Pokemon Go hơn.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả