Sự sụp đổ của Thomas Cook và bài học cho chúng ta
Hãng điều hành du lịch Thomas Cook 178 năm tuổi của Anh vừa đâm đơn phá sản tối 22/09. Sự kiện này đã làm cho 600.000 du khách của họ đang đi du lịch trên khắp thế giới hoang mang và đường về trở nên "mù mịt". Hồi tháng 5/2019, tập đoàn này đã báo lỗ 1,5 tỷ bảng và đến thời điểm phá sản, công ty này còn có khoản nợ lên tới 1.7 tỷ bảng trong khi lợi nhuận càng ngày càng teo tóp. Họ đã cố gắng níu kéo bằng các khoản vay thậm chí là kêu cứu cả chính phủ nhưng vô ích.
Ở đây ta sẽ tìm hiểu nguyên nhân là tại sao một hãng du lịch lâu đời nhất thế giới với 22.000 nhân viên trên toàn cầu cũng lâm vào phá sản.
Lật lại lịch sử một chút thì không thể phủ nhận những đóng góp mà Thomas Cook mang lại cho việc du lịch của loài người. Công ty này cung cấp dịch vụ lữ hành trọn gói và đã giúp rất nhiều gia đình thực hiện ước mơ khám phá thế giới của mình của mình.
Việc Thomas Cook phá sản đến từ rất nhiều nguyên nhân như bất ổn chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, Brexit, nắng nóng tại Châu Âu khiến nhu cầu đi du lịch giảm xuống. Nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng nhất đó là:
Mô hình kinh doanh của Thomas Cook đã không còn phù hợp với xu thế ngày nay.
Hàng loạt các hãng hàng không giá rẻ ra đời, bên cạnh đó là thói quen tiêu dùng của người dân cũng thay đổi theo. Việc công nghệ đi vào từng ngõ ngách trong đời sống đã khiến nhu cầu mua vé du lịch trực tiếp giảm mạnh.
VD như tôi bây giờ thì hầu như những chuyến du lịch trong nước đều tự lên lịch trình và book vé, trừ khi những chuyến đi du lịch nước ngoài mới book tour và chủ yếu là book online.
Trong khi Thomas Cook sở hữu khoảng 560 phòng đặt vé cố định trên khắp thế giới khiến cho chi phí mặt bằng và nhân công chiếm tỷ trọng rất lớn trong doanh thu. Ngày càng họ càng bị cạnh tranh gay gắt bởi các hãng lữ hành khác đang tận dụng hình thức online nhằm chiếm lĩnh thị phần và tiết giảm chi phí.
Theo một khảo sát tại Anh, trong số 7 người thì chỉ có 1 người tìm đến các phòng đặt vé trực tiếp để mua, đa phần những người mua trực tiếp này lại là những người già và có xu hướng chi tiêu dè xẻn hơn.
Nhưng ban điều hành của Thomas Cook lại rất bảo thủ không chịu thay đổi mô hình kinh doanh của mình và khiến công ty càng ngày càng lâm vào khó khăn. Họ mua thêm một hãng hàng không đặt tên là Thomas Cook, sáp nhập với một hãng lữ hành đứng bên bờ vực phá sản là My Travel năm 2007 ( sau khi sáp nhập Thomas Cook gánh thêm 1 tỷ bảng nợ từ công ty này ) khiến cho chi phí được đẩy lên rất cao và gánh nặng nợ thêm chồng chất. Có một điều thú vị là cho đến khi công ty phá sản thì CEO của Thomas Cook nhận mức lương khá khủng khiếp là 10 triệu $/ năm.
Nhìn vào tấm gương của Thomas Cook tôi lại nhớ đến những công ty như Kodak, Nokia, hãng bán lẻ truyền thống SEAR, … đều là những nạn nhân của công nghệ. Hay ở Việt Nam đó là Vinasun, Mai Linh...đều đang lao đao bởi Grab, Uber.
Vào năm 1958, các tập đoàn trong rổ S&P 500 của Mỹ dễ dàng giữ vững vị trí của mình trong danh sách này trung bình gần 61 năm. Nhưng đến năm 2011, "tuổi thọ" trên bị rút ngắn chỉ còn 18 năm. Và cho đến ngày nay, các tập đoàn trong danh sách này liên tục bị soán ngôi chỉ trong 2 tuần, tất cả nhờ vào hiệu quả gia tăng chóng mặt của công nghệ.
Và không hiểu sao tự nhiên tôi lại nghĩ tới ngân hàng Liên Việt Post. Một ngân hàng có hàng ngàn điểm giao dịch trên khắp cả nước nhờ vào các bưu cục của cổ đông lớn VNPOST. Ở thời điểm bây giờ đó có thể là lợi thế của LPB nhưng khi càng ngày người tiêu dùng càng có xu hướng tiêu dùng online và sử dụng ngân hàng điện tử thì đó lại là một gánh nặng chi phí không hề nhỏ với LPB và họ phải đứng trước thách thức thay đổi.
Nói chung là công ty nào “ Low Tech” không chịu update công nghệ không chịu làm mới mình mà cứ khăng khăng đi theo đường mòn là bị đào thải. Có câu “ Bạn chỉ cần đứng yên nghĩa là bạn đang tụt lại” quả là chí lý.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận