Sự phức tạp trong cuộc chiến chống lạm phát
Lạm phát đã giảm tốc từ khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, nhưng lạm phát cơ bản cứng đầu hơn và Fed nói họ còn "một chặng đường dài phía trước".
Suốt thời gian qua, các nhà kinh tế tranh cãi về nguyên nhân và làm sao để hạ nhiệt lạm phát cao. Lịch sử cho thấy việc hạ lạm phát cơ bản là không hề đơn giản.
Vì vậy, những người đứng đầu các ngân hàng trung ương quan trọng nhất thế giới đang cảnh báo cuộc chiến chống lạm phát còn lâu mới hoàn thành. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell nói việc giảm lạm phát xuống 2% còn "một chặng đường dài phía trước".
Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), phát biểu trong cuộc họp gần đây với các quan chức ngân hàng trung ương ở Bồ Đào Nha rằng "không thể tuyên bố chiến thắng". Hay Andrew Bailey, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE), nói lãi suất có thể sẽ ở mức cao hơn so với kỳ vọng của thị trường.
Diễn biến lạm phát (xanh đậm) và lạm phát cơ bản (xanh nhạt) của eurozone (bên trái) và Mỹ bên phải).
Điều này có nghĩa cuộc chiến chống lạm phát chưa thể dừng lại và thậm chí ngày càng phức tạp. Có hai mặt trận đang phản ánh thách thức của vấn đề này.
Mặt trận đầu tiên là sự khác biệt trong ý thức hệ của các chuyên gia và giới chức về nguyên nhân lạm phát. Một lý thuyết độc đáo nhưng phổ biến đang cho rằng các công ty "tham lam" là người gây ra. Ý tưởng này lần đầu xuất hiện ở Mỹ vào giữa năm 2021, khi tỷ suất lợi nhuận của các công ty phi tài chính cao bất thường lúc lạm phát gia tăng.
Lập luận càng được củng cố khi gần đây Tổ chức tiền tệ thế giới (IMF) phát hiện rằng lợi nhuận tăng "chiếm gần một nửa mức tăng" trong lạm phát của khu vực đồng euro trong hai năm qua. Bà Lagarde cũng đồng tình khi nói với Nghị viện châu Âu rằng "một số lĩnh vực nhất định" đã lợi dụng tình trạng hỗn loạn kinh tế. Bà cho rằng "các cơ quan cạnh tranh có thể thực sự xem xét những hành vi đó".
"Lạm phát tham lam" (Greedflation) là thuật ngữ tóm tắt cho lập luận này, ghép từ "greed" (tham lam) và "inflation" (lạm phát). Greedflation xảy ra khi doanh nghiệp tìm cách tăng giá và tạo ra lạm phát để tăng lợi nhuận. Cách phổ biến là tăng giá hàng hóa và dịch vụ mà không có lý do cụ thể hoặc tăng giá quá mức.
Tuy nhiên, các chuyên gia phản bác nói thật kỳ lạ khi nghĩ rằng các công ty đột nhiên trở nên tham lam hơn, khiến giá cả tăng nhanh. Theo họ, lạm phát xảy ra do cầu vượt quá cung. Neil Shearing, chuyên gia kinh tế của Capital Economics nói luận điểm Greedflation "làm lẫn lộn biểu hiện lạm phát với nguyên nhân của nó".
Greedflation được những người thiên tả ủng hộ vì họ cho rằng lạm phát là do lương của người lao động tăng lên. Nhưng phe phản đối nói tiền lương có xu hướng chạy theo giá cả chứ không phải ngược lại. Bản thân IMF cũng lưu ý rằng "tiền lương phản ứng chậm hơn giá cả". Đó là một bài học từ giai đoạn lạm phát hiện nay cho những ai luôn coi kích thích kinh tế là có lợi cho người lao động.
Mặt trận thứ hai liên quan đến địa lý hai bờ Đại Tây Dương. Giai đoạn đầu, lạm phát của Mỹ hơn khu vực đồng euro. Nguyên nhân bởi Mỹ đã chi đến 26% GDP cho kích thích tài chính trong thời kỳ Covid-19, so với mức 8-15% ở các nền kinh tế lớn của châu Âu.
Nhưng sau đó, châu Âu phải đối mặt với cú sốc năng lượng tệ hơn Mỹ từ xung đột Ukraine, do họ phụ thuộc vào khí đốt của Nga và tỷ trọng chi tiêu cho năng lượng trên thu nhập cao. Phân tích gần đây của Kinh tế trưởng IMF Pierre-Olivier Gourinchas và nhóm chuyên gia cho biết chỉ 6% lạm phát cơ bản của khu vực đồng euro gia tăng là do kinh tế quá nóng, so với 80% của Mỹ. Điều này có nghĩa, về bản chất lạm phát tại châu Âu và Mỹ đều tăng nhưng lý do thì khác nhau.
Bởi lạm phát tăng không phải do kinh tế tăng trưởng nóng nên châu Âu thuận lợi hơn trong việc nới lỏng tiền tệ trở lại. Nhóm chuyên gia của ông Pierre-Olivier Gourinchas nhận thấy 3% GDP của gói kích thích tài khóa bổ sung mà khu vực đồng euro đã tung ra gần đây bằng cách trợ cấp năng lượng không góp phần khiến lạm phát tăng nóng. Lãi suất cũng thấp hơn ở châu Âu. Thị trường tài chính kỳ vọng lãi sẽ đạt đỉnh khoảng 4% ở khu vực đồng euro, so với 5,5% ở Mỹ.
Vấn đề là, khác nhau về xuất phát điểm nhưng lạm phát hai bên bờ Đại Tây Dương dường như đang trở nên giống nhau hơn theo thời gian. Ở cả hai nơi, lạm phát ngày càng bị chi phối bởi giá dịch vụ tại địa phương, thay vì lương thực và năng lượng.
Giá cả tăng ở Mỹ lẫn châu Âu đang được thúc đẩy bởi chi tiêu trong nước mạnh mẽ. Tính toán trên cơ sở so sánh, lạm phát cơ bản và tăng lương cao hơn trong khu vực đồng euro. Theo dữ liệu của ngân hàng Goldman Sachs, tiền lương đang tăng 4 - 4,5% ở Mỹ và gần 5,5% ở khu vực đồng euro.
Tuy nhiên, đà tăng lương có dấu hiệu chậm lại gần đây. Cựu chủ tịch Fed Ben Bernanke ước tính để lạm phát về mức mục tiêu của Fed, tỷ lệ thất nghiệp phải vượt 4,3% trong "một khoảng thời gian".
Hai nhà kinh tế Luca Gagliardone và Mark Gertler cho rằng tỷ lệ thất nghiệp Mỹ có thể tăng lên 5,5% vào năm 2024, khiến lạm phát giảm xuống 3% và sau đó về 2% "với tốc độ rất chậm". Quy mô thất nghiệp như vậy không lớn đối với Mỹ, nhưng trong quá khứ thì tỷ lệ này thường có khi suy thoái. Tức khả năng phải chấp nhận hạ nhiệt tăng trưởng để giảm được lạm phát.
Trong khi đó, ở khu vực đồng euro, lượng vị trí tuyển dụng không đáng kể so với số thất nghiệp, chứng tỏ nền kinh tế không mấy mạnh mẽ. Điều này khiến quá trình giảm lạm phát một cách suôn sẻ càng trở lên khó khăn hơn. Đây cũng là mặt trận bất định nhất trong cuộc chiến chống lạm phát
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận