Sự lười biếng là kẻ thù của thành công
Sự lười biếng mang tính phổ biến và là một phần của cuộc sống, nó có khả năng "nuốt chửng" chúng ta hoàn toàn.
Có hai loại lười biếng. Thứ nhất, khi đã làm cật lực cả tuần, sau tất cả, bạn chỉ muốn được lười biếng, không làm gì cả.
Còn một loại lười biếng khác, là khi bạn đấu tranh để tìm ra động lực. Mỗi khi nghĩ về điều gì đó, bạn muốn làm hoặc đạt được, nhưng không thể tìm thấy năng lượng hoặc định hướng để thực hiện. Đây là loại lười biếng được nói đến trong bài viết này.
Lười biếng thực sự làm ta kiệt quệ và chán nản, đến nỗi cả những công việc đơn giản cũng trở thành thử thách. Nhưng không ai cô đơn trong cuộc đấu tranh này.
Chỉ tập trung vào vài thứ quan trọng trong một lần
Chúng ta thường có danh sách hoành tráng những điều muốn làm và đạt được. Chỉ tập trung vào hai hoặc ba thứ trong một lần giúp bạn cảm thấy ít bị choáng ngợp hơn. Đồng thời, bạn sẽ có động lực lớn hơn, vì những thứ bạn đặt ra có vẻ dễ dàng đạt được hơn.
Trong hai danh sách mục tiêu sáu tháng dưới đây, danh sách nào khiến bạn có động lực hơn?
Một: học cách chơi guitar, làm việc chăm chỉ và tập thể dục.
Hai: học cách chơi đàn guitar, làm việc chăm chỉ, tập thể dục để có cơ bắp đẹp, hát giỏi hơn, đạt điểm cao ở trường, học cách vẽ đẹp hơn và viết một cuốn sách.
Mọi người sẽ có động cơ khi cảm thấy có cơ hội thành công. Khi những mục tiêu xoay quanh ta với khoảng cách gần, ta tự nhiên có động lực nắm lấy và có cảm hứng mở rộng thêm mục tiêu tiếp theo.
Đặt cho mình hai hoặc ba mục tiêu dễ dàng đạt được trong một khoảng thời gian cụ thể, cảm hứng và động lực tự nhiên sẽ đến với bạn.
Luôn nhẹ nhàng với bản thân
Khi lười, ai cũng cho phép mình cái quyền đúng, làm mọi thứ theo ý muốn. Nhưng rồi khi tỉnh ra, chúng ta bắt đầu trách cứ bản thân vì quãng thời gian bị lãng phí. Điều này đôi khi có ích và giúp chúng ta đỡ lười hơn trong một khoảng thời gian, nhưng lâu dài nó không thực sự là giải pháp hiệu quả.
Trách cứ bản thân luôn làm con người tự hạ giá trị mình và khiến chúng ta cảm thấy thất bại, sự thất bại dẫn tới nhiệt huyết làm mọi thứ giảm đi từ đó khiến lười biếng càng dễ quay lại.
Trong lần trách cứ bản thân tiếp theo, đừng quá gay gắt, chẳng phải quãng thời gian lười biếng bạn đã đạt được những thành tựu nào đó rồi sao? Chỉ có điều sự đánh đổi này không hợp lý nên chúng ta cần thay đổi mà thôi.
Dành thời gian để thư giãn và làm những điều bạn thích
Thông thường, chúng ta trở nên lười biếng vì công việc dường như quá khó. Bằng cách thư giãn và làm những điều mà mình thích, chúng ta sẽ cảm thấy hài lòng. Khi đó, chúng ta sẵn sàng tiếp nhận các công việc khó hơn và đạt được những điều to lớn hơn.
Bằng cách thư giãn và tận hưởng bản thân, tâm trí bạn sẽ được khuyến khích để suy nghĩ. Đầu óc không sợ bị quá tải vì biết rằng nó sẽ không bị cưỡng ép làm điều gì đó nếu nó không muốn.
Làm những công việc nhỏ, từng bước một
Bạn không cần hoàn thành tất cả các công việc trong một lúc, đây là điều ai cũng biết. Thế nhưng, bạn phải bắt đầu thực hiện để nó có thể kết thúc, đừng ép mình phải thực hiện quá nhiều thứ một lúc, bản thân chúng ta sẽ thấy mệt mỏi và chán nản. Thay vì thế, hãy bắt đầu với những bước thật nhỏ.
Bạn rất muốn làm việc, đừng vội nghĩ tới chuyện sẽ làm chúng ra sao và như thế nào, trước hết hãy chuẩn bị đủ các công cụ, tư liệu cần để hoàn thành công việc. Sau khi chuẩn bị xong công cụ hãy thực hiện những bước đầu tiên như lên kế hoạch, bạn có thể nghỉ ngắn giữa các giai đoạn nhưng quan trọng là hãy thực hiện các bước này chứ đừng để chúng nằm mãi trong suy nghĩ.
Bạn muốn đi bộ trong 30 phút? Đừng nghĩ rằng mình phải đi trong 30 phút, hãy đi bộ 3 phút thôi và trong 3 phút đó bạn hãy quyết định xem mình muốn đi tiếp bao nhiêu lâu. Một khi đã thực hiện được nhiều bước, hãy bắt đầu tăng dần khối lượng, thời gian của từng bước và chẳng mấy chốc công việc sẽ hoàn thành.
Đối thoại với bản thân
Cách chúng ta nói chuyện với chính mình có ảnh hưởng lớn đến cảm giác của bản thân và những gì chúng ta làm.
Anthony Robins - một trong những chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực phát triển con người - giải thích rằng nếu chúng ta muốn cảm thấy hạnh phúc ngất ngây, tất cả những gì chúng ta cần làm là chấp nhận những quan điểm tạo ra cảm xúc đó.
Bạn sẽ thực sự ngạc nhiên trước cảm giác tích cực khi lựa chọn những suy nghĩ có triển vọng. Mỗi khi có một ý nghĩ tiêu cực, chẳng hạn như: "Hôm nay sẽ là một ngày dài, khó khăn trong công việc", hãy ngay lập tức thách thức suy nghĩ đó bằng cách tự nói với mình một điều gì đó như: "Tôi rất biết ơn ngày hôm nay, và hôm nay sẽ là một ngày vui vẻ và thú vị! ".
Chúng ta có hơn 50.000 suy nghĩ một ngày. Dù là chỉ 10% trong số chúng là tiêu cực, đó cũng là tổng cộng 5.000 suy nghĩ tiêu cực mỗi ngày. Khi nghe điều này, ta nhận ra rằng mình suy nghĩ tiêu cực quá nhiều.
Việc nhận ra và điều chỉnh đối thoại nội tâm đóng vai trò vô cùng quan trọng, đồng thời, chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đến cảm giác lười biếng và giúp bạn dễ dàng vượt qua được sự lười biếng đó.
Mong bài viết này sẽ giúp các bạn tìm lại được động lực để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Chúc các bạn may mắn!
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận