24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sự lệch chuẩn của hàn thử biểu

Thị trường chứng khoán được coi là hàn thử biểu của nền kinh tế, luôn phản ánh tương đối chính xác và liên quan mật thiết với sự tăng trưởng hay suy thoái của kinh tế. Chứng khoán sẽ luôn biến động cùng pha với kinh tế, tăng cùng tăng và giảm cùng giảm. Nhưng có những giai đoạn đặc biệt, thị trường chứng khoán có một đường đi rất riêng, thậm chí tách bạch, ngược lại với nền kinh tế.

Giai đoạn 2020-2021, đại dịch Covid xuất hiện, kinh tế rơi vào suy thoái nhẹ, đất nước bị phong toả, hoạt động xuất nhập khẩu và sản xuất bị đóng băng. Doanh nghiệp đối diện với nguy cơ thua lỗ, thậm chí là đóng cửa hàng loạt. Theo lý thông thường, thị trường chứng khoán sẽ rớt mạnh, cổ phiếu mất giá và lao dốc, bán tháo hoảng loạn sẽ xảy ra.

Thế nhưng bất ngờ thay, năm 2021 thị trường chứng khoán tăng mạnh thiết lập đỉnh cao lịch sử và cùng với đó là thanh khoản tăng vọt gấp hàng chục lần khi xưa. Tại sao có hiện tượng ngược đời và khác xa với những giáo trình dạy về đầu tư chứng khoán. Điều này được lý giải bởi sự dịch chuyển của dòng tiền tạo ra sự bất cân xứng giữa cung và cầu.

Nói một cách dễ hiểu, đại dịch khiến các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động nên không có nhu cầu vay vốn, thậm chí dư ra dòng tiền nhàn rỗi. Người dân tạm dừng các hoạt động đầu tư thông thường và lãi suất gửi tiết kiệm giảm mạnh về mức thấp, không còn hấp dẫn. Tất cả những yếu tố trên tạo ra một dòng tiền vô cùng lớn bất ngờ đổ vào thị trường chứng khoán nhằm tìm kiếm cơ hội đầu tư với tỉ suất lợi nhuận cao.

Điều gì đến cũng phải đến, riêng năm 2021 đã có 1.5 triệu tài khoản mở mới, bằng 10 năm trước đó cộng lại. Lượng tiền bên ngoài như thác lũ đổ vào thị trường vượt 10 tỉ USD trong thời gian ngắn, kéo theo thanh khoản nhảy vọt lên 1.5 - 2 tỉ USD mỗi phiên.

Dòng tiền lớn bất ngờ đổ vào thị trường trong khi số lượng cổ phiếu niêm yết không thay đổi. Nhu cầu mua cổ phiếu tăng vọt dẫn đến sự bùng nổ về giá là tất yếu bất chấp hoạt động kinh doanh có tốt hay không. Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà diễn biến gần như trên toàn thế giới dưới sự dẫn dắt của thị trường chứng khoán Mỹ.

Tóm lại, năm 2021 nền kinh tế suy giảm, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường chứng khoán lại bùng nổ nhờ dòng tiền lớn đổ vào tranh cướp cổ phiếu. Và khi đó, thị trường chứng khoán không còn là hàn thử biểu của nền kinh tế. Cổ phiếu tăng hay giảm ít phụ thuộc vào kinh doanh của các công ty, thay vào đó là quy luật cung cầu.

Đến vội vàng thì ra đi cũng vội vàng, bước sang năm 2022, dòng tiền lớn đột ngột rút khỏi thị trường dẫn đến sự hoảng loạn, bán tháo cổ phiếu. Nền kinh tế có nhiều khó khăn nhưng chắc chắn là không có sự suy thoái và sẽ nhanh chóng ổn định trở lại. Thị trường chứng khoán lao dốc rất mạnh và nguyên nhân ở đây chính là sự ra đi của một dòng tiền lớn. Giá cổ phiếu giảm mạnh bất chấp các doanh nghiệp vẫn tăng trưởng lợi nhuận. Và như vậy, thị trường chứng khoán không còn là hàn thử biểu của nền kinh tế.

Tại sao dòng tiền bất ngờ rút khỏi thị trường là một câu hỏi thú vị nhưng không còn nhiều giá trị. Nguồn cơn của mọi vấn đề không do nội tại của nền kinh tế mà nó đến từ phía bên ngoài, bị ảnh hưởng bởi hai nền nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Câu chuyện không có gì mới, ngòi nổ trị giá 300 tỉ USD mang tên Evergrande đã kích hoạt quả bom bất động sản Trung Quốc dẫn đến vỡ nợ hàng loạt và hệ luỵ vô cùng to lớn đối với nền kinh tế. Việt Nam không muốn thị trường BDS trong nước tan hoang như nước láng giềng phương Bắc kia và quyết định chém gà dọa khỉ. Tân Hoàng Minh là cái tên đầu tiên bước lên đoạn đầu đài và cuối cùng là cá mập Vạn Thịnh Phát.

Những vụ bắt bớ trên nhằm uốn nắn, cảnh cáo và nghiêm khắc đối với những thương vụ phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo bởi những khoản vay này có độ rủi ro quá lớn, nếu có sự cố xảy ra sẽ tác động vô cùng xấu và sâu rộng tới nền kinh tế. Biết rõ là đau thương nhưng buộc phải hành động để tránh vết thương nhỏ bị hoại tử.

Các doanh nghiệp, chủ yếu trong ngành BDS phải tìm cách mua lại trái phiếu không tài sản đảm bảo đã phát hành trước đó nếu không muốn dính tới vòng lao lý như hai ông lớn kia. Nếu trong điều kiện bình thường sẽ không có bất ngờ xảy ra, các công ty sẽ tìm cách đảo nợ qua ngân hàng, tăng thêm hạn mức vay để tất toán các khoản trái phiếu.

Nhưng một cơn bão hoàn hảo đột ngột hình thành đã tạo ra một địa chấn lớn làm rung chuyển nền kinh tế và kéo theo đó là sự hoảng loạn, bán tháo trên thị trường chứng khoán.

Giá dầu tăng cao đã thúc đẩy lạm phát toàn cầu nóng lên, các ngân hàng trung ương buộc phải hành động. Ngân hàng nhà nước Việt Nam quyết định không mở room tín dụng, giữ nguyên con số 14% và các ngân hàng thương mại đột ngột không thể giải ngân trong nửa sau của năm 2022 bởi đã dùng hết hạn mức từ rất lâu.

Không còn room tín dụng, các doanh nghiệp đảo nợ, tăng hạn mức vay bằng niềm tin, cũng vì thế trái phiếu không đảm bảo bất ngờ trở thành chiếc còng tay vô hình. Để tránh sang Ý thi đấu cho Juventus, các doanh nghiệp sẵn sàng bán mọi tài sản để giải quyết công nợ. Thị trường BDS bị đóng băng và chỉ còn mỗi cổ phiếu là có thể dễ dàng mang ra bán khi cần và thế là bán bằng mọi giá, bán bất chấp, bán như chưa từng được bán … và phần còn lại thuộc về lịch sử.

Ngoài ra, để kiểm soát lạm phát tại Mỹ, FED đã tăng mạnh lãi suất và đồng USD liên tục thiết lập đỉnh lịch sự. Các nền kinh tế mới nổi và Việt Nam đã bị ảnh hưởng rất mạnh, lãi suất tăng trở về mức trước đại dịch, tiền đồng mất giá 8.5% so với đồng USD. Mọi thứ xấu đi nhanh chóng tạo ra tâm lý vô cùng bi quan trên thị trường chứng khoán.

Túm cái váy lại, cổ phiếu giảm mạnh vừa là do dòng tiền lớn rút khỏi thị trường, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử. u cũng là hợp lý bởi dòng tiền nóng bất ngờ chảy vào thị trường trước đó trong năm 2021. Thị trường sẽ không giảm quá mạnh như vậy nếu đứng trên góc nhìn vĩ mô của nền kinh tế, nhát dao chí mạng là do sự tháo chạy của dòng tiền.

Thị trường đã ngừng chảy máu chưa, dòng tiền còn rút đi nữa hay không là một câu hỏi thú vị. Thật khó để trả lời chính xác và cũng chưa có đủ dấu hiệu để khẳng định điều gì nhưng giá cổ phiếu đã giảm về mức tương đối thấp, định giá đã khá là hấp dẫn.

Kết luận đầu tư: dòng tiền lớn rút lui là nguyên nhân chủ yếu khiến thị trường lao dốc mạnh. Nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn ổn, ngay khi sự cân bằng xuất hiện quanh vùng giá 1.000 điểm, cổ phiếu sẽ dần tăng trở lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Theo dõi người đăng bài

Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY

Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả