Sự khéo léo và thế khó của Nhật Bản trong vòng xoáy cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung
Phản ứng của Nhật trong cạnh tranh Mỹ - Trung trên các phương diện là vấn đề được đặc biệt quan tâm.
Là quốc gia nằm tại "tiền tuyến" của cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, Nhật Bản ở vị thế khó xử khi vừa là đồng minh quân sự thân cận của Washington, vừa có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh.
Theo quan sát của giới nghiên cứu, Nhật Bản đã phản ứng tương đối linh hoạt, vừa củng cố quan hệ chính trị và an ninh với Mỹ, trong khi duy trì quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Chính sách của Nhật Bản phụ thuộc vào 3 nhân tố chính, bao gồm: quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ; tranh chấp với Trung Quốc tại Biển Hoa Đông và lo ngại hành động của Trung Quốc tại Biển Đông; và sự gia tăng phụ thuộc của Nhật vào chuỗi cung ứng và thị trường của Trung Quốc.
Cân bằng về ngoại giao
Không khó để nhận ra, Nhật Bản luôn quan tâm đặc biệt đến những chuyển biến mới trong quan hệ Mỹ - Trung. Xứ sở sakura đã thể hiện chính sách ngoại giao khéo léo và mềm dẻo khi không chọn ngả về bên nào, từng bước củng cố quan hệ với từng nước.
Một mặt, Nhật Bản đã chủ động gia tăng can dự, củng cố quan hệ đồng minh với Mỹ, tìm cách giữ chân Mỹ ở khu vực. Trong các tuyên bố về chính sách ngoại giao, các Ngoại trưởng Nhật Bản đều đặt việc thúc đẩy quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ là một trụ cột trong chính sách đối ngoại. Sách xanh Ngoại giao của Nhật Bản cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của liên minh Nhật - Mỹ.
Ngoài ra, trên bình diện song phương, qua các cuộc gặp thượng đỉnh, lãnh đạo hai nước đều nhấn mạnh và đề cao quan hệ đồng minh. Sau khi ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2017, Thủ tướng Abe Shinzo đã có chuyến thăm chính thức Washington vào tháng 2/2017, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác và thúc đẩy quan hệ đồng minh giữa hai nước.
Trong bối cảnh Trung Quốc có những động thái tại Biển Đông và Biển Hoa Đông, Nhật Bản càng coi trọng hơn quan hệ đồng minh với Mỹ, xem đó là “hòn đá tảng” trong chính sách an ninh, quốc phòng. Trao đổi an ninh, quốc phòng giữa Nhật Bản và Mỹ ngày càng dày đặc với 37 lần liên lạc từ tháng 7/2017 đến tháng 6/2018, cả qua điện thoại lẫn gặp mặt trực tiếp giữa lãnh đạo và cấp Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao giữa hai nước.
Hơn nữa, hai bên cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập huấn nâng cao năng lực và tác chiến song phương hằng năm, Nhật Bản cũng thường xuyên đặt mua các máy bay chiến đấu và công nghệ quốc phòng của Mỹ nhằm nâng cao năng lực phòng thủ, đồng thời cam kết tham gia song hành cùng Mỹ trong các hoạt động bảo đảm tự do hàng hải.
Mặt khác, Nhật Bản còn cố gắng ổn định lại quan hệ với Trung Quốc, áp dụng chính sách ngoại giao mềm dẻo. Không muốn “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” bị nhìn nhận là một chiến lược nhằm kiềm chế Trung Quốc, Tokyo đã thay từ “Chiến lược” bằng “Tầm nhìn” để tránh khiêu khích với Bắc Kinh.
Còn trong bài phát biểu tân nhiệm, Ngoại trưởng Motegi (trước là Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản) đã không hề đề cập “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” là một trụ cột trong chính sách ngoại giao của mình như người tiền nhiệm Taro Kono.
Không chỉ vậy, Tokyo cũng đã điều chỉnh thái độ với Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, thay vì phản đối hoàn toàn thì chỉ đòi hỏi các dự án cần đáp ứng những yêu cầu, điều kiện nhất định về minh bạch, bền vững tài chính.
Bên cạnh đó, Nhật Bản hy vọng bình thường hóa quan hệ qua chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tokyo dự kiến vào tháng 4 năm nay và sau đó đã bị hoãn lại do đại dịch Covid-19.
Trước đó, vào lễ kỷ niệm 70 năm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hồi tháng 10/2019, Thủ tướng Abe Shinzo đã gửi video chúc mừng tới Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo, bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ giữa hai nước vì nhiều lý do.
Thực dụng về kinh tế
Có thể thấy, Nhật Bản đã cố gắng duy trì quan điểm trung lập trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, duy trì trật tự thương mại tự do hiện hành có lợi cho Nhật Bản.
Mặc dù là đồng minh của Mỹ về an ninh và chia sẻ lo ngại về việc Trung Quốc cưỡng ép chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ, giống như chính sách ngoại giao linh hoạt, Nhật Bản cũng không chọn bên trong quan hệ kinh tế, cố gắng tránh chỉ trích Trung Quốc, không muốn bị lôi kéo vào cuộc chiến thương mại giữa hai siêu cường.
Cả Thủ tướng và Ngoại trưởng Nhật Bản đều thể hiện quan điểm thương chiến Mỹ - Trung nên được giải quyết qua đàm phán theo cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đồng thời bày tỏ mong muốn Washington và Bắc Kinh tiến hành đàm phán dựa vào luật lệ để phát triển kinh tế thế giới.
Trong thương mại với Trung Quốc, Nhật Bản đang ngày càng phụ thuộc vào việc xuất khẩu cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu của thị trường đông dân nhất thế giới này.
Trên khía cạnh đầu tư, đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản vẫn ở mức thấp, chỉ dao động từ khoảng 1 tới gần 2 tỷ USD từ năm 2017-2019. Nhưng ở chiều ngược lại, đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc khá lớn, khi năm 2017, 2018 và nửa năm đầu 2019 ghi nhận mức đầu tư lần lượt là 12,417; 11,999 và 14,371 tỷ USD.
Trong khi đó, Mỹ vẫn là đối tác thương mại và đầu tư lớn của Nhật Bản. Trong khoảng thời gian năm 2018-9/2019, Nhật Bản hầu như đều đạt thặng dư thương mại với Mỹ, nhưng lại thâm hụt thương mại với Trung Quốc.
Về mặt đầu tư, đầu tư của Mỹ vào Nhật chiếm 38,8% tổng số đầu tư của Nhật trong năm 2019 và 22,8% trong năm 2018. Còn đầu tư của Trung Quốc vào Nhật Bản (tính cả Đài Loan (3,1%) và Hong Kong (5,1%)) chỉ chiếm 13,8% trong năm 2019.
Về hiệp định thương mại Mỹ - Nhật, Tokyo đã chấp nhận mở cửa thị trường đối với mặt hàng nông sản của Washington, trao cho nông sản Mỹ quyền tiếp cận thị trường thông qua việc giảm 7 tỷ USD thuế đối với một số mặt hàng, đổi lại, nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm thuế đối với một số mặt hàng công nghiệp của Nhật nhập khẩu vào nước này.
Thế khó xử của Nhật Bản
Có thể thấy, mặc dù cố gắng ứng xử khéo léo ở vị thế đặc biệt giữa hai cường quốc, Nhật Bản luôn phải đối phó với thế lưỡng nan.
Theo Hiệp định đồng minh, Mỹ là "chiếc ô hạt nhân" bảo vệ cho Nhật Bản và là đối tác an ninh - quốc phòng hàng đầu của Tokyo. Trong Sách trắng quốc phòng, trong các tuyên bố về trụ cột ngoại giao cũng như trong các cuộc gặp song phương và đa phương, lãnh đạo và quan chức cấp cao hai nước đều nhấn mạnh tới củng cố và duy trì quan hệ đồng minh. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump cũng tìm cách buộc Nhật Bản phải chia sẻ gánh nặng trong liên minh bằng việc đòi hỏi Nhật tăng thêm 4 lần chi phí cho quân đội Mỹ đồn trú tại nước này.
Nhật Bản là một nước được hưởng lợi và phụ thuộc rất nhiều vào tự do hàng hải và trật tự quốc tế hiện hành. Việc duy trì tự do tuyến đường thông thương hàng hải tại Biển Đông và Biển Hoa Đông là rất quan trọng đối với Tokyo. Tuy nhiên, chính sách bành trướng của Trung Quốc ở hai vùng biển này khiến cho các nỗ lực ổn định quan hệ của chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo trở nên khó khăn hơn.
Nhìn chung, Nhật Bản đã cố gắng ứng xử khéo léo để hạn chế tối đa tác động bất lợi từ cạnh tranh Mỹ - Trung, đặc biệt là trong lĩnh vực chiến lược và kinh tế. Thông qua việc tìm cách thúc đẩy bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, trong khi từng bước gia tăng sức mạnh răn đe thông qua củng cố, tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ, Nhật Bản đã phần nào thể hiện sự mềm dẻo trong sách lược cũng như vai trò duy trì ổn định, an ninh ngày càng lớn ở khu vực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận