menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Nguyễn Hồng Nhung

Sự khắc nghiệt khiến ngành chip Mỹ 'bốc hơi' 1.500 tỷ USD

Gậy ông thì lại đập lưng ông....

Mỹ đặt tham vọng tự sản xuất chip, nhưng các công ty chưa kịp gặt hái thành quả đã bốc hơi hàng nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán.

Tại Licking, bang Ohio, các đoàn xe ben và xe ủi lần lượt tập kết vật liệu để xây dựng các nhà máy sản xuất chip. Ít nhất hai nhà máy sản xuất bán dẫn của Intel sẽ được xây dựng tại đây với khoản đầu tư ước tính khoảng 20 tỷ USD.

Vào tháng 3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gọi vùng đất rộng lớn tại Ohio này là "cánh đồng của những giấc mơ" trong thông điệp liên bang. Ông nói các nhà máy sắp hình thành tại đây chính là "nền tảng tương lai của nước Mỹ".

Đầu năm nay, cuộc khủng hoảng nguồn cung bán dẫn toàn cầu vẫn còn tiếp tục từ năm ngoái khi đại dịch hoành hành, chứng minh tầm quan trọng của chip đối với cuộc sống hiện đại. Khi đó, nhu cầu về chip - linh kiện có mặt trong hầu hết các thiết bị công nghệ - tăng chóng mặt. Các nhà đầu tư vào lĩnh vực này như "trúng số" vì các mã chứng khoán công nghệ tăng trưởng mạnh.

Trong bối cảnh đó, Đạo luật Chip & Khoa học của Mỹ ra đời. Đến ngày 9/8, Tổng thống Biden ký thông qua đạo luật, trong đó dành gần 53 tỷ USD cho các ưu đãi trong sản xuất chất bán dẫn, như hai dự án của Intel ở Ohio. Mục tiêu của Mỹ là nhằm giảm phụ thuộc vào các công ty sản xuất bán dẫn nước ngoài.

Đến nay, dù còn quá sớm, những công ty tham gia đã bắt đầu nhận thấy sự khắc nghiệt từ tham vọng tự chủ bán dẫn. Cuối tháng 9, công ty sản xuất chip nhớ Micron dự báo doanh thu quý III/2022 với mức giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Một tuần sau, hãng thiết kế chip AMD cho biết doanh số bán hàng dự kiến giảm 16%. Trong khi đó, Intel được cho là đang có kế hoạch sa thải hàng nghìn nhân viên sau một chuỗi kết quả tồi tệ.

Từ đầu năm đến nay, tổng số hơn 1.500 tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị vốn hóa thị trường chỉ tính riêng các doanh nghiệp chip niêm yết tại Mỹ.

Đánh mất thị trường lớn nhất vì lệnh cấm

Mỹ được đánh giá vẫn đi đúng hướng ở tầm vĩ mô khi cố gắng hạn chế năng lực sản xuất của Trung Quốc, trong đó có lĩnh vực quan trọng là công nghệ. Tuy nhiên, theo Economist, việc áp dụng hàng loạt lệnh cấm thời gian qua đang tạo thành hệ lụy lớn, ít nhất là những gì xảy ra trước mắt.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ chip lớn nhất thế giới. Nước này nhập khẩu khoảng 400 tỷ USD lượng hàng hóa về bán dẫn năm 2021, chiếm gần 60% thị trường toàn cầu. Hầu hết đối tác là doanh nghiệp Mỹ hoặc sử dụng công nghệ của Mỹ.

Chẳng hạn, doanh thu mảng chip tại Trung Quốc của Intel đạt 21 tỷ USD trong số 79 tỷ USD trên toàn cầu của hãng năm 2021. Trong khi đó, Nvidia dự đoán các lệnh cấm của Mỹ có thể khiến doanh thu quý III/2022 giảm 400 triệu USD, tương đương 6% tổng doanh thu.

Còn theo Goldman Sachs, Trung Quốc đang đóng góp khoảng 1/3 doanh thu cho ba tập đoàn chip Mỹ là Applied Materials, KLA và Lam Research. Lam Research - nhà sản xuất thiết bị bán dẫn có trụ sở ở Thung lũng Silicon - cho biết sẽ tổn thất khoảng 2,5 tỷ USD trong năm 2023.

Trước Lam Research, Applied Materials - nhà sản xuất thiết bị chip lớn nhất của Mỹ - cũng thừa nhận việc hạn chế xuất khẩu sẽ khiến doanh thu của hãng bị mất từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý vừa qua. Lam Research, Applied Materials và KLA Corp hiện là các nhà cung cấp tấm wafer dùng để sản xuất chip lớn nhất của Mỹ.

Trong khi đó, Trung Quốc đang đẩy mạnh tự chủ để giảm phụ thuộc bên ngoài. Các doanh nghiệp trong nước như SMIC (chip logic) và YMTC (bộ nhớ), cũng như các nhà sản xuất bán dẫn địa phương được kỳ vọng một ngày nào đó có thể thách thức vị thế về silicon của Mỹ. Nếu điều đó xảy ra, giới quan sát cho rằng lĩnh vực chip Mỹ càng thêm gặp khó.

Theo FT, trong cuộc gặp với chính phủ Mỹ tháng 8, nhà đồng sáng lập TSMC Morris Chang đánh giá nỗ lực của Mỹ nhằm xây dựng lại ngành sản xuất chip tại quê nhà sẽ thất bại. Brad Martin, Giám đốc Viện nghiên cứu về Chuỗi cung ứng an ninh quốc gia tại Rand Corporation (Mỹ), nhận định: "Độc quyền trong sản xuất chất bán dẫn tạo ra sự bất ổn. Nếu Mỹ phải đưa ra quyết định giữa bảo vệ nền kinh tế của mình, đó sẽ là một lựa chọn khắc nghiệt".

Khủng hoảng cung-cầu

Ngành công nghiệp bán dẫn nổi tiếng là có tính chu kỳ. Khi nhu cầu tăng, cần vài năm để xây dựng các nhà máy mới công suất cao hơn. Nhưng đến lúc đó, nhu cầu có thể lại không còn tăng trưởng nóng nữa.

Ở Mỹ, chu kỳ này đang dần hình thành. Sau khi nhu cầu tăng mạnh từ 2020, Mỹ bắt đầu khuyến khích sản xuất trong nước nhằm đảm bảo tính tự chủ, cũng như ngăn công nghệ và thiết bị sản xuất chip của mình được xuất sang Trung Quốc.

Theo các chuyên gia, dù Mỹ đưa một số nhà máy sản xuất chip về nước và gây khó khăn cho đối thủ, họ có thể gây ra tình trạng cung lớn hơn cầu trong tương lai.

Năm ngoái, khi khủng hoảng chip đạt đỉnh điểm, nhiều công ty rơi vào tình trạng "hoảng loạn" và cố gắng tích trữ càng nhiều chip càng tốt. Công ty nghiên cứu thị trường New Street Research ước tính, từ tháng 4 đến tháng 6 năm ngoái, lượng chip dự trữ của các công ty công nghệ cao hơn 40% so với mức cao nhất trước đó của họ. Quý vừa qua, Intel và Micron cũng nêu nguyên nhân khiến kết quả tài chính không như mong đợi một phần do lượng hàng tồn kho cao.

Chênh lệch cung cầu khiến giá chip giảm mạnh. Số liệu từ Future Horizons cho thấy, giá chip nhớ đã giảm 10% trong một năm qua, còn chip logic, xử lý dữ liệu và một số loại khác giảm 3%.

Sự sụt giảm cũng tác động sâu sắc đối với hàng tiêu dùng. Theo công ty nghiên cứu Gartner, smartphone và PC chiếm gần một nửa trong tổng số 600 tỷ USD mà ngành chip phục vụ mỗi năm. Năm nay, các nhà phân tích dự báo doanh số smartphone giảm 6%, còn doanh số máy tính giảm 10%. Vào tháng 2, các công ty như Intel dự kiến nhu cầu PC sẽ tăng trưởng ổn định trong 5 năm tới, nhưng họ đang xem lại dự đoán của mình.

Việc giải phóng hàng tồn không dễ dàng. Doanh số máy tính và smartphone đã bắt đầu chững lại so với giai đoạn Covid-19, trong khi các nhà sản xuất điện thoại không thể nhét thêm chip vào thiết bị của họ.

Trước tình cảnh này, một số buộc phải tìm con đường mới. Qualcomm đang lấn sân sang lĩnh vực ôtô, cho biết đã nhận được đơn hàng trị giá 30 tỷ USD. AMD, Intel và Nvidia sản xuất các sản phẩm chip cho trung tâm dữ liệu điện toán đám mây - nơi nhu cầu chip cũng được đánh giá rất mạnh. Còn Intel cũng đang mở rộng sang lĩnh vực bán dẫn cho thiết bị mạng và thiết bị IoT.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại