24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Lê Tâm
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sự kết nối yếu giữa cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường không đang kéo lùi hiệu quả kinh tế và khiến chi phí logistics không thể giảm.

Chi phí logistics của Việt Nam ở khoảng 16-17% và phần lớn chi phí này tập trung chủ yếu tại khâu vận tải (chiếm 60-80%) và tiếp theo là khâu xếp dỡ, thông quan hàng hóa.

Ngay sau chuyên đề “Cảng biển đơn độc tăng trưởng”, DĐDN đã có buổi phỏng vấn độc quyền ông NGUYỄN XUÂN SANG, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam về nội dung này.

Sự kết nối yếu giữa cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường không đang kéo lùi hiệu quả kinh tế và khiến chi phí logistics không thể giảm.

Theo ông Sang, chúng ta cần chính sách thu hút nguồn lực xã hội bao gồm cả cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao vào công tác quản lý vĩ mô về logitics và hu hút nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, kinh doanh logistis với những ưu đãi phù hợp.

- Thực trạng hạ tầng cảng biển Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập khiến chi phí logistics cao, thưa ông?

Hệ thống Cảng biển Việt Nam hiện tại với năng lực thông qua hàng năm từ 650-700 triệu tấn hàng hóa, trong đó khoảng 90% sản lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của quốc gia, nên có thể nói cảng biển đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng – logistics quốc gia.

Sau 20 năm triển khai thực hiện quy hoạch cảng biển, hạ tầng cảng biển đã được đầu tư phát triển nâng cao cả về chất và lượng với chiều dài bến cảng tăng từ 20km lên gần 89km. Năng lực cảng được cải thiện từ đáp ứng hàng hóa thông qua khoảng 73 triệu tấn/năm vào năm 2000 thì đến nay đã có thể đáp ứng được khoảng 650-700 triệu tấn. Việt Nam đã cơ bản đáp ứng cho cỡ tàu trọng tải trên 30.000 tấn và đặc biệt là các bến cảng container đáp ứng cho cỡ tàu trọng tải từ 50.000 tấn đến 200.000 tấn tạo mắt xích quan trọng trong chuỗi vận tải toàn cầu.

Mặc dù đã được quan tâm đầu tư đúng với định hướng và mục tiêu quy hoạch, tuy nhiên chi phí logistics tại Việt Nam vẫn ở mức cao so với một số quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, chi phí logisics của Việt Nam ở khoảng 16-17% GDP và phần lớn chi phí này tập trung chủ yếu tại khâu vận tải (chiếm 60-80%) và tiếp theo là khâu xếp dỡ, thông quan hàng hóa. Vì vậy, chi phí logistics phụ thuộc rất lớn vào năng lực hạ tầng, trang thiết bị vận tải.

- Xin ông cho biết nguyên nhân của tình trạng này do đâu? Phải chăng chúng ta đầu tư chưa thích đáng và trọng tâm?

Do hạn chế về nguồn vốn nên những năm qua việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối từ các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa đến các cửa khẩu - trong đó có cảng biển còn nhiều bất cập. Tình trạng ùn tắc giao thông, thiếu đồng bộ trong đầu tư hạ tầng kết nối cảng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với chi phí, thời gian vận tải hàng hóa làm gia tăng chi phí logistics.

Cũng phải thẳng thắn rằng, các dịch vụ cảng biển chỉ là một phần trong cấu thành chi phí logistics, vì vậy để góp phần giảm chi phí logistics một cách hiệu quả ngoài việc cải thiện các dịch vụ cảng biển cũng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như cải thiện về kết nối cảng biển (bao gồm kết nối giao thông, thông tin…); phát triển các dịch vụ hỗ trợ như vấn đề pháp lý, đào tạo, ngân hàng, bảo hiểm, hải quan cửa khẩu, các dịch vụ hàng hóa; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh cho các doanh nghiệp, khả năng tiếp cận các nguồn vốn và; bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải nâng cao hiệu quả quản trị, kinh doanh.

- Như vậy cần có chiến lược quốc gia về vấn đề kết nối cảng biển để giảm chí phí logistics ra sao, thưa ông?

Theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 dự kiến nhu cầu hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam từ 1 đến 1,16 tỷ tấn. Với tỷ trọng hàng hóa xuất nhập khẩu chiếm từ 50-60% tổng lượng hàng hóa thông quan nên việc thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm chi phí logistics có ý nghĩa rất lớn đối với phát triển kinh tế nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên trường quốc tế.

Để thực hiện được vấn đề này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Thứ nhất, là triển khai các giải pháp kết nối cảng biển bao gồm cả phần cứng và mềm.

Về phần cứng, bên cạnh tận dụng lợi thế điều kiện tự nhiên phát triển vận tải thủy để phát triển phương thức vận tải năng lực lớn thân thiện với môi trường và chi phí đầu tư thấp, cần thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông kết nối đến các cảng biển chính trong đó tập trung vào cảng biển có sản lượng hàng hóa lớn tại Nhóm cảng biển phía Bắc như Cảng Hải Phòng, Cảng Quảng Ninh, Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ như Tp Hồ Chí Minh, Bà Rịa Vũng Tàu.

Các địa phương cũng cần chủ động thu hút đầu tư phát triển hạ tầng cảng cạn, trung tâm logistics theo quy hoạch được duyệt, thúc đẩy việc hình thành các khu tập kết container rỗng, các khu tập kết phương tiện vận tải tại những vị trí thuận lợi tiếp cận cảng và hỗ trợ giảm áp lực khai thác cảng biển.

Đồng thời, ưu tiên các giải pháp kết nối hiệu quả cảng biển với các vùng sản xuất tiêu thụ hàng hóa, chú trọng đến quy hoạch hiệu quả các cảng biển phục vụ cho các nhu cầu phát triển mới như các cảng LNG… để nâng cao hiệu quả đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và tối ưu chi phí vận tải.

Về phần mềm là các dịch vụ hỗ trợ khai thác cảng biển như dịch vụ thông quan hàng hóa, kiểm dịch, kiểm tra hàng hóa, ngân hàng… cần phải có sự chung tay góp sức của các bộ ngành, các địa phương có cảng để kết nối, đẩy nhanh các thủ tục hàng hóa, tiết kiệm về thời gian thực hiện các dịch vụ tại cảng biển giảm chi phí xã hội.

Thứ hai, cần tiếp tục cải các về thể chế, xây dựng các cơ chế chính sách hiệu quả trong đầu tư xây dựng hạ tầng và kinh doanh các lĩnh vực logistics. Tăng cường đào tạo, xây dựng năng lực cho các cơ quan quản lý kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp để chủ động nắm bắt, làm chủ các chuỗi, các hoạt động logistics quốc gia và toàn cầu.

Thứ 3, các doanh nghiệp logistics trong nước cần nâng cao về năng lực, kinh nghiệm, sức cạnh tranh để chiếm lĩnh thị phần các khâu trong chuỗi dịch vụ logistics, đặc biệt là các chuỗi logistics toàn cầu.

-Tuy nhiên, rõ ràng là chưa đủ, muốn hiện thực mục tiêu ông vừa nói, huy động nguồn lực cho phát triển cần được tiến hành như thế nào trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, thưa ông?

Để thực hiện mục tiêu giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam chúng ta cần huy động tổng hòa các nguồn lực, trong đó tập trung và xây dựng đội ngũ quản lý có kiến thức, tầm nhìn cho phát triển logistics. Vì đây là một chiến lược quan trọng cho phát triển kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia trên toàn cầu, do đó cần có chiến lược đào con người trong lĩnh vực này.

Đồng thời, bố trí ngân sách để chủ động thực hiện các dự án ưu tiên nhằm cải thiện các dịch vụ logistics, trong đó tập trung chính vào cơ sở hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển lớn, đặc biệt chú trọng hạ tầng giao thông cho vận tải hàng hóa.

Đặc biệt, có cơ chế chính sách thu hút nguồn lực xã hội bao gồm cả cơ chế thu hút nhân lực chất lượng cao được đào tạo kiến thức tốt ở cấp độ quốc tế tham gia vào công tác quản lý vĩ mô về logitics.

Thu hút nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng, kinh doanh logistis với những ưu đãi phù hợp khuyến khích doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Xin cảm ơn ông!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả