Sự hồi sinh của Thỏa thuận Hạt nhân Iran và tình thế khó đoán định
Đâu là lý do đằng sau những cuộc tấn công mạng các cơ sở hạt nhân Iran cùng những tác động có thể đối với sự hồi sinh của JCPOA?
Vụ tấn công mạng gần đây nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz nằm dưới lòng đất 8 mét của Iran đã gây ra thiệt hại cho các máy ly tâm đang hoạt động trong khu vực mà Tehran đã cáo buộc Israel, được coi là mối đe dọa cho sự hồi sinh các cuộc đàm phán giữa P5+1 và Iran về Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (Joint Comprehensive Plan of Action - JCPOA). Iran gọi hành động đó là “khủng bố hạt nhân” mà họ đã đáp trả bằng cách tăng mức làm giàu hạt nhân lên đến 60%, mặc dù không đủ để sản xuất vũ khí hạt nhân nhưng lệch rất lớn so với mức được phép theo JCPOA là 3,76%.
JCPOA dưới thời chính quyền Trump
JCPOA được cho là một thành công lớn của chính quyền Tổng thống Obama vì nó tạo điều kiện cho một cuộc đàm phán chính thức giữa các thành viên P5+1 và Iran nhằm ngăn chặn một quốc gia khác có vũ khí hạt nhân. Mối quan tâm này càng bức bách trong bối cảnh của Iran, vì sau cuộc cách mạng năm 1979, người ta cho rằng Iran không thể là thành viên “câu lạc bộ hạt nhân”, đặc biệt là khi nước này tài trợ cho các nhóm cực đoan và dân quân ở Yemen, Syria và Lebanon.
Và nữa, mối quan hệ căng thẳng giữa Iran và các đối thủ trong khu vực như Saudi Arabia và các đồng minh của họ, đặc biệt là Israel, vì vậy, Tehran đang “chống lưng” cho các nhóm như Hezbollah và Hamas, cũng là một lý do. Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, Trump đã quyết rút khỏi Thỏa thuận vào năm 2018, biện dẫn những sai sót trong chính bản thân JCPOA. Theo cựu Tổng thống Mỹ này, Thỏa thuận không đề cập đến giải pháp lâu dài để loại bỏ các thiết kế hạt nhân của Iran và cũng không đề cập đến việc phát triển tên lửa đạn đạo và hỗ trợ dân quân ở Trung Đông.
Việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran đã gây ra áp lực nội bộ đối với Iran, vốn được giảm nhẹ bằng cách xây dựng các cơ sở bí mật và được che giấu để làm giàu vật liệu phân hạch hạt nhân Uranium. Các cơ sở như vậy đã bị Israel phanh phui vào năm 2018 bằng cách tiết lộ hàng nghìn trang tài liệu mật, chứa thông tin chi tiết về tham vọng của Iran và việc Tehran không tuân thủ các điều khoản và điều kiện của JCPOA.
Tại sao Israel chống lại Thỏa thuận này?
Nếu JCPOA là một thỏa thuận có thể hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran thì tại sao đối thủ truyền kiếp của Iran là Israel lại lên án thỏa thuận này với một số nỗ lực (theo cáo buộc của Iran) nhằm phá hoại các địa điểm hạt nhân quan trọng và ám sát nhiều nhà khoa học Iran?
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã thường xuyên nhắc rằng, Thỏa thuận này có một số sai sót - đó là những thỏa thuận ngắn hạn; Thỏa thuận không đề cập đến tên lửa đạn đạo; sự yếu kém của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency - IAEA) trong việc thanh tra và giám sát; đồng thời, ưu thế của Iran trong lĩnh vực kinh tế sau khi thực hiện thỏa thuận này có thể dẫn đến hậu quả nặng nề trong việc hỗ trợ dân quân chống lại Israel, hoặc tái hoạt động, bí mật theo đuổi vũ khí hạt nhân. Điều này sẽ đe dọa lợi thế quân sự chiến lược và quyền bá chủ hạt nhân trong khu vực của Israel.
Iran không tuân thủ
IAEA xác nhận Iran đã vượt qua các giới hạn đặt ra bởi JCPOA để duy trì kho dự trữ uranium và nước nặng vào tháng 11/2019 và kể từ đó, đã tăng tỷ lệ Uranium-235 từ 3,67 lên 4,5%. Sau đó, theo luật hạt nhân mới được Hội đồng Giám hộ Iran thông qua, tỷ lệ làm giàu uranium lên đến 20% với lượng dự trữ dồi dào đã được thực hiện. Iran đã đáp lại mối quan ngại của các thành viên khác trong Thỏa thuận bằng cách khẳng định sẽ hủy bỏ luật này nếu Mỹ quay lại JCPOA và dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt Tehran.
Những thay đổi này được Iran thực hiện để thu hút sự chú ý từ các cường quốc nhằm kéo Mỹ quay lại Thỏa thuận, đảm bảo chấm dứt các lệnh trừng phạt do chính quyền Trump áp đặt. Iran muốn cải thiện nền kinh tế nhưng nhiều nước không sẵn sàng giao dịch và hợp tác do áp lực từ Mỹ. Một ví dụ là Ấn Độ - nước đã phải ngừng hoạt động tại cảng Chahbahar ở Iran mặc dù Cộng hòa Hồi giáo rất quan trọng để New Delhi phát triển các liên kết thương mại với các nước cộng hòa Trung Á và cân bằng các tác động của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (China-Pakistan Economic Corridor - CPEC).
Liên quan đến lịch sử
Năm 2010, vũ khí kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới được sử dụng để phá vỡ các máy ly tâm của Iran tại cơ sở hạt nhân Natanz. Virus được biết đến với tên Stuxnet gây thiệt hại vật lý cho máy tính chứ không chỉ chiếm quyền điều khiển. Hiện, Stuxnet được biết rộng rãi là một hợp tác của Israel và Mỹ, bắt đầu dưới thời Tổng thống Bush và tiếp tục trong nhiệm kỳ Tổng thống Obama.
Cuộc tấn công đã không bao giờ được các quan chức của cả hai nước thừa nhận nhưng một video xuất hiện vào năm 2011, tại sự kiện nhận quyết định nghỉ hưu, người đứng đầu Lực lượng Phòng vệ Israel đã tuyên bố Stuxnet là một trong những thành công lớn của ông. Mục đích của cuộc tấn công là làm chệch hướng chương trình của Iran theo đuổi việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Tương tự, mục đích của cuộc tấn công gần đây là làm suy yếu vị thế của Iran trong các cuộc thương lượng diễn ra ở Vienna, đồng thời phơi bày tính dễ bị tổn thương và thiệt hại kinh tế trước các cường quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Iran, Saeed Khitabzadeh đã đáp lại những lo ngại của các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (Gulf Cooperation Council - GCC), yêu cầu phản ứng thích đáng đối với tuyên bố mới nhất của Iran về việc làm giàu Uranium là “chưa chín chắn và vô trách nhiệm.” Và các nguồn tin khác nhau đã xác nhận rằng vòng đàm phán Thỏa thuận Hạt nhân thứ hai đang diễn ra như dự kiến trước đó, dường như không có tác động của các cuộc tấn công gần đây nhằm vào Natanz.
Tuy nhiên, Israel không phải là một bên tham gia vào các cuộc đàm phán này và sức ép nội bộ đã gây áp lực lên Thủ tướng Netanyahu để thực hiện các biện pháp mang tính xây dựng chống lại “mối đe dọa hiện hữu” của họ và đối đầu với thực tế. Điều quan trọng là tất cả các bên liên quan phải hành động một cách chủ động và đạt được lợi ích tối đa từ đó, khi Iran một bên không muốn tỏ ra hung hăng để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và khôi phục các cuộc đàm phán với Mỹ, cũng đang đối mặt với sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng với đầu tư nước ngoài và thương mại dầu mỏ giảm sút.
Thỏa thuận này là cần thiết để giảm thiểu áp lực nội bộ cũng như để điều hành các lực lượng ủy nhiệm tại các quốc gia khác nhau ở Trung Đông. Biden đã điều hành chiến dịch tranh cử của mình bằng cách nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và giành lại vai trò của Mỹ trên thế giới. Điều này đòi hỏi Washington phải đóng một vai trò quan trọng trong việc hồi sinh JCPOA và quan trọng nhất là tạo điều kiện có lợi nhất cho Mỹ.
Giữa hai quốc gia này, Israel đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan vì việc nước này tham gia vào bất kỳ cuộc can dự quân sự hoặc thực chất nào với Iran có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn nhưng việc im lặng sẽ ảnh hưởng đến lập trường của họ đối với Iran và cách tiếp cận của nước này đối với Thỏa thuận Hạt nhân Iran.
Trong trường hợp phá hoại Thỏa thuận Hạt nhân, Israel sẽ gây tổn hại đến lợi ích quốc gia của Mỹ, điều mà ông Netanyahu không muốn làm trong bối cảnh tình hình chính trị nội bộ hiện nay của Israel. Vì vậy, có thể kết luận, các cuộc đàm phán hiện tại sẽ vẫn tiếp tục bất chấp những cuộc tấn công này nhưng để dự đoán bản chất và mục tiêu của dự thảo nghị quyết mới là một việc quá khó và chưa chín muồi để làm./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận