Sử dụng sai ngân sách phải tự chịu trách nhiệm
Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) khẳng định, công tác chi ngân sách đang được cải cách mạnh mẽ, đáp ứng đủ vốn cho chi đầu tư và nhu cầu chi thường xuyên, đơn vị nào sử dụng ngân sách không đúng tiêu chuẩn, định mức thì phải tự chịu trách nhiệm.
Ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi (Kho bạc Nhà nước) khẳng định, công tác chi ngân sách đang được cải cách mạnh mẽ, đáp ứng đủ vốn cho chi đầu tư và nhu cầu chi thường xuyên, đơn vị nào sử dụng ngân sách không đúng tiêu chuẩn, định mức thì phải tự chịu trách nhiệm.
Sau nhiều năm thực hiện cải cách hành chính trong chi ngân sách nhà nước (NSNN), kết quả đạt được thế nào, thưa ông?
Có thể tóm tắt kết quả đạt được là 6 giảm, 8 tự động và 4 hơn. Trong đó, 6 giảm gồm giảm hồ sơ; giảm giấy tờ; giảm thủ tục; giảm đầu mối; giảm thời gian kiểm soát thanh toán; giảm tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên kho bạc với khách hàng, nên tránh được tiêu cực.
Còn 8 tự động là tiếp nhận hồ sơ tự động, kiểm soát tự động, kế toán tự động, thanh toán tự động, trả kết quả tự động, lưu trữ hồ sơ tự động, báo cáo tự động, tự động đối chiếu.
Cuối cùng là 4 hơn, gồm công khai, minh bạch hơn; chặt chẽ hơn; an toàn hơn; hiệu quả hơn.
Nhờ kiểm soát chi NSNN công khai, minh bạch, an toàn nên tránh được thất thoát, lãng phí, tiền NSNN cung ứng kịp thời cho hoạt động đầu tư cũng như bảo đảm chi thường xuyên đã phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội tốt hơn, ngăn chặn tình trạng nợ đọng trong thanh toán.
Chi đúng, chi đủ, chi kịp thời, nhưng vấn đề là phải kiểm soát chặt chẽ để tránh tình trạng đơn vị sử dụng ngân sách “chi bừa”?
Hệ thống Kho bạc Nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi theo ngưỡng đối với các khoản chi nhỏ lẻ có giá trị từ 20 triệu đồng trở xuống nhằm tiến tới việc kiểm soát chi theo giá trị, kiểm soát chi theo rủi ro; thực hiện việc kiểm soát theo phương thức khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Nói dễ hiểu, đối với khoản chi từ 20 triệu đồng trở xuống, chúng tôi chỉ kiểm soát chi theo bảng kê chứng từ, các đơn vị thụ hưởng ngân sách phải tự chịu trách nhiệm về việc đề nghị chi và chi tiêu. Chúng tôi tập trung nhân lực quản lý chặt chẽ khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên.
Theo thống kê, có khoảng 80% khoản chi dưới 20 triệu đồng, chiếm chưa đến 20% tổng giá trị khoản chi ra của Kho bạc Nhà nước; 20% khoản chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên chiếm trên 80% tổng giá trị khoản chi ra, vì vậy kiểm soát chặt chẽ khoản chi từ 20 triệu đồng trở lên sẽ ngăn chặn được việc đơn vị sử dụng NSNN chi tiêu không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.
Quản lý ngân quỹ theo nguyên tắc 80 - 20 là một trong những cải cách đột phá trong quản lý ngân quỹ được Ngân hàng Thế giới đánh giá cao, vì vừa đẩy mạnh được cải cách hành chính, giảm thời gian, công sức cho cả kho bạc lẫn đơn vị sử dụng ngân sách, vừa quản lý chặt chẽ NSNN.
Từ tháng 2/2018, chúng tôi đã triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử của Kho bạc Nhà nước, góp phần hiện đại hóa công tác kiểm soát chi theo hướng hồ sơ, chứng từ của đơn vị được gửi đến kho bạc qua dịch vụ công trực tuyến và được kiểm soát, kế toán, thanh toán trên các hệ thống liên thông tại kho bạc, đảm bảo minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát. Đây là bước đi tiến tới thực hiện quy trình kiểm soát chi điện tử; tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư trong quá trình giao dịch với Kho bạc Nhà nước.
Ông nói sao về việc Kiểm toán Nhà nước khẳng định, hầu hết các bộ, cơ quan trung ương chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn?
Tôi khẳng định, đối với chi thường xuyên, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách phải tự chịu trách nhiệm quyết định chi của mình, đảm bảo các khoản chi phải theo đúng chế độ, tiêu chuẩn và mức chi trong phạm vi dự toán chi ngân sách hằng năm.
Cải cách thủ tục hành chính là phải chỉ rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân. Đối với Kho bạc Nhà nước, chúng tôi thực hiện Quy chế “một cửa, một giao dịch viên” trong kiểm soát chi theo nguyên tắc, mỗi đơn vị sử dụng NSNN chỉ thực hiện giao dịch với một cán bộ của kho bạc tại nơi giao dịch; người tiếp nhận hồ sơ cũng chính là người xử lý công việc cho đơn vị giao dịch, nên không chỉ rút ngắn thời gian thanh toán, mà còn đảm bảo tính công khai, minh bạch, do đó, không có chuyện tiêu cực giữa nhân viên kiểm soát giao dịch với cơ quan, đơn vị chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức, chi không đúng nguồn. Đơn vị sử dụng ngân sách có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ, nhân viên giao dịch của kho bạc chỉ kiểm soát tính hợp lý, hợp lệ của hồ sơ, giấy tờ, còn hồ sơ, giấy tờ đề nghị chi sai, chi không đúng tiêu chuẩn, định mức, thì thủ trưởng đơn vị đó phải chịu trách nhiệm.
Thế có tình trạng chi vượt dự toán không, thưa ông?
Như Kiểm toán Nhà nước đã báo cáo với Quốc hội là có tình trạng chi vượt định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Nguyên nhân của tình trạng này, theo tôi, có thể do thực hiện cơ chế khoán chi thường xuyên đối với cơ quan hành chính và thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp có thể tiết kiệm được khoản này, nên tăng chi cho khoản khác, nhưng tổng mức chi tiêu không vượt dự toán.
Để giảm thiểu tình trạng như Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, chúng tôi sẽ áp dụng một số giải pháp theo hướng thanh toán tự động theo lô đối với một số khoản chi có tính ổn định cao như lương, phụ cấp lương, bảo hiểm xã hội; cung cấp dịch vụ thanh toán tự động dựa theo cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử của các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ theo đề nghị của thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách; ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán không dùng tiền mặt...
Theo Mạnh Bôn
baodautu.vn
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận