24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Quách Dũng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính

Năm 2022, trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách trung ương, kết hợp các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để bảo đảm các nhu cầu chi phát sinh. Đó là khẳng định của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về vấn đề này nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần 2022.

Phóng viên: Năm 2021, trong bối cảnh hứng chịu nhiều tác động tiêu cực của thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là sự bùng phát tiên tục của dịch COVID-19, ngành tài chính đã làm gì để hoàn thành nhiệm vụ tài chính – ngân sách được giao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Thực tế, từ cuối tháng 4/2021, đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư đã lan nhanh ở nhiều địa phương, xâm nhập sâu vào các trung tâm kinh tế, đô thị lớn, khu công nghiệp, khu chế xuất... buộc Chính phủ phải quyết liệt áp dụng nhiều biện pháp phòng, chống dịch chưa có tiền lệ để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Đợt bùng phát dịch lần này đã tác động tiêu cực đến mọi mặt hoạt động của nền kinh tế và đời sống nhân dân, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển đất nước, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời đề xuất, trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về thu, chi ngân sách nhà nước để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Bằng nhiều biện pháp tài khóa đồng bộ, quyết liệt, kết quả năm 2021 thu ngân sách nhà nước ước tăng so dự toán, tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước vượt kế hoạch đề ra (khoảng 15,5% GDP). Chi ngân sách nhà nước hoàn thành mục tiêu đề ra, bảo đảm đủ nguồn cho đầu tư phát triển và đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể hơn về những giải pháp mà Bộ Tài chính đã thực hiện?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Cụ thể, năm 2021, về thu ngân sách nhà nước, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do dịch COVID-19, BộTài chính đã đề xuất các giải pháp hỗ trợ về dòng tiền, tăng khả năng thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc miễn, giảm, giãn thuế và một số khoản thu ngân sách nhà nước. Qua đó giảm gánh nặng, chi phí đầu vào, giúp cho người sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn về tài chính, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động.

Về điều hành chi ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện tiết kiệm, cắt giảm nhiều khoản chi như: Hội nghị, công tác trong và ngoài nước, kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thật sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Với những giải pháp tích cực nêu trên, đến ngày 31/12/2021, ngân sách nhà nước đã chi 74.000 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch COVID-19 theo các Nghị quyết của Chính phủ. Bên cạnh đó, đã xuất cấp gần 158.200 tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói cho nhân dân, khắc phục hậu quả thiên tai, giáp hạt đầu năm và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 ở 33 địa phương.

Cả năm, bội chi ngân sách nhà nước thực hiện đạt dưới 4% GDP. Tổng thu ngân sách nhà nước đến ngày 31/12/2021 đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% so dự toán, tăng 3,7% so thực hiện năm 2020. Việc thực hiện kế hoạch vay, trả nợ của Chính phủ cho cân đối ngân sách nhà nước được Bộ Tài chính điều hành, quản lý trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Thực hiện hiệu quả công tác vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ bảo đảm trong hạn mức đã được Chính phủ phê duyệt.

Phóng viên: Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, được biết, Bộ Tài chính đã tham mưu trình Chính phủ thực hiện nhiều giải pháp cấp bách về chính sách Thuế. Hiệu quả của những chính sách này như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Năm 2021, trước diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19, các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã tiếp tục được triển khai ở mức cao hơn cả về nội dung và giá trị hỗ trợ. Tổng giá trị hỗ trợ của các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất của năm 2021 là khoảng 144.000 tỷ đồng. Trong đó có một số giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra như: miễn thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm mức thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19; miễn tiền chậm nộp thuế. Đây là những giải pháp kịp thời và có nhiều động tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp và người dân, qua đó tạo dựng tiền đề vững chắc cho việc phục hồi kinh tế khi dịch bệnh dần được kiểm soát, tạo nền tảng vững chắc cho ngân sách nhà nước trong bối cảnh còn nhiều khó khăn hiện nay.

Phóng viên: Dự kiến dịch COVID-19 vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp, kéo dài, xin Bộ trưởng cho biết, Bộ Tài chính đã tham mưu cho các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực phòng, chống COVID-19 như thế nào?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Theo các chuyên gia dự báo, cũng như nhận định của nhiều cơ quan chức năng, trong năm 2022, dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn, vaccine và thuốc điều trị COVID-19 có thể tiếp tục khan hiếm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội bố trí 10.000 tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách trung ương năm 2022 cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; bố trí 20.500 tỷ đồng dự phòng ngân sách trung ương (khoảng 2,5% tổng chi ngân sách trung ương), tăng 3.000 tỷ đồng (17,14%) so dự toán năm 2021 và 1.700 tỷ đồng chi dự trữ quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.

Ngoài ra, trong năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14.620 tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của ngân sách trung ương năm 2021 cho dự phòng ngân sách trung ương để chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19; trường hợp chưa sử dụng hết, số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục sử dụng, tiếp tục duy trì Quỹ Vắc-xin để mua vaccine phòng dịch.

Trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến thực tế của dịch bệnh, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục sử dụng hiệu quả các nguồn lực ngân sách trung ương nêu trên, kết hợp các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để bảo đảm các nhu cầu chi phát sinh.

Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chậm phân bổ, chậm thực hiện trong năm, lùi, giãn, hoãn các nhiệm vụ chưa thật sự cấp thiết... của các cấp ngân sách để ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội.

Phóng viên: Bối cảnh dịch bệnh chưa từng có tiền lệ diễn ra suốt gần 2 năm qua đã đặt ra yêu cầu đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô quan điểm của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Yêu cầu phối hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô là yêu cầu cơ bản trong quản lý, điều hành nền kinh tế; đặc biệt là trong điều kiện có các biến động lớn trong, ngoài nước.

Kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, tác động sâu và nghiêm trọng tới nền kinh tế thế giới và trong nước, để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế, việc gắn kết chặt chẽ giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ càng được đề cao hơn bao giờ hết, góp phần điều hành linh hoạt, hiệu quả, đảm bảo nguồn lực phòng chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ tiết giảm chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, duy trì ổn định vĩ mô, góp phần quan trọng vào các thành quả đạt được của nền kinh tế. Trong thời gian tới, yêu cầu phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, linh hoạt giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đòi hỏi ở mức cấp thiết hơn nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh dự địa chính sách tài khóa và tiền tệ không còn dồi dào như những năm trước đây.

Phóng viên: Xin Bộ trưởng cho biết đâu là những khó khăn, thách thức đối với ngành tài chính trong thời gian tới và giải pháp của ngành là gì?

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc: Dự kiến, trong năm 2022, diễn biến dịch COVID-19 trên thế giới còn rất phức tạp, với sự xuất hiện của những biến thể mới lây lan nhanh hơn, khó lường hơn đòi hỏi phải có chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi, phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh đó, khó khăn, thách thức đặt ra với ngành tài chính trong thời gian tới chính là quyết liệt thực hiện thành công các mục tiêu cân đối nguồn lực ngân sách cho các nhiệm vụ phòng, chống dịch, hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo mức bội chi ngân sách hợp lý, giữ vững an toàn nợ công, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, phấn đấu hoàn thành mục tiêu của các kế hoạch 5 năm và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Để vượt qua khó khăn, thách thức nêu trên, tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó; chúng tôi xác định một số ưu tiên cần tập trung triển khai thực hiện trong giai đoạn tới là: Thứ nhất, bám sát diễn biến và tác động của dịch COVID-19, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế, kịp thời đề xuất các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách phù hợp; tổ chức thực hiện thành công các giải pháp tài khóa và phối hợp chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả với chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo phê duyệt của cấp thẩm quyền. Đây là ưu tiên trước mắt của nền kinh tế cũng như của ngành tài chính.

Thứ hai, tập trung thực hiện nghiêm Luật Quản lý thuế; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh sử dụng hóa đơn điện tử, áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022; tăng cường thực hiện tài chính số… tạo môi trường thuận lợi, giảm chi phí, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi. Thứ ba, quản lý chi ngân sách nhà nước hiệu quả, chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm kinh phí thực hiện chế độ, chính sách cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19; các chính sách an sinh xã hội; các đối tượng chính sách, người yếu thế trong xã hội... Kiên quyết cắt giảm những khoản chi thường xuyên ngân sách đã được giao trong dự toán đầu năm, nhưng chưa thực hiện phân bổ theo quy định. Thứ tư, tiếp tục rà soát, để hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách… đảm bảo thống nhất, minh bạch; Thứ năm, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, tăng cường hiệu quả sử dụng vốn vay; chủ động thực hiện các giải pháp cơ cấu lại nợ công theo quy định của pháp luật; đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ công; an ninh, an toàn nền tài chính quốc gia. Thứ sáu, quản lý các thị trường tài chính, chứng khoán phát triển ổn định, an toàn phát huy hiệu quả vai trò huy động vốn cho ngân sách nhà nước và cho nền kinh tế; tiếp tục mở cửa theo lộ trình cam kết...

Cuối cùng là nâng cao hiệu quả, hiệu lực bộ máy quản lý tài chính; tổ chức sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng Chính phủ điện tử, chính phủ số ở các hệ thống cơ quan quản lý tài chính công trọng yếu. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước; phòng chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh các vi phạm theo quy định của pháp luật.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả