Sử dụng chỉ báo RSI như nào cho đúng?
Để thành công trên thị trường chúng ta cần thành thạo các công cụ từ phân tích cơ bản đến phân tích kỹ thuật. Trong đó, RSI là một trong những chỉ báo kỹ thuật quan trọng thường được rất nhiều trader sử dụng. Vậy cụ thể, chỉ báo RSI là gì? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết sau.
RSI là gì?
RSI là viết tắt của cụm từ Relative Strength Index (Chỉ số sức mạnh tương đối). Đây là chỉ báo được sử dụng trong phân tích kỹ thuật. Chỉ số sức mạnh tương đối RSI đo lường mức độ thay đổi giá cổ phiếu so với biến động giá trong quá khứ bằng cách so sánh số ngày tăng điểm với số ngày giảm điểm. Từ đó, giúp chúng ta xác định quá mua, quá bán của thị trường.
Chỉ báo RSI được hiển thị dưới dạng bộ dao động (Oscillator) – là biểu đồ đường di chuyển giữa hai mức giới hạn được đo theo thang điểm từ 0 đến 100.
Chỉ số sức mạnh tương đối RSI đo lường sức mạnh của giá chứng khoán với giá lịch sử của chính chứng khoán đó chứ không phải với chứng khoán khác.
Khi tính toán chỉ số này, Wilder giả định rằng ngưỡng quá mua xuất hiện sau khi thị trường đã tăng điểm trong một thời gian quá dài và ngưỡng quá bán xảy ra sau một thời gian dài thị trường giảm điểm. Chỉ số RSI 70 được coi là nằm trong vùng quá mua và < 30 được coi là nằm trong vùng quá bán. Các vùng quá mua và quá bán diễn ra trong khung thời gian càng lớn sẽ càng có giá trị. Ở giữa mức 30 và 70 được coi là vùng trung tính, với mức 50 được là dấu hiệu không có xu hướng.
Cách tính RSI
Công thức tính RSI khá đơn giản, cụ thể là:
RSI = 100 - [100/(1+RS)]
Trong đó:
– RS (Sức mạnh tương đối - Relative Strength) = trung bình tăng / trung bình giảm.
– Thông số cài đặt mặc định của RSI là 14 kỳ.
Ý nghĩa của RSI trong giao dịch
Xác định dấu hiệu tăng/giảm của thị trường
Đường RSI chuyển động qua lại giữa 2 mức: 0 và 100. Tuy nhiên có 2 khu vực chính khi sử dụng RSI là: Vùng quá mua & Vùng quá bán.
- Vùng quá mua (overbought): Khi RSI lớn hơn 70, nó báo hiệu thị trường đang QUÁ MUA, giá bị đẩy vượt xa so với ngưỡng cân bằng. Điều này thường xảy ra trong một xu hướng tăng và là dấu hiệu dự báo thị trường có thể đảo chiều giảm trở lại.
- Vùng quá bán (oversold): Khi RSI nhỏ hơn 30, nó báo hiệu thị trường đang QUÁ BÁN, đẩy giá quá thấp so với ngưỡng cân bằng. Điều này thường xảy ra trong một xu hướng giảm và là dấu hiệu dự báo thị trường có thể đảo chiều tăng trở lại.
Xác định xu hướng giá tương lai
Đường RSI có thể thể hiện dự báo xu hướng tương lai của thị trường.
Trong một thị trường tăng giá mạnh hoặc uptrend, đường RSI có xu hướng duy trì trong phạm vi từ 40 đến 90. Khi đó vùng 40-50 đóng vai trò là vùng hỗ trợ.
Xu hướng tăng giá khi: (1) Đường RSI vượt ngưỡng 50 theo hướng từ dưới lên hoặc (2) Khi đường RSI nằm ở vùng 45-55 và đường RSI vượt trên vùng 55.
Ví dụ như giai đoạn tăng giá từ tháng 2 đến hết tháng 5 của cổ phiếu HPG.
Ngược lại, trong 1 xu hướng giảm mạnh hay downtrend, đường RSI có xu hướng ở phạm vi từ 10-60, khi đó vùng 50-60 đóng vai trò là ngưỡng kháng cự.
Xu hướng giảm giá khi: (1) Đường RSI mất mốc 50 theo hướng từ trên xuống hoặc (2) Khi đường RSI ở vùng 45-55 và đường RSI vượt dưới ngưỡng 45
Xác định tính phân kỳ, hội tụ của giá
Phân kỳ hội tụ giá với RSI cũng là cách xác định xu hướng, giống chỉ báo phân kỳ hội tụ đường MACD. RSI có thể hành động ngược lại với hành động giá để báo hiệu cho chúng ta thấy sự đảo chiều của thị trường.
- Sự phân kỳ của RSI và giá, thị trường tạo đỉnh mới cao hơn trong khi đường RSI đang giảm cho thấy một dấu hiệu đảo chiều giảm của thị trường.
Khi phân kỳ ta nối đỉnh – đỉnh, hoặc đáy – đáy của giá và đỉnh – đỉnh, hoặc đáy – đáy của đường RSI, ta thấy chúng di chuyển ngược chiều nhau.
- Ngược lại sự hội tụ của RSI và giá, thị trường tạo đáy mới thấp hơn trong khi đường RSI đang tăng cho thấy một dấu hiệu đảo chiều tăng của thị trường.
Khi hội tụ ta nối đỉnh – đỉnh, hoặc đáy – đáy của giá và đỉnh – đỉnh, hoặc đáy – đáy của đường RSI, ta thấy chúng di chuyển lại gần nhau.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp RSI đi vào vùng quá bán nhưng nó tiếp tục duy trì trong vùng quá bán rất lâu, trong lúc đó giá tiếp tục giảm và liên tiếp tạo các đáy mới thấp hơn đáy cũ. Ví dụ như cổ phiếu HPG giai đoạn hiện tại (Hình 2)
Hay ngược lại, RSI đã thoát khỏi vùng quá mua nhưng thị trường không đảo chiều mà chỉ điều chỉnh giảm rất ít trước khi trở lại xu hướng cũ.
Vì vậy mức quá mua và quá bán chỉ là một dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đảo chiều chứ không phải lúc nào nó cũng dẫn đến sự đảo chiều. Chúng ta cần phải kết hợp RSI với các chỉ báo khác để giảm thiểu tín hiệu nhiễu. Khi càng nhiều chỉ báo đồng thuận cho ra 1 tín hiệu thì rủi ro sẽ càng được giảm thiểu tối đa.
Vậy trong quá trình giao dịch chúng ta thường dùng RSI kết hợp với chỉ báo nào để đạt hiệu quả cao hơn và giảm thiểu các tín hiệu nhiễu?
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận