24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Nguyễn Hoàng Tuấn
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sử dụng căn cước công dân gắn chíp điện tử: Vẫn còn những băn khoăn

Đề xuất của Bộ Công an về việc căn cước công dân (CCCD) sẽ được gắn chíp điện tử điện tử thay vì mã vạch như hiện nay đang là vấn đề nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo đại diện Bộ Công an, thẻ căn cước gắn chíp điện tử sẽ đáp ứng được yêu cầu cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử… Nhiều người dân và chuyên gia đồng tình ủng hộ, tuy nhiên một số nêu ý kiến, nên xem xét về hiệu quả, tính bảo mật thông tin cá nhân.

Nhiều lợi ích

Trước đó tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 10/8, đại diện Bộ Công an cho hay, bộ này đang đề xuất gắn chíp điện tử điện tử vào thẻ CCCD thay vì mã vạch như hiện nay. Việc gắn chíp điện tử sẽ giúp truy vấn thông tin nhanh, thuận lợi hơn, được tích hợp thêm dữ liệu của công dân để có thể sử dụng cho nhiều giao dịch, giải quyết nhiều thủ tục.

Về vấn đề này, theo Thiếu tướng Tô Văn Huệ, Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), Luật CCCD có hiệu lực từ 1/1/2016, Bộ Công an triển khai thực hiện việc cấp CCCD (có mã vạch) tại 16 địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam... Tính đến thời điểm hiện tại, đã cấp được khoảng 16 triệu thẻ CCCD. Bên cạnh đó, người dân cũng đang sử dụng một số loại giấy tờ tùy thân khác như chứng minh nhân dân (CMND) 12 số và CMND 9 số. Trước đó, khi triển khai Dự án Luật CCCD, Bộ Công an đã tính toán đến 2 phương án sử dụng mã vạch hay gắn chíp điện tử. Tuy nhiên, do nhiều hạn chế về hạ tầng kỹ thuật thông tin, kinh phí và nhu cầu của xã hội đối với chíp điện tử chưa phổ biến như hiện nay. Thời điểm đó, sử dụng phôi thẻ chíp điện tử phải mua ở nước ngoài với giá thành cao. Hiện nay, một số DN trong nước đã có thể chủ động sản xuất chíp nên giá thành giảm nhiều.

Cũng theo vị đại diện, sử dụng thẻ CCCD sử dụng chip điện tử điện tử có nhiều ưu điểm hơn so với mã vạch. Trước hết, độ bảo mật cao hơn, có thể lưu trữ được nhiều trường thông tin hơn, có thể tích hợp thêm các thông tin của các bộ, ngành khác về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bằng lái xe… và phù hợp với xu thế công nghệ số như hiện nay so với việc sử dụng thẻ mã vạch CCCD. Thẻ CCCD có gắn chíp điện tử có lượng thông tin lưu trữ lớn hơn nhiều lần so với thẻ CCCD mã vạch, có thể lưu trữ nhiều loại giấy tờ có giá trị khác…

Đáng chú ý, khi thẻ CCCD gắn chíp điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân thực hiện giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ, mà chỉ cần dùng thẻ CCCD có gắn chíp điện tử sẽ thực hiện được các giao dịch. Đặc biệt, mức độ bảo mật của chíp điện tử rất cao nên thông tin định danh của công dân được lưu trên CCCD gắn chíp điện tử là không thể thay đổi và không thể giả mạo, việc đối sánh, sinh trắc học có thể được thực hiện ngay trên chíp, hạn chế tối đa giả mạo danh tính. Ngoài ra, việc xác thực danh tính có thể thực hiện offline mà không cần đường truyền Internet...

Cần tính toán kỹ lưỡng

Mới đây, Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cũng đã có văn bản gửi công an 16 địa phương đề nghị tạm dừng tuyên truyền tới người dân việc cấp đổi CMND sang thẻ căn cước công dân hiện tại (có mã vạch), nhằm tiến tới cấp và sử dụng thẻ CCCD gắn chíp điện tử. Tại Hà Nội, trong những ngày qua, lượng người đến Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP Hà Nội) cấp đổi CMND sang thẻ CCCD mã vạch đã giảm nhiều.

Theo cán bộ Phòng PC06, lượng người đến làm thủ tục cấp đổi giảm tới 50%. Đối với những người không biết thông tin về việc sắp tới sẽ cấp CCCD gắn chíp điện tử, vẫn đến để làm thủ tục cấp đổi CMND sang thẻ CCCD mã vạch. Những trường hợp này cán bộ công an đều giải thích để người dân hiểu và khuyến cáo chưa nên đổi vào thời điểm này. Tuy nhiên, đối với những trường hợp người dân thật sự cần thiết phải cấp đổi, cấp lại, cấp mới CCCD để phục vụ các giao dịch dân sự, PC06 vẫn tiến hành cấp bình thường...

Nhận định về việc dùng thẻ CCCD gắn chíp điện tử, một số chuyên gia cho rằng, ngoài các thông tin, dữ liệu cá nhân phục vụ cho cơ quan quản lý thì thẻ gắn chíp điện tử có thể được tích hợp tài khoản ngân hàng, thẻ ATM, ví điện tử… Việc sử dụng CCCD gắn chíp điện tử còn giúp quản lý, giám sát từ xa hỗ trợ cho người dân cũng như công tác quản lý. Khả năng tương tác, kết nối và truy xuất các dữ liệu từ chíp điện tử cũng nhanh hơn...

Ở một khía cạnh khác, một số ý kiến của người dân, chuyên gia cho rằng, cơ quan chức năng cần tính toán kỹ lưỡng việc cấp CCCD có gắn chíp điện tử. Bởi trong nhiều năm qua, khi việc thay thế CMND bằng CCCD (có mã vạch) vẫn chưa kết thúc, thì có đề án đổi CCCD sang gắn chíp điện tử. Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Bên cạnh những ưu điểm của CCCD gắn chíp điện tử là tích hợp nhiều thông tin liên quan của một công dân trong chiếc thẻ thì câu hỏi đặt ra là an toàn, bí mật thông tin của công dân khi sử dụng thẻ gắn chíp điện tử được bảo đảm như thế nào?

“Việc sử dụng CCCD có mã vạch hay CMND đều không có vấn đề gì. Tuy nhiên với CCCD có gắn chíp điện tử điện tử thì ai sẽ là người được tra cứu, hoặc kiểm tra những thông tin của công dân trên chiếc thẻ. Liệu rằng chủ nhân chiếc thẻ có bị theo dõi hay lấy trộm thông tin từ những nơi phải trình thông tin cá nhân, như: Đi máy bay, lưu trú, du lịch… và đặc biệt vấn đề bảo mật thông tin trước tội phạm công nghệ cao. Ai được quyền trích xuất thông tin từ chíp điện tử? Hay người dân dùng thẻ trong tâm trạng lo lắng trước vấn đề bảo mật thông tin cá nhân?”- Luật sư Hoàng Tùng băn khoăn.

Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, Bộ Công an phải chứng minh được việc gắn chíp điện tử trên thẻ CCCD sẽ đem lại hiệu quả ra sao, vấn đề an toàn, bảo mật như thế nào cho người dân. Đặc biệt là sự an toàn trước tội phạm công nghệ cao. TS Lê Đăng Doanh cũng chia sẻ, hiện nay trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, kinh tế Nhà nước và thu nhập của người dân bị ảnh hưởng, không ít trường hợp lâm vào cảnh khó khăn thì có lẽ, nên xem xét tính cần thiết của việc đổi thẻ mới này. Vì chỉ trong vài năm mà phải làm nhiều thủ tục chuyển đổi, như căn cước chuyển đổi từ năm 2016 đến nay, mới 4 năm thì có cần thiết phải thay đổi hay không. Bởi chuyển đổi sang CCCD gắn chíp điện tử sẽ tốn khoản chi phí không hề nhỏ!

"Hiện đã có khoảng 70 quốc gia trên thế giới sử dụng thẻ căn cước có gắn chíp điện tử, trong đó nhiều quốc gia châu Âu đề cao quyền cá nhân lên trên hết, có những quốc gia sử dụng từ những năm 1990. Quá trình nghiên cứu việc sử dụng chíp điện tử cho thấy, rất nhiều quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina khi gắn chíp điện tử và tích hợp thông tin liên quan đến bằng lái xe, tình trạng TNGT giảm hẳn, do đó bảo đảm tốt hơn quyền được sống, các quyền cơ bản nhất của người dân" Thượng tá Nguyễn Thị Quế Thu - Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách Hành chính, Tư pháp (Bộ Công an)
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả