Sự cố tại SCB gây áp lực lớn đến thị trường tiền tệ, ngoại hối
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH 15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo cho biết sự cố tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đã gây áp lực lớn đến thị trường tiền tệ, ngoại hối trong quý IV/2022.
Chính phủ cho biết từ cuối tháng 9/2022, diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng chuyển biến rất nhanh. Về bối cảnh quốc tế, lạm phát toàn cầu neo cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất điều hành .
Trong nước, mặc dù lạm phát năm 2022 bình quân tăng 3,15%, tuy thấp hơn so với mục tiêu nhưng vẫn cao hơn so với mức 1,84% năm 2021. Đặc biệt là trong nửa cuối năm 2022 lạm phát có xu hướng tăng nhanh từng tháng và đến cuối năm lạm phát cơ bản (LPCB) so với cùng kỳ đã ở gần sát mức 5%, LPCB bình quân là 2,59% và cao hơn rất nhiều so với mức LPCB bình quân năm 2021 là 0,81%.
Áp lực mất giá của VND rất lớn trong năm 2022 khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng mạnh lãi suất và USD tăng giá rất mạnh. Vào thời điểm tháng 9, tháng 10/2022, VND đã chịu áp lực mất giá lên đến 9-10%. Cùng với đó, sự kiện rút tiền hàng loạt tại SCB đã tạo thành các yếu tố làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát.
Trong bối cảnh đầy thách thức với sức ép lớn đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành với mức tăng 0,8-2%/năm trong tháng 9 và 10/2022 nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi kinh tế, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại hối, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng.
“Việc tăng lãi suất là phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước cũng như bối cảnh quốc tế khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế”, Chính phủ khẳng định.
Năm 2023, trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo cao, từ tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm.
Về các chính sách tài khóa, đã miễn thuế giá trị gia tăng đầu ra, thuế môi trường đối với nhiên liệu bay, thuế suất thuế giá trị gia tăng và một số khoản thuế, phí, lệ phí khác trong phạm vi của chương trình trong năm 2022 là 61.000 tỷ đồng, góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng VND của các ngân hàng thương mại giảm khoảng hơn 2,5%/năm so với cuối năm 2022; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành, lĩnh vực theo quy định giảm 0,5%/năm so với cuối năm 2021. Lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,9% và 6,7%/năm.
Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình. Cụ thể, trong số 272 dự án được giao kế hoạch vốn đầu tư của chương trình, hiện nay còn 107 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn được giao, trong đó có một số dự án được giao kế hoạch vốn lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn thấp.
Các dự án này khó có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm nay mặc dù đã được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân. Do đó, Chính phủ kiến nghị đoàn giám sát báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư của chương trình đến hết năm 2025.
Số vốn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến hết năm 2025 của từng dự án cụ thể sẽ được Chính phủ tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.
Về việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT, Chính phủ sẽ tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện, sự cần thiết, khả năng bảo đảm nguồn thu của ngân sách trung ương để tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ trong 6 tháng cuối năm để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận