menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Vũ Thu Trang

Sự cố nghẽn lệnh và cách thức truyền thông của HoSE

Kế hoạch của Chính phủ nhằm thu hút 5% dân số Việt Nam bỏ vốn vào thị trường chứng khoán để giảm gánh nặng cung cấp vốn cho nền kinh tế của hệ thống ngân hàng thành hay bại phụ thuộc rất nhiều vào niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán và cơ quan quản lý thị trường.  

Đề xuất giải pháp giải quyết vấn đề nghẽn lệnh của HoSE và cách đưa thông điệp này ra thị trường một cách thiếu bài bản của lãnh đạo HoSE là một bài học lớn đối với nhà làm chính sách.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, giới đầu tư cũng chưa bao giờ bỏ qua những phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về chính sách tiền tệ quốc gia. Họ càng không thể bỏ qua những thông điệp về điều hành chính sách hay thị trường của người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) hay những quan chức cao cấp của Ủy ban này và Sở giao dịch chứng khoán.

Thực tế đã cho thấy, trong những năm qua, mỗi khi thị trường chứng khoán trong nước đột ngột giảm sâu, tâm lý nhà đầu tư bị lung lay mạnh, người đứng đầu UBCK đều đăng đàn ngay ngày hôm đó để đưa ra những thông điệp nhằm ổn định tâm lý nhà đầu tư, từ đó giúp chặn đà giảm của các chỉ số chứng khoán.

Trong những tháng qua thị trường chứng khoán Việt Nam nổi lên câu chuyện nghẽn lệnh giao dịch trên HoSE mỗi khi thanh khoản thị trường đạt mức 15-16 ngàn tỷ đồng. Điều này làm các nhà đầu tư nản lòng, thậm chí tức giận. Bởi vấn nạn này làm ảnh hưởng tới giao dịch và hiệu suất đầu tư - tức túi tiền của nhà đầu tư.

Thế nhưng theo quan sát, trong suốt nhiều tháng kể từ khi sự cố này diễn ra, không có bất kỳ một lời giải thích nào thỏa đáng của cơ quan quản lý sàn giao dịch này, chưa nói tới việc một kế hoạch hành động khẩn cấp, được chuyển tải tới thị trường và nhà đầu tư.

Thậm chí nhiều ý kiến còn phê phán một cách nặng nề, rằng những nhà điều hành HoSE đã thiếu minh bạch về mặt thông tin đối với nhà đầu tư – những người nộp thuế và phí giao dịch để từ đó nuôi sống bộ máy HoSE. Họ còn phê phán cách phản ứng chậm chạp của cơ quan này trong việc đưa ra giải pháp để giải quyết một cách căn cơ vấn đề.

Không chịu được sức ép của công luận và nhà đầu tư, một lãnh đạo HoSE đã đưa ra một tút Facebook gây sóng gió trong cộng đồng mạng. Đã có những lời đáp trả mạnh mẽ, thậm chí tới mức cay nghiệt, của cộng đồng mạng đối với tút này của ông.

Như Tin nhanh chứng khoán đã đưa tin, phải nói một cách sòng phẳng, kể từ khi sự cố nghẽn lệnh xảy ra, HoSE chưa tổ chức một cuộc họp báo nào, không có một thông cáo báo chí chính thức nào hay chưa có một lời xin lỗi nào dành cho nhà đầu tư. Trong khi lỗi hệ thống vẫn thể hiện trên bảng điện gây bức xúc cho nhà đầu tư thì status của vị lãnh đạo HoSE như đổ thêm dầu vào lửa.

Chỉ tới gần đây vị lãnh đạo HoSE này mới thông qua báo chí để nêu ra những giải pháp mà cơ quan này đang cân nhắc để tạm thời giải quyết sự nghẽn mạch của hệ thống giao dịch của HoSE trong khi chờ đợi hệ thống mới được đưa vào vận hành.

Ông này còn nhấn mạnh tới giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu/lệnh như là cứu cánh cho vấn đề này. Những lập luận, hay cũng có thể hiểu là những lời giải thích của ông cho việc áp dụng giải pháp này ngay lập tức đã không thuyết phục được nhà đầu tư, thậm chí có thể nói là đổ thêm dầu vào đám cháy đang bùng phát.

Sự vào cuộc của cơ quan quản lý

Trước cơn giận dữ của nhà đầu tư và công luận, cuối cùng thì cơ quan điều hành thị trường chứng khoán Việt Nam là UBCK đã buộc phải vào cuộc. Hôm 3/3 vừa qua, cơ quan này đã gửi một công văn hỏa tốc tới HoSE, HNX và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam VSD về việc tạm thời chuyển giao dịch cổ phiếu niêm yết từ HoSE sang HNX.

Thậm chí công văn này còn yêu cầu HoSE và HNX thực hiện thông tin truyền thông rộng rãi [nội dung của công văn này] đến doanh nghiệp và công chúng đầu tư.

Việc “cứu giá” của cơ quan cấp trên của HoSE đã phần nào xoa dịu được công luận và nhà đầu tư.

Nhưng một vấn đề còn bỏ ngỏ là liệu giải pháp nâng lô giao dịch lên 1.000 có được cân nhắc áp dụng? Bởi công văn hỏa tốc nói trên của UBCK không hề đề cập tới vấn đề này, trong khi tinh thần của công văn là để các doanh nghiệp tự nguyện xung phong chuyển sàn. Mà đã là tự nguyện thì nó nằm ngoài ý chí và tầm tay của cơ quan quản lý thị trường.

Nên nhớ, nhà đầu tư nhỏ lẻ, đặc biệt là làn sóng nhà đầu tư mới mà cộng đồng lâu nay đã gán cho cái tên là F0, đã góp phần làm nên một năm khởi sắc cho thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020, cứu thị trường này khỏi một năm thảm họa do tác động của dịch COVID-19.

Sự ngược đãi, hay nói một cách nặng nề hơn là sự phản bội đối với lớp nhà đầu tư này, sẽ làm cho họ mất niềm tin vào thị trường và cơ quan quản lý. Một khi niềm tin đã mất thì rất khó hoặc phải đòi hỏi rất nhiều nỗ lực để lấy lại.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMoney đã kiểm duyệt

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả