Sự can thiệp vào TTCK của Trung Quốc sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi hưng phấn giảm dần
Cam kết lên tới 340 tỷ USD để thúc đẩy cổ phiếu đang suy yếu của của Trung Quốc đang gợi lên sự tương đồng với những nỗ lực trước đây của nước này và Nhật Bản, nhưng thực tiễn cho thấy phần lớn tác động của những hỗ trợ đã chững lại sau một đợt bùng nổ ban đầu.
Sự hỗ trợ lớn này là một phần của gói kích thích kinh tế lớn hơn do Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Pan Gongsheng và các quan chức cấp cao khác công bố trong tuần này. Mục tiêu là thúc đẩy nền kinh tế đang trải qua cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài nhiều năm và sa lầy trong tình trạng giảm phát và nhu cầu suy yếu.
Tại Nhật Bản, trong quá khứ việc ngân hàng trung ương mua vào các quỹ ETF được niêm yết đã không giúp ích gì nhiều cho quá trình tái cấp vốn của nền kinh tế.
"Các bước nới lỏng của Trung Quốc có thể có một số tác động ngắn hạn, nhưng chúng sẽ chỉ giúp kéo dài thời gian", Shigeto Nagai, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản tại Oxford Economics và cựu Giám đốc bộ phận quốc tế của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cho biết.
"Việc mua ETF của BOJ có hiệu quả trong việc giải quyết các cú sốc thị trường ngắn hạn, nhưng không phải là việc nên làm trong thời gian dài để theo đuổi mục tiêu kích thích lạm phát", ông cho biết.
“Vòng tài trợ đầu tiên do PBOC cung cấp sẽ có tổng giá trị là 800 tỷ nhân dân tệ (114 tỷ USD) và có thể tăng gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba tùy thuộc vào nhu cầu”, Thống đốc PBOC Pan Gongsheng cho biết.
Ban đầu, các nhà đầu tư hoan nghênh việc triển khai, khiến cổ phiếu Trung Quốc tăng 6% kể từ thông báo được đưa ra. Các nhà phân tích tại HSBC đã mô tả đây là một "bước ngoặt".
“Các biện pháp chưa từng có để chuyển hướng thanh khoản vào thị trường chứng khoán này có thể giúp thị trường chạm đáy và hỗ trợ sự phục hồi vào cuối năm”, các nhà phân tích của HSBC cho biết.
Nhưng theo tính toán của Bloomberg, số tiền ban đầu được hứa hẹn là 800 tỷ nhân dân tệ chỉ cao hơn một chút so với thanh khoản trung bình hàng ngày của cổ phiếu loại A trong năm nay.
Cam kết mới sẽ được đưa ra sau các giao dịch mua đang diễn ra của các tổ chức chính phủ như quỹ đầu tư quốc gia Central Huijin Investment Ltd.
Theo Bloomberg Intelligence, Huijin đã mua hơn 90 tỷ USD từ đầu năm tới nay và ước tính quỹ đầu tư này sẽ mua hơn 110 tỷ USD trong năm nay.
“Những biện pháp này sẽ giúp cải thiện tâm lý nhà đầu tư và thanh khoản, đồng thời thúc đẩy cả thị trường trong nước và nước ngoài phản ứng tích cực trong thời gian tới… Tuy nhiên, quy mô phục hồi và tính bền vững của thị trường phụ thuộc vào sự bứt phá thành công khỏi tình trạng giảm phát và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp chạm đáy”, Laura Wang, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Trung Quốc của Morgan Stanley cho biết.
Động thái mới nhất này dựa trên lịch sử lâu dài của Trung Quốc khi nước này can thiệp vào thị trường vốn, mặc dù vai trò của PBOC trong các biện pháp can thiệp như vậy vẫn chưa rõ ràng. Nỗ lực giải cứu sau vụ sụp đổ chứng khoán năm 2005 phần lớn do Ủy ban quản lý chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu.
Một nỗ lực khác diễn ra sau đó một thập kỷ khi ngân hàng trung ương cố gắng phá giá đồng nhân dân tệ, gây ra sự sụt giảm tiền tệ, dòng vốn tháo chạy và cổ phiếu tiếp tục giảm.
Vào thời điểm đó, chính quyền trung ương cũng hỗ trợ thị trường. China Securities Finance Corp. cùng với các tổ chức được chỉ định khác trong nhóm “Đội tuyển quốc gia” đã chi hàng nghìn tỷ nhân dân tệ, một số trong số đó được vay từ các nguồn bao gồm ngân hàng trung ương và các tổ chức cho vay thương mại.
“Về mặt tín hiệu, đây là một diễn biến có ý nghĩa và gợi nhớ đến chiến lược năm 2015 khi sử dụng bảng cân đối kế toán của PBOC ngụ ý sức mạnh hỏa lực dồi dào…Nhưng sự phục hồi bền vững của thị trường chứng khoán sẽ phụ thuộc vào việc các hộ gia đình chuyển từ tiền gửi tiết kiệm sang đầu tư cổ phiếu”, các nhà phân tích của Barclays cho biết.
Những nỗ lực đã không mang lại nhiều kết quả trong quá khứ, với chỉ số chứng khoán Thượng Hải và Thâm Quyến giảm gần 30% so với mức đỉnh giữa năm 2015. Mặc dù chính sách nhà nước tích cực hơn có thể giúp giảm bớt tình trạng bán tháo hoảng loạn trong ngắn hạn, nhưng lợi nhuận của công ty và xu hướng đầu tư của hộ gia đình đóng vai trò lớn nhất trong một thị trường vẫn chủ yếu do các nhà đầu tư cá nhân thúc đẩy.
“Việc PBOC hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tài chính để hỗ trợ thị trường chứng khoán tương tự như các biện pháp phi truyền thống mà các ngân hàng trung ương khác đã thực hiện trong giai đoạn thị trường cực kỳ căng thẳng, mặc dù PBOC sẽ không trực tiếp can thiệp vào thị trường chứng khoán như BOJ đã làm trước đây”, các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cho biết.
Trong khi đó, hơn một thập kỷ mua cổ phiếu của ngân hàng trung ương Nhật Bản cũng mang lại bài học cho Trung Quốc.
BOJ đã mua khoảng 258 tỷ USD quỹ cổ phiếu cho đến khi chính thức ngừng mua vào tháng 3 năm nay. Ngân hàng trung ương này đặc biệt nhận thức được sự vượt quá giới hạn của mình trên thị trường khi trở thành đơn vị nắm giữ cổ phiếu lớn nhất đất nước vào năm 2020.
Nỗ lực này đã mang lại "lợi nhuận thị trường ngắn hạn nhưng có tác động hạn chế trong dài hạn…Như chúng ta đã thấy từ kinh nghiệm của Nhật Bản, bài học rút ra chính là tính bền vững và quy mô phục hồi của thị trường sẽ phải phụ thuộc vào sự bứt phá thành công khỏi tình trạng giảm phát và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp chạm đáy và phục hồi", báo cáo từ các nhà phân tích của Morgan Stanley cho biết.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận