menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nguyễn Trường Giang

Sự biến mất của vàng – Phần I

Đối với cả đồng tiền châu Âu và các khoản nợ của ngân hàng Mỹ [.]… nguồn tài chính của họ đến từ chiếc bút của người lập sổ.

Milton Friedman – Nobel Kinh tế 1976

Mất nửa thế kỷ sau khi chiến tranh Thế giới thứ nhất kết thúc, nước Mỹ mới có thể loại bỏ chế độ bản vị vàng. Sự biến mất của vàng khỏi hệ thống tiền tệ chính thức bắt nguồn từ chuỗi sự kiện xảy ra cùng sự sụp đổ của phố Wall vào năm 1929. Những năm 20 của thế kỷ trước, thường được xem là những năm 20 gầm thét, là một thập kỷ được ghi nhận với những dấu vết đầu tiên của chủ nghĩa tiêu dùng: tiêu tiền là một cách sống. Tín dụng trở nên phổ biến rộng rãi hơn đối với người dân Mỹ bình thường, nhưng thay vì đo lường số lượng của sự tăng trưởng, việc xem xét loại hình tín dụng nào được phát hành sẽ thú vị hơn. Lần đầu tiên những cửa hàng bách hóa bắt đầu chào mời các thẻ tín dụng cho khách hàng giàu có, những công ty dầu mỏ bắt đầu các chương trình thẻ tín dụng cho khách hàng thân thiết và các ngân hàng thúc đẩy việc đầu cơ đối với thị trường chứng khoán bằng cách cho vay lên đến 90% vốn cần thiết để mua cổ phiếu. New York đã trở thành trung tâm tài chính thế giới. Cổ phần của các công ty niêm yết trên Sàn Chứng khoán New York được săn đón, nguồn vốn được đổ vào nước Mỹ. Điều này đã củng cố nhu cầu của thế giới dành cho đồng USD và nâng cao vị thế đồng tiền nước Mỹ trở thành đồng tiền dự trữ thế giới. Việc phát hành tiền hàng loạt diễn ra trong những năm 20 gầm thét đối lập với sự ràng buộc mang tính kỷ luật của vàng đối với sự đàn hồi của tiền và cuối cùng cho thấy nhu cầu xã hội đối với việc tách đồng USD khỏi vàng. Rõ ràng chính phủ Mỹ không có đủ số vàng để đáp ứng những đồng tiền co giãn như đã hứa hẹn khi phát hành. Minh chứng của việc này xuất hiện như hậu quả của sự sụp đổ lịch sử của thị trường chứng khoán.

Khi giá cổ phiếu tìm lại được sự cân bằng vào tháng 11 năm 1929, Cục Dự trữ Liên bang lần đầu tiên phải đối phó với một cuộc khủng hoảng tài chính lớn. Với lượng dự trữ vàng cố định và tỉ lệ dự trữ vàng ràng buộc hợp pháp chiếm 35%, Cục Dự trữ Liên bang không thể nào tạo ra đủ lượng tiền lớp thứ hai để ngăn chặn tình trạng suy thoái kinh tế. Hàng nghìn ngân hàng đóng cửa vào đầu những năm 1930, xóa sổ hàng tỉ USD tiền gửi ngân hàng của người dân Mỹ. Suy thoái kinh tế đồng nghĩa với sự thật khắc nghiệt rằng tiền tệ lớp thứ ba có thể biến mất ngay lập tức. Không có sự an toàn hay cơ chế bảo hiểm tồn tại để khắc phục những tổn thất đó. Cục Dự trữ Liên bang cố gắng để “cung cấp một đồng tiền có tính đàn hồi” và trở thành người cho vay cuối cùng tốt nhất có thể, nhưng điều đó không đủ để vượt qua tác động của hành vi thắt chặt tiền tệ lớp thứ ba dẫn đến việc công chúng mong muốn hạn chế những khoản tiền gửi rủi ro. Cục Dự trữ Liên bang bị ràng buộc bởi mức độ tối thiểu cho phép của vàng, điều này cũng giới hạn lượng tín dụng mà Cục Dự trữ Liên bang có thể tạo ra trong hệ thống. Sự ràng buộc mang tính kỷ luật vấp phải sự phản đối kịch liệt vì nền kinh tế không thể hồi phục và dẫn đến sự thay đổi lớn đối với kim tự tháp USD trong những năm 1930. Những sự kiện này được đánh giá như chất xúc tác chính khơi nguồn cho sự biến mất của vàng khỏi hệ thống tiền tệ thế giới.

Không còn vàng dành cho bạn

Tổng thống Franklin Roosevelt ban hành Đạo luật Điều 6102 vào ngày 5 tháng 4 năm 1933 chỉ thị tất cả “tiền vàng, vàng thỏi, và chứng chỉ vàng được chuyển về cho chính phủ”. Đạo luật quy định bắt buộc tất cả cư dân Mỹ bán vàng để đổi lấy tiền giấy của Cục Dự trữ Liên bang và loại bỏ hoàn toàn sự tiếp cận của người dân với tiền tệ lớp thứ nhất. Tuyên bố này khiến cho việc sở hữu và buôn bán tiền lớp thứ nhất trở thành bất hợp pháp và phải chịu những hình phạt lên đến 10 năm tù, gợi nhớ đến việc Ngân hàng Amsterdam yêu cầu tất cả các thu ngân tự do phải nộp lại đồng tiền kim loại quý để đối lấy ký quỹ BoA khi nó thành lập vào năm 1609.

Một năm sau đó, Mỹ thông qua Đạo luật Dự trữ Vàng năm 1934, đã hạ thấp giá trị của đồng USD bằng cách nâng giá vàng từ 20,67 USD lên 35 USD/ounce. Sự phá giá đáng kể này đã ảnh hưởng nặng nề đến cuộc chiến tiền tệ thế giới đang diễn ra khi các đất nước nỗ lực hạ giá đồng tiền của họ nhiều nhất có thể để tương ứng với đối tác thương mại của mình. Mục tiêu của họ là để thu hút nhu cầu nước ngoài khi có được những cái giá rẻ nhất. Mỹ hầu như bắt chước điều mà mọi đất nước khác đang làm: dành cho những người sở hữu vàng nhiều khả năng mua những mặt hàng và dịch vụ của Mỹ. Không may rằng đối với người dân Mỹ, giá vàng tăng xảy ra sau trận động đất, có nghĩa là người Mỹ không được lợi từ việc đó. Đạo luật cũng chuyển đổi quyền sở hữu toàn bộ vàng của Cục Dự trữ Liên bang thành trái phiếu chính phủ Mỹ và tạo tiền đề cho sự di chuyển vàng thỏi từ New York đến cơ sở Quân đội Mỹ tại Fort Knox ở Kentucky.

Bảo hiểm tiền gửi

Đạo luật về nghiêp vụ Ngân hàng năm 1935 đã thành lập Công ty Bảo hiểm Ký thác Liên bang Hoa Kỳ (FDIC), thể chế hóa bảo hiểm tiền gửi ngân hàng cho những gia đình người Mỹ thông thường. Trước bối cảnh tiền phân lớp, bảo hiểm FDIC là một chính sách bảo hiểm được đảm bảo của liên bang về những khoản tiền gửi ngân hàng lớp thứ ba. Sự đảm bảo của FDIC đã giảm bớt phần nào nỗi sợ của người dân về việc tiền lớp thứ ba bốc hơi như nó từng xảy ra chỉ trong năm 1933 khi 4000 ngân hàng đóng cửa. Xét về mặt con số, tác động của việc thành lập FDIC rất nhỏ: khoản tiền bảo hiểm cho mỗi người gửi tiền chỉ khoảng 5000 USD. Nhưng từ góc nhìn tâm lý học, ảnh hưởng của nó rất lớn. Người dân sẽ không bỏ qua tiền gửi lớp thứ ba để đổi lấy tiền mặt lớp thứ hai nếu họ biết rằng tiền gửi của họ được đảm bảo bởi chính phủ liên bang. Khi vàng không còn là một hình thức tiết kiệm nữa, bảo hiềm tiền gửi liên bang là sự nỗ lực của chính phủ để bảo đảm với người dân rằng khoản tiền tiết kiệm sẽ được bảo vệ kể cả khi gửi vào những ngân hàng tư nhân với rủi ro đối tác. Cũng vào khoảng thời gian đó, Cục Dự trữ Liên bang cuối cùng đã bảo vệ được sự độc quyền chính thức của mình trong việc phát hành tiền giấy sau khi Ngân khố Hoa Kỳ thanh toán những trái phiếu đủ điều kiện cuối cùng như việc hỗ trợ cho tiền giấy của tư nhân. Kim tự tháp dollar mơ hồ đột nhiên được chú ý: hệ thống tiền tệ tồn tại giữa lớp thứ hai và thứ ba, và những hành động của chính phủ làm cho những ràng buộc của vàng với những lớp thấp hơn trở nên mong manh hơn từ năm 1933 đến 1935. Vì vậy, hành trình đồng USD tồn tại riêng biệt và không phụ thuộc vào vàng bắt đầu.

Dollar Mỹ

Giữa cuộc chiến tiền tệ toàn cầu, đồng dollar xuất hiện như một chiếc áo bẩn sạch nhất trong tiệm giặt là tiền tệ toàn cầu. Mặc dù đồng USD bị mất giá so với vàng, những đất nước khác cũng gặp phải tình trạng tương tự nhưng còn tồi tệ hơn. Đồng bảng Anh xóa bỏ chế độ bản vị vàng vào năm 1931 và chính thức kết thúc thời kỳ tiền tệ dự trữ thế giới của mình. Chỗ trống được lấp đầy bởi đồng tiền của siêu cường quốc mới nhất thế giới, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ.

Vào năm 1944, những người đứng đầu thế giới tập trung tại một khách sạn tại Bretton Woods, New Hampshire và đưa ra công bố chính thức rằng tất cả các tiền tệ bên cạnh đồng USD đều là những hình thái của tiền tệ lớp thứ ba thuộc kim tự tháp dollar. Thỏa thuận Bretton Woods được biết đến như sự đăng quang của đồng USD với vai trò tiền tệ dự trữ thế giới. Dù sao thì thỏa thuận này cũng không tác động đến mối quan hệ giữa lớp thứ nhất và lớp thứ hai của tiền: tiền giấy Cục Dự trữ Liên bang vẫn giữ lời hứa với những người giữ tiền có thể quy đổi thành tiền vàng đồng vàng theo yêu cầu với giá 35 USD/ounce. Tuy nhiên, nó liên quan đến mối quan hệ giữa đồng USD và những tiền tệ khác. Tiền tệ có thay đổi tỉ giá hối đoái với đồng USD và bản thân chúng không thể quy đổi thành vàng. Đồng USD đã trở thành trục chính của các đơn vị tiền tệ thế giới. Chính phủ và ngân hàng trung ương trên thế giới bắt buộc phải thay đổi mệnh giá của các khoản dự trữ, chứng khoán và những bảng cân đối kế toán sang đồng USD.

Thỏa thuận đã mang lại sự khác biệt quan trọng trong mối quan hệ giữa các lớp tiền tệ. Các đồng tiền ngoại tệ nằm trên lớp thứ ba của tiền tệ, lần này không phải tồn tại vì bảng cân đối kế toán mà vì mối quan hệ giá cả giữa chúng và đồng USD. Trong Hình 11, chúng tôi chỉ ra đồng USD nằm ở lớp trên những đồng tiền khác như GBP (bảng Anh) và CHF (Franc Thụy Sĩ). Đồng bảng và franc nằm dưới đồng USD trong các lớp tiền tệ vì giá cả của chúng được đo lường bằng đồng USD. Điều này có nghĩa là có hai mối quan hệ khả thi giữa các công cụ tiền tệ nằm trong cơ cấu phân lớp: hệ thống phân cấp bảng cân đối kế toán và hệ thống phân cấp giá.

(còn tiếp)

TH: T.Giang – CSCI

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Lê Nguyễn Trường Giang

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.
2 Yêu thích
1 Chia sẻ
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại