Sự biến đổi địa lý của hệ thống tiền tệ quốc tế
Đại dịch COVID-19 không chỉ làm rối loạn các hoạt động kinh tế, xã hội mà còn thúc đẩy sự thay đổi của hệ thống tiền tệ và các chính sách tiền tệ quốc tế. Môi trường tiền tệ quốc tế do đồng USD chi phối và các điều kiện kinh tế thời kỳ hậu dịch bệnh sẽ khác nhau. Xu thế này sẽ khởi động phương hướng thay đổi mới.
Xét từ xu thế thay đổi và phát triển của hệ thống tiền tệ quốc tế hiện nay, đặc biệt là căng thẳng Nga-Ukraine leo thang và lệnh trừng phạt tài chính của các nước phương Tây đối với Nga, sự thay đổi trong tương lai của hệ thống tiền tệ quốc tế đang khiến nhiều người lo lắng. Theo Tổ chức nghiên cứu chiến lược ANBOUND, hệ thống tiền tệ quốc tế đang phát sinh những thay đổi, từ hệ thống tiền tệ đơn nhất do đồng USD giữ vị trí thống trị sang hệ thống tiền tệ đa dạng hơn.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, trải qua cú sốc của đại dịch COVID-19, mức độ tham gia chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương nhằm tác động đến nền kinh tế của các nước đã được tăng cường đáng kể. Điều này một mặt phát huy vai trò quan trọng của ngân hàng đối với ổn định vận hành nền kinh tế, nhưng mặt khác mô hình chính sách tiền tệ hướng nội này đã mang lại rắc rối cho các nền kinh tế khác.
Các nền kinh tế chủ chốt do Mỹ dẫn đầu đều đã khởi động mô hình chính sách tiền tệ mới, liên tục thúc đẩy nới lỏng tiền tệ. Mặc dù những chính sách này giúp Mỹ nhanh chóng thoát khỏi ảnh hưởng của khủng hoảng tiền tệ, nhưng đồng thời cũng khiến giá trị đồng USD liên tục suy giảm.
Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020, một mặt quy mô nới lỏng định lượng đã đạt đến mức chưa từng có, mặt khác ảnh hưởng của các ngân hàng trung ương đối với thị trường tài chính thông qua chương trình mua tài sản đã trở nên rất quan trọng. Chính sách ưu tiên trong nước và duy trì giá tài sản trong nước đồng nghĩa với tiền tệ ngày càng trở thành điều cần thiết của các nền kinh tế.
Việc hướng nội hóa chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã gây nên rắc rối tương ứng cho các đồng tiền chủ chốt khác như euro, yen, nhân dân tệ... Một mặt, sự biến động mạnh của đồng USD và dòng vốn quốc tế gia tăng đã mang lại nhiều rắc rối cho hoạt động thương mại, đầu tư của các nước khác, khiến cho quá trình “toàn cầu hóa” vốn bị ảnh hưởng.
Mặt khác, các nước buộc phải chiều theo Fed về chính sách tiền tệ, từ đó gây ra sự cản trở đối với môi trường tiền tệ và hoạt động kinh tế trong nước. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế.
Đặc biệt là thời kỳ hậu dịch bệnh, sự biến động của chỉ số US Dollar index tăng lên đáng kể khiến các nhà đầu tư và thương mại phải tìm kiếm nhiều phương thức để phòng ngừa rủi ro tiền tệ. Trong khi đó, sự méo mó về nguồn cung năng lượng, hàng hóa chiến lược do tăng trưởng kinh tế thiếu đồng bộ cũng khiến cho giá cả các hàng hóa liên quan không ngừng bị điều chỉnh, gây nên ảnh hưởng đối với thương mại quốc tế.
Đồng thời, sự thay đổi chính sách và sự biến động của đồng USD cũng ảnh hưởng lớn đến thị trường vốn quốc tế. Những rủi ro chính sách này không những dẫn đến biến động các thị trường phát triển, mà còn tạo ra cú sốc nghiêm trọng hơn đối với các thị trường mới nổi. Các chủ thể kinh tế phải dựa vào các phương thức như nắm giữ vàng, Bitcoin và tài sản kỹ thuật số để phân tán rủi ro, né tránh rủi ro gây nên từ sự biến động của đồng USD.
Đồng thời, rủi ro địa lý gia tăng khiến hệ thống tiền tệ quốc tế sau Chiến tranh thế giới thứ hai ngày càng thể hiện rõ khuynh hướng chính trị hóa. Mỹ và châu Âu thúc đẩy trừng phạt tài chính đối với Nga không chỉ loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán SWIFT, mà còn hạn chế các giao dịch của Nga trên thị trường vốn quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Thế giới (WB)… cũng đều tham gia vào quá trình trừng phạt này.
Mặc dù gây ra thiệt hại lớn đối với nền kinh tế và tài chính của Nga, nhưng xét về ảnh hưởng lâu dài, điều này cũng sẽ tác động đến tính độc lập của hệ thống thanh toán thương mại, tài chính quốc tế vốn chủ yếu dựa vào đồng USD hiện nay.
Trong bối cảnh xu hướng chính trị hóa ngày càng lớn, hệ thống tài chính quốc tế được định hướng bởi quan điểm giá trị chắc chắn sẽ gắn chặt hơn với những thay đổi của cục diện địa lý. Dựa trên sự thay đổi này, hệ thống tiền tệ quốc tế do đồng USD chi phối sẽ chuyển hướng sang hệ thống địa tiền tệ đa dạng hơn.
Trong bối cảnh chính sách của Mỹ thay đổi, đồng USD biến động mạnh, rủi ro địa lý quốc tế gia tăng, ý nghĩa của quốc tế hóa đồng nhân dân tệ đối với công cuộc mở cửa và phát triển của Trung Quốc cũng ngày càng trở nên quan trọng.
Đồng thời, với tư cách là đồng tiền dự trữ và thanh toán chủ yếu, đồng nhân dân tệ chắc chắn phải đối mặt với sự cạnh tranh và đọ sức của đồng USD, euro và yen. Trên thực tế, sự cạnh tranh này cũng là sự cạnh tranh về sức ảnh hưởng địa lý và kinh tế có liên quan đến Trung Quốc.
Do đó, đối với Trung Quốc, các khung chính sách tiền tệ và thúc đẩy chính sách mở cửa thị trường đều cần dự báo và nghiên cứu về xu hướng địa tiền tệ này. Trong quá trình thúc đẩy quốc tế hóa đồng nhân dân tệ, cần kiên trì thái độ mở cửa rộng rãi và bao trùm. Vừa không thể can thiệp quá mức vào thị trường do tỷ giá hối đoái biến động, vừa không thể thực hiện các “vòng tròn nhỏ”, phải liên kết thực sự giữa nhân dân tệ với các đồng tiền quốc tế khác, phát triển bằng thực lực để đồng nhân dân tệ có được vị trí tương xứng trong hệ thống tiền tệ quốc tế.
Trong bối cảnh xung đột địa lý trầm trọng, rủi ro địa lý gia tăng, hệ thống tiền tệ và tài chính quốc tế do đồng USD chi phối ngày càng thể hiện rõ khuynh hướng chính trị hóa. Trên thực tế, khuynh hướng này đang ngày càng làm xói mòn vị thế đồng tiền quốc tế của đồng USD, làm suy yếu tính độc lập của hệ thống tài chính quốc tế, thúc đẩy quá trình địa lý hóa vốn, cũng như địa lý hóa hệ thống tiền tệ quốc tế.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận