Stellantis sẽ khai tử một số thương hiệu, có tên Maserati, Alfa Romeo
Vẫn có một số hãng xe được đảm bảo tương lai tại Stellantis, nhưng danh sách đó không bao gồm Lancia, DS, Alfa Romeo và Maserati.
Vẫn có một số hãng xe được đảm bảo tương lai tại Stellantis, nhưng danh sách đó không bao gồm Lancia, DS, Alfa Romeo và Maserati.
Theo Motor1, Stellantis nhiều khả năng sẽ sớm rút gọn danh sách các thương hiệu xe do mình sở hữu. Hiện, tập đoàn Stellantis đang có đến 14 thương hiệu ôtô khác nhau, bao gồm Citroen, Fiat, Opel/Vauxhall, Peugeot, Abarth, Ram, Dodge, Chrysler, Jeep, Lancia, DS Automobiles, Alfa Romeo và Maserati. Tập đoàn Stellantis ra đời năm 2021 sau khi PSA Group tiến hành sáp nhập cùng Fiat Chrysler Automobiles.
Ông Carlos Tavares - CEO của Stellantis - khi trao đổi với Reuters từng cho biết các thương hiệu không tạo ra lợi nhuận cho tập đoàn sẽ bị dừng hoạt động vào một thời điểm nào đó trong tương lai.
“Nếu bất kỳ thương hiệu xe nào không kiếm được tiền, chúng tôi sẽ cho dừng hoạt động”, lãnh đạo Stellantis khẳng định.
Tập đoàn Stellantis đang sở hữu đến 14 thương hiệu ôtô khác nhau. Ảnh: Stellantis.
Được biết, ông Carlos Tavares đã không nêu tên bất kỳ thương hiệu xe nào đứng trước khả năng bị khai tử, nhưng một số hãng xe đang có nguy cơ cao hơn so với những cái tên khác.
Trang tin Reuters dẫn đánh giá từ các chuyên gia cho rằng tập đoàn Stellantis có thể cố gắng bán Maserati, đồng thời khai tử Lancia hoặc DS. Dù vậy, tất cả vẫn chỉ là phỏng đoán ở thời điểm này.
Trong khi đó, một số thương hiệu ôtô được xem là an toàn do sở hữu quy mô tương đối lớn, bao gồm Fiat, Opel/Vauxhall, Peugeot, Citroen, Jeep và Ram.
Tương lai các hãng xe còn lại, bao gồm Alfa Romeo, Dodge và Chrysler, đều vẫn chưa được xác định cụ thể. Motor1 cho rằng thật khó để biết tập đoàn Stellantis có giữ lại cả Dodge và Chrysler hay không.
Hiện, Chrysler chỉ còn duy nhất Pacifica trong danh mục sản phẩm sau khi mẫu sedan cơ bắp 300C bị khai tử hồi năm ngoái.
Tương lai của Dodge và Chrysler tại tập đoàn Stellantis bị đặt dấu hỏi. Ảnh: Dodge.
Chuyên trang Motor1 lưu ý rằng tại thời điểm hoàn tất sáp nhập cách đây 3 năm, ông Carlos Tavares từng cam kết đầu tư vào toàn bộ 14 thương hiệu do Stellantis sở hữu trong vòng 10 năm.
Hiện, Stellantis đang là nhà sản xuất ôtô lớn thứ tư thế giới, nhưng việc phải quản lý quá nhiều thương hiệu xe dường như đang khiến tập đoàn này gặp khó, nhất là khi tính cạnh tranh trong ngành công nghiệp ôtô ngày một tăng cao.
Được biết, doanh thu ròng của Stellantis trong nửa đầu năm nay đã giảm 14%, trong khi lợi nhuận ròng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái đến 48%.
Tại Bắc Mỹ, doanh số của Stellantis đã giảm 18% so với nửa đầu năm 2023. Stellantis lý giải số lượng đơn hàng của tập đoàn sụt giảm do ảnh hưởng từ việc 4 mẫu xe đã bị dừng sản xuất, bao gồm Dodge Charger, Dodge Challenger, Jeep Renegade và Jeep Cherokee.
Doanh số của Ram 1500 cũng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu bởi mẫu bán tải này đang phải trải qua giai đoạn cập nhật giữa vòng đời.
Tại châu Âu và Nam Mỹ,doanh số của Stellantis cũng sụt giảm 6%. Ở các thị trường Trung Đông và châu Phi, doanh số của Stellantis tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ sức bán tăng gấp 3 của thương hiệu Fiat.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận