menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Đoan Trang

Startup thất bại, rất cần hỗ trợ khởi nghiệp lại

Ngày càng có nhiều các hoạt động của Nhà nước, tư nhân và các thành phần nước ngoài trong hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp phong phú và lan tỏa trên cả nước cả chiều sâu lẫn chiều rộng. Tuy nhiên, bài viết này nhằm góp thêm một góc nhìn khác về hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp.

Nhìn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp thành công trong nước và thế giới, phần đông đều trải qua những giai đoạn khó khăn và nhiều khi là thất bại, phá sản. Theo thống kê về hệ sinh thái khởi nghiệp trên thế giới, có hơn 95% các doanh nghiệp khởi nghiệp bị phá sản trong hai năm đầu tiên hoạt động. Tỷ lệ này còn cao hơn đối với các startup công nghệ và đổi mới sáng tạo - lĩnh vực khó khăn nhất trong khởi nghiệp.

Nhưng, thất bại là một phần tất yếu của hành trình tới thành công của startup. Thất bại cho phép người sáng lập đánh giá lại năng lực của chính mình, cơ hội để mình hoàn thiện và quan trọng là sự thất bại sẽ kiến tạo ý chí vượt qua thách thức và giữ vững tinh thần “chiến đấu” của người sáng lập - phần quan trọng nhất của khởi nghiệp.

Trong chương trình đào tạo thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp tổ chức tại Israel, người viết bài này đã học hỏi và tìm hiểu nhiều công cụ và phương pháp hỗ trợ cho khởi nghiệp không những từ những ngày đầu mà còn trong những giai đoạn khó khăn nhất - thất bại.

Khi nghe trình bày dự án của một startup công nghệ xe tự lái tại vườn ươm tư nhân tại Haifa, ông giám đốc vườn ươm nhận xét dự án của họ không có triển vọng, hay nói thẳng là sẽ thất bại. Tuy nhiên, ông thấy được năng lực cũng như một số giải pháp lõi có giá trị có thể tiếp tục phát triển, và đã hỗ trợ miễn phí huấn luyện (coaching), cố vấn (mentoring) cho hai nhà sáng lập này trong vòng một năm để xây dựng dự án mới.

Kết quả, dự án đã kêu gọi đầu tư được 5 triệu đô la Mỹ, và rất có tiềm năng sau ba năm triển khai. Đó là một ví dụ sinh động của thất bại trong quá khứ dẫn tới thành công hiện tại và tương lai trong hệ sinh thái khởi nghiệp nếu như có một cách tiếp cận đúng và hệ thống.

Nhìn nhận thực tế về hoạt động hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, có thể thấy rằng chưa có những hỗ trợ nào đối với các startup thất bại, phá sản. Hầu hết các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp tập trung vào giai đoạn đầu nhằm thúc đẩy hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp mà chưa có các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp bị... sạt nghiệp.

Như đã nói ở trên rằng 95% doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ phá sản sau hai năm, vậy các startup trước năm 2018 trên cả nước sẽ ra sao trong năm 2020 và bản thân doanh nghiệp cũng như người sáng lập nhận được những hỗ trợ gì cho hành trình khởi nghiệp khó khăn của mình?

Một công ty khởi nghiệp phá sản, điều lớn nhất là người sáng lập đã học được kinh nghiệm cũng như bài học thất bại mà họ không nhận thức khi khởi nghiệp lần đầu. Khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp lại khi phá sản còn khó khăn gấp bội phần. Thiếu đi những hỗ trợ đối với các startup thất bại, điều đó sẽ làm mất đi những người sáng lập đã có kinh nghiệm - hạt giống thành công tương lai.

Đáng lẽ hệ sinh thái nên nuôi dưỡng, chăm sóc và giúp những “hạt mầm” từng trải này thay vì lại thúc đẩy một lứa sáng lập trẻ không có kinh nghiệm để rồi tiếp tục thất bại. Vòng lặp không hiệu quả đó đang phổ biến và gây những tổn thất đáng tiếc cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Các hoạt động hỗ trợ trong những năm tới cần tập trung nghiên cứu và đề ra các giải pháp thực tế, và quan trọng là cần có nguồn lực cho các startup thất bại. Đầu tiên, cần có các hoạt động và chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ nguồn lực tinh thần, kỹ thuật cũng như vật chất cho những startup thất bại.

Thứ hai, “người chết không nói được” - các startup thất bại thường không thích đề cập do bản thân họ không muốn và văn hóa Việt Nam không đề cao thất bại. Rõ ràng, một chương trình sự kiện khởi nghiệp sẽ có hàng trăm người tới dự khi diễn giả là những “shark” thành công, trái ngược với diễn giả là những người sáng lập thất bại. Trong tâm thế người Việt Nam, thất bại không có gì đáng để học hỏi và suy ngẫm.

Chúng ta cần ghi lại những dự án đã phá sản, những mô hình thất bại, những bài học thất bại... để những người sáng lập đi sau có thể học hỏi. Có thể những người mới kế tiếp có nhiệt huyết kết hợp với người sáng lập thất bại trong quá khứ sẽ kiến tạo doanh nghiệp thành công trong tương lai.

Thứ ba, rất cần các chương trình tái đào tạo, coaching, mentoring cho các startup thất bại để giúp cho họ nhận xét và đánh giá lại các điểm yếu và điểm mạnh của mình. Các chương trình này cần được thiết kế riêng biệt và quan trọng những người cố vấn/giảng viên phải là những người sáng lập khởi nghiệp đã trải qua khó khăn, phá sản, để có thể đồng cảm với những startup thất bại.

Thứ tư, rất cần các chương trình truyền thông thúc đẩy những startup thất bại nhưng vẫn tiếp tục đứng dậy vượt qua khó khăn, hướng tới tương lai thành công. Ý chí không thể chỉ dạy qua thành công mà còn phải hun đúc trong thất bại vượt lên chính mình.

Cuối cùng, không thể thiếu được các chương trình hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị như trong kinh nghiệm tại vườn ươm Haifa ở Israel với những người sáng lập khởi nghiệp thất bại.

Có lẽ trong thời gian tới, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam cần tập trung nuôi dưỡng và hỗ trợ những “tinh binh” đã từng thất bại nhưng không sợ khó khăn - những người sáng lập khởi nghiệp đã phá sản nhưng dũng cảm đứng lên khởi nghiệp nhiều lần nữa trong tương lai.

(*) Chuyên gia khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại