Stablecoin là gì? Những điều cần biết về stablecoin
Cryptocurrency đang là một chủ đề không mới cũng không hề cũ trên thị trường tài chính. Nó không mới vì chắc chắn ai trong số chúng ta cũng đã từng nghe qua về khái niệm tiền kỹ thuật số vài lần trên báo đài, nó không cũ vì không phải ai cũng hiểu về bản chất của chúng.
Trong một thị trường mà một loại tài sản hoàn toàn có thể “bốc hơi” chỉ sau một đêm, sẽ luôn có sự lựa chọn an toàn cho các nhà đầu tư để trú ẩn đó chính là stablecoin. Vậy thì stablecoin là gì, chúng có thật sự an toàn và phân loại chúng như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này nhé.
Stablecoin là gì?
Stablecoin là từ tiếng anh được kết hợp bởi hai từ stable (ổn định) và coin. Đây là một loại tài sản kỹ thuật số được neo giá trị vào một loại tài sản nào đó nhằm mục đích giữ sự ổn định về giá cho đồng tiền đó ở mức 1 USD.
Sự biến động lớn của các đồng tiền mã hóa khiến các nhà đầu tư ngần ngại trong việc sử dụng các đồng tiền này trong việc thanh toán hằng ngày. Trước đây, các nhà đầu tư tiền mã hóa khi muốn chốt lời hay cắt lỗ đều không có sự lựa chọn nào khác ngoài bán ra tiền pháp định. Sự ra đời của các đồng stablecoin đã giải quyết rất tốt hai vấn đề kể trên.
Phân loại và cơ chế hoạt động của các stablecoin
Stable coin được đảm bảo bằng tiền pháp định
Các công ty đứng sau những đồng stablecoin này sẽ dự trữ một khoản tiền pháp định theo tỉ lệ 1:1 với tổng cung của đồng coin đó. Ví dụ: mỗi BUSD (đồng stablecoin do Binance phát hành) được bảo chứng bởi 1 USD ngoài đời thực.
Cơ chế điều chỉnh giá của loại stablecoin này như sau: Lấy ví dụ của đồng BUSD. Khi giá của BUSD lên trên 1 USD, các nhà kinh doanh chênh lệch giá sẽ chuyển USD trong kho dự trữ thành BUSD và bán nó ra trên thị trường nhằm tăng nguồn cung lưu hành và làm giảm giá của BUSD về 1 USD. Trong trường hợp BUSD xuống dưới 1 USD, các nhà giao dịch sẽ mua đồng BUSD và chuyển đổi nó sang USD khiến giảm nguồn cung và tăng giá BUSD trở lại 1 USD.
Stablecoin bảo chứng bởi tiền mã hóa
Những đồng tiền này khá giống với các đồng coin được bảo chứng bởi tiền pháp định, chỉ khác ở chỗ các loại tiền mã hóa sẽ được sử dụng làm tài sản thế chấp. Các đồng tiền này thường dự trữ một lượng tài sản đảm bảo với tỉ lệ 1:1,5 để giữ tỷ giá trong thời điểm thị trường biến động.
Ví dụ: để tạo ra 100 USD đồng A, ta cần phải thế chấp 150 USD một đồng tiền mã hóa nào đó. Sau khi có được 100 USD đồng A, ta có thể sử dụng nó theo bất kỳ cách nào. Khi muốn lấy lại tài sản thế chấp, ta cần hoàn trả 100 USD đồng A. Tuy nhiên, khi giá của loại tài sản đảm bảo xuống dưới một tỷ lệ đã quy định, tài sản đó sẽ bị thanh lý để tránh thất thoát tài sản.
Đây là cơ chế giữ giá của các đồng coin loại này: khi giá của đồng A xuống dưới mức peg (1 USD) các holders sẽ được khuyến khích hoàn trả đồng A hco nhà cung cấp để lấy lại tài sản thế chấp, qua đó làm giảm nguồn cung khiến cho giá trị của đồng A quay về 1 USD. Khi đồng A vượt 1 USD, người dùng được khuyến khích tạo ra thêm nhiều đồng A bằng cách gửi các tài sản thế chấp qua đó tăng nguồn cung và điều chỉnh giá của đồng A về 1 USD.
Stablecoin “thuật toán”
Các stablecoin thuật toán này có cách tiếp cận hoàn toàn khác cho vấn đề giữ giá của tài sản. Các đồng coin sử dụng hợp đồng thông minh và các thuật toán để “ép” nguồn cung tăng hoặc giảm tùy vào giá của đồng coin đó trong các thời điểm khác nhau.
Ví dụ: khi giá của đồng stablecoin thuật toán A giảm xuống dưới 1 USD, các thuật toán sẽ “đốt” hoặc mua lại một lượng nhất định nhằm tạo ra hiện tượng giảm phát giúp giá của của A về 1 USD. Còn khi giá vượt quá mức peg, thuật toán sẽ tự in ra một lượng coin nhằm kéo giá quay trở về 1 USD.
Stablecoin liệu có an toàn?
Qua vụ việc của Terra ( LUNA ) và Terra USD ( UST) vừa qua, một số nhà đầu tư trên thị trường đã mất đi niềm tin vào sự an toàn của các đồng coin top ( các đồng coin có vốn hóa lớn ) cũng như các đồng stablecoin. Tuy nhiên, sự sụp đổ của hai dự án này hoàn toàn đã được dự báo trước bởi các chuyên gia trên thị trường khi cơ chế neo giá của 2 đồng tiền mã hóa này rất rủi ro. Trong điều kiện thuận lợi, cơ chế này sẽ đẩy giá của LUNA lên một cách rất khủng khiếp, tuy nhiên ở chiều ngược lại, khi LUNA gặp vấn đề hoặc bị tấn công bởi các trader bằng cách bán khống thì cơ chế này sẽ tạo ra một vòng lặp đè giá hai đồng coin này khiến chúng về 0.
Ở một mặt khác, các stablecoin đứng đầu thị trường hiện nay đều có các cơ chế neo giá mà các nhà đầu tư có thể an tâm. Thậm chí các công ty này còn có các báo cáo tài chính minh bạch giúp các nhà đầu tư theo dõi lượng tài sản dự trữ của mỗi dự án. Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư an tâm hơn về loại tài sản mình đang nắm giữ.
Một viễn cảnh tương lai mà ở đó mọi người sử dụng các đồng coin như BTC, ETH để trao đổi mua bán hằng ngày, theo tôi, rất khó xảy ra bởi sự biến động giá của chúng quá lớn. Thay vào đó, tôi tin rằng các đồng stablecoin sẽ được sử dụng một cách rộng rãi và phổ biến bởi sự ổn định về giá đi kèm với đó là sự ưu việt của công nghệ blockchain sẽ khiến cho việc thanh toán trở nên dễ dàng, nhanh chóng và tối ưu hơn về mặt chi phí.
Theo dõi người đăng bài
Tiếp cận các chuyên gia VIP/PRO hàng đầu của 24HMONEY
Nhận ngay bài viết tài chính chuyên sâu
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận