menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Băng Tâm

SSI: Nhu cầu xi măng trong nước phục hồi, xuất khẩu có thể chững lại

SSI cho rằng nhu cầu xi măng trong nước sẽ sớm phục hồi nhờ vào lực đẩy đầu tư công, song xuất khẩu có thể bị chững lại do một số yếu tố từ Trung Quốc.

Báo cáo mới đây của SSI cho biết, ngành xi măng đã tăng 61% trong năm 2021, một tín hiệu tích cực trong bối cảnh sản xuất và các lĩnh vực kinh doanh đều bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Năm 2021, nhu cầu xi măng trong nước bị tác động tiêu cực bởi dịch bệnh, trong khi xuất khẩu vẫn tăng mạnh.

Theo đó, sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước 5 tháng đầu năm 2021 tăng 9% so với mức thấp năm 2020. Tuy nhiên, dịch COVID-19 bùng phát từ tháng 4 đến tháng 11 đã khiến các hoạt động xây dựng bị trì hoãn, đặc biệt là trong quý III.

Do đó, nhu cầu xi măng trong 11 tháng 2021 giảm 2%, đạt khoảng 56,6 triệu tấn. Mặt khác, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker trong 11 tháng 2021 tăng 20,4% so với cùng kỳ đạt 41,9 triệu tấn, giá bán bình quân tăng 4% so với cùng kỳ lên mức 39 USD/tấn.

Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm với sản lượng tăng 15% lên 23 triệu tấn và chiếm 55% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu sang Philippines và Bangladesh cũng tăng lần lượt 15% và 92% so với cùng kỳ đạt 6,9 triệu tấn và 3,5 triệu tấn, chiếm 16% và 9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

SSI: Nhu cầu xi măng trong nước phục hồi, xuất khẩu có thể chững lại

SSI cho biết, lợi nhuận của hầu hết các công ty đều sụt giảm đáng kể do sản lượng tiêu thụ giảm và chi phí than đầu vào tăng. Chi phí than đầu vào, chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất xi măng, tăng khoảng 30-40% trong năm 2021.

Giá than trong nước cũng tăng theo giá than thế giới, với một số nguyên nhân bao gồm: Kinh tế phục hồi mạnh mẽ và sự thiếu hụt nguồn cung.

Điều này là do Trung Quốc hạn chế sản xuất vì các vấn đề môi trường; các nước xuất khẩu lớn như Indonesia, Australia, Nam Phi và Nga không có khả năng tăng đủ sản lượng xuất khẩu do thời tiết bất lợi, thiên tai và dịch COVID-19.

Mặc dù giá than tăng cao, các công ty xi măng vẫn có thể tăng giá thành lên khoảng 3-5% năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu và áp lực cạnh tranh mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hiệu suất hoạt động thấp của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong quý III/2021 khiến biên lợi nhuận gộp giảm đáng kể mặc dù giá xi măng tăng. Biên lợi nhuận gộp trung bình của ngành xi măng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trong quý III/2021.

Vì vậy, nhiều công ty đã ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí âm trong kỳ. Lũy kế từ đầu năm ngoái, lợi nhuận của hầu hết các công ty xi măng trong 9 tháng 2021 đều giảm từ 10% đến 30% so với cùng kỳ.

Triển vọng ngành xi măng năm 2022

Theo nhận định của SSI, nhu cầu xi măng trong nước sẽ phục hồi, trong khi sản lượng xuất khẩu có thể chững lại.

Nhu cầu trong nước có thể quay trở lại mức tăng trưởng bình thường từ 5-7% trong năm 2022 so với mức thấp trong năm 2021 do nhu cầu bị dồn nén, phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công.

Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu có thể chững lại do nhu cầu hạn chế của Trung Quốc, biểu hiện ở việc giá xi măng Trung Quốc giảm 15% so với mức đỉnh tháng 10 do những ảnh hưởng tiêu cực từ thị trường bất động sản.

Theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP gần đây, thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Clinker thường chiếm từ 60-70% tổng lượng xi măng và clinker xuất khẩu.

Xuất khẩu clinker giảm sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước. Tuy nhiên, SSI cho rằng việc tăng 5% thuế xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Áp lực cạnh tranh trong nước có thể gia tăng khi công suất tăng lên. Trong vài năm tới, công suất trong nước được kỳ vọng sẽ tăng từ 10-15%. Cùng với sự giảm tốc của kênh xuất khẩu, điều đó sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước. Xu hướng này đặc biệt xảy ra tại miền Bắc và miền Trung, nơi có các dự án mới nhiều nhất và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Nhìn chung, SSI đánh giá biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận của các doanh nghiệp xi măng có thể phục hồi trong năm 2022.

Theo đó, biên lợi nhuận gộp của các công ty trong ngành này có thể cải thiện 1% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ phục hồi và giá than điều chỉnh. Giá than thế giới đã giảm 20-25% so với mức đỉnh tháng 10.

Giá than ở Việt Nam có thể có xu hướng điều chỉnh trong năm 2022, tuy nhiên, thường có một khoảng thời gian chênh lệch giữa biến động giá than thế giới và giá than Việt Nam. Do đó, lợi nhuận trước thuế của các công ty xi măng có thể phục hồi từ 10-50% so với năm 2021, với phần lớn mức tăng trưởng ghi nhận vào nửa cuối năm 2022.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành chuyên gia trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải App Tài chính - Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại