SSI: Lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2024 chưa thể bức tốc
SSI Research duy trì quan điểm Trung lập đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay.
2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng
Khép lại một năm 2023 đầy biến động, cổ phiếu ngành ngân hàng có diễn biến tích cực với mức tăng 19% so cùng kỳ, vượt trội hơn so với mức tăng 12% của chỉ số VN-Index.
Những ngân hàng có diễn biến giá tích cực nhất là LPB (55%) và HDB (54%) nhờ tâm lý tích cực của nhà đầu tư sau những thông tin về sự hỗ trợ của hành lang pháp lý, đặc biệt đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản.
Về triển vọng năm 2024, SSI Research cho rằng 2024 vẫn tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành ngân hàng về chất lượng tài sản. Mặc dù vậy, tình hình chung sẽ có sự cải thiện so với năm 2023, phần lớn là nhờ vào chi phí vốn đã giảm về mức thấp hơn nhiều so với 2023 và lợi nhuận trước dự phòng (PPOP) có sự cải thiện giúp các ngân hàng có dư địa để tạo một bộ đệm dự phòng tốt hơn.
Trong kịch bản cơ sở của SSI Research, tăng trưởng GDP có thể phục hồi trong khoảng từ 6% - 6,5%, lãi suất trung bình cả năm duy trì quanh mức thấp nhất trong thập kỷ trở lại đây và NHNN sẽ có ứng phó linh hoạt trong cơ chế ghi nhận và trích lập dự phòng nợ xấu.
Theo ước tính của SSI Research, tăng trưởng lợi nhuận trước thuế năm 2024 của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu dự kiến đạt 15,4% so cùng kỳ, đây là mức tăng trưởng tốt hơn so với mức 4,6% trong năm 2023.
Thời điểm mua cổ phiếu ngân hàng?
Các ngân hàng mà SSI Research đang nghiên cứu có mức P/B 2024 là 1,1x và riêng nhóm ngân hàng TMCP là 0,92x. Trong khi đó, nếu giả định tỷ lệ tổn thất ước tính (LGD) đối với các khoản nợ có vấn đề là 50% và sau khi sử dung nguồn dự phòng đã trích lập thì mức độ ảnh hưởng đối với vốn chủ sở hữu sẽ ở mức 11%.
Do đó, SSI Research cho rằng mức định giá hiện tại phần lớn đã phản ánh rủi ro tín dụng đến từ nợ quá hạn và khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 02. Tuy nhiên, mức định giá này có thể chưa phản ánh hết các khoản vay tái cấp vốn cho chủ đầu tư bất động sản được giải ngân trong năm 2023 tại một số ngân hàng nhất định (được phân loại ở nợ Nhóm 1).
Ngoài ra, khi xem xét đến diễn biến giá của các ngân hàng trong chu kỳ trước, SSI Research nhận thấy định giá hầu như không thay đổi trong quá trình xử lý nợ xấu, tuy nhiên sẽ được định giá lại trong vòng 6-12 tháng trước khi hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu.
Trong quá trình này, những ngân hàng có khả năng tăng vốn sớm hơn sẽ có điều kiện tốt hơn để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, giành thêm thị phần và đạt kết quả khả quan hơn so với các ngân hàng khác
SSI Research duy trì quan điểm Trung lập đối với ngành Ngân hàng trong năm 2024 do quá trình củng cố bộ đệm dự phòng tiếp diễn khiến lợi nhuận toàn ngành chưa thể bứt tốc mạnh mẽ ngay.
Tuy nhiên, SSI Research vẫn ưa thích những cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt như ACB và VCB, vì các ngân hàng này sẽ hoàn tất xử lý nợ xấu sớm hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng ngành.
BID cũng là cổ phiếu ưa thích do kế hoạch phát hành riêng lẻ sắp tới sẽ hỗ trợ tích cực cho quá trình xử lý nợ xấu cũng như triển vọng tăng trưởng trung hạn. Ngoài ra, SSI Research chọn thêm STB vì câu chuyện xoay quanh tiến độ cơ cấu.
SSI Research đưa 3 cổ phiếu vào danh sách theo dõi gồm TCB, CTG và MBB. Đối với TCB và MBB, SSI Research sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến mới cũng như quá trình tháo gỡ nút thắt của thị trường trường bất động sản để đánh giá liệu các ngân hàng này có thể đạt được tốc độ phục hồi tốt hơn kỳ vọng hay không. Đối với CTG, do ngân hàng đã đẩy mạnh trích lập dự phòng trong 2 năm qua, SSI Research cho rằng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận có thể sẽ có bước ngoặt mới, có thể là vào cuối năm 2024 hoặc 2025.
Đối với các cổ phiếu khác, SSI Research khuyến nghị nhà đầu tư có thể quan sát lại vào cuối năm vì có thể mất ít nhất 1-2 năm nữa để hoàn tất quá trình xử lý nợ xấu.
Trong đó, SSI cho rằng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, BID) sẽ ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng trưởng mạnh từ năm 2023 đến năm 2024 lần lượt tăng 19,2% và 14,2% so cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính bao gồm tăng trưởng tín dụng, NIM ổn định và dự phòng được kiểm soát.
BID có kế hoạch phát hành 9% vốn điều lệ sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn. Nếu thành công, SSI ước tính CAR sẽ cải thiện khoảng 130-150 điểm cơ bản. Ngoài ra, khả năng ký kết hợp đồng độc quyền bancassurance có thể là yếu tố hỗ trợ khác cho giá cổ phiếu.
Đối với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, VCB), tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khá tốt trong năm 2024 với 14,3% so cùng kỳ nhờ NIM cải thiện và rủi ro chất lượng tài sản ở mức thấp.
Vietcombank cũng có kế hoạch phát hành 6,5% vốn điều lệ sẽ hỗ trợ tăng trưởng trong trung hạn. Nếu thành công, SSI ước tính tỷ lệ CAR sẽ cải thiện khoảng 200 điểm cơ bản.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, STB) sẽ ghi nhận lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng. SSI dự báo xu hướng tăng trưởng lợi nhuận của STB sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất là đến năm 2024, với mức tăng trưởng là 27,1% nhờ NIM phục hồi và hoàn nhập dự phòng từ việc bán khu công nghiệp Phong Phú.
Ngoài ra, Sacombank có thể được ghi nhận lợi nhuận bất thường. Trong kịch bản tích cực, SSI kỳ vọng STB sẽ được NHNN chấp thuận giải quyết số cổ phiếu đang bị phong tỏa tại VAMC trong năm 2024.
Cuối cùng là Ngân hàng TMCP Á Châu (HoSE: ACB), bước sang năm 2024, SSI kỳ vọng ngân hàng sẽ kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,2% với bộ đệm dự phòng cao là 82,2%. Do năm 2024 được kỳ vọng là năm phục hồi của nền kinh tế và thời gian để các ngân hàng xử lý nợ xấu, SSI dự báo ngân hàng đạt mức tăng trưởng lãi trước thuế là 14% đạt 22,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM phục hồi mặc dù chi phí tín dụng có thể vẫn ở mức tương đối cao là 0,42%.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận