Sốt lan đột biến tiền tỷ: Cấm giáo viên mua bán, không cho vay vốn đi buôn
Phòng Giáo dục huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên không tham gia mua bán hoa lan đột biến gen để tránh gặp phải hệ luỵ xấu.
Trước cơn sốt lan đột biến “tung hoành” trên địa bản, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) vừa có văn bản yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục không tham gia vào vòng xoáy này để tránh gặp phải những hệ lụy tiêu cực, không đáng có.
Cụ thể, các cán bộ, giáo viên, nhân viên được yêu cầu cần nhận thức đúng bản chất vụ việc, không tham gia kinh doanh hoa lan đột biến.
“Việc góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến bất bình thường có thể sẽ mang nhiều rủi ro cho các hộ gia đình góp vốn, có nguy cơ để lại nhiều hậu quả xấu, khó lường cho xã hội, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Phòng GDĐT huyện Lạc Sơn yêu cầu hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện tuyên truyền, phổ biến, cảnh tỉnh để cán bộ, giáo viên, nhân viên và người dân nhận thức đầy đủ, hiểu đúng bản chất việc kinh doanh hoa lan đột biến gen” - văn bản viết.
Đồng thời, cán bộ, giáo viên cần cảnh giác để hạn chế rủi ro khi góp vốn kinh doanh, mua bán bất hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền liên quan đến lan đột biến.
Trưởng phòng GDĐT huyện Lạc Sơn Bùi Văn Danh cho biết, trên địa bàn huyện đang xảy ra hiện tượng giao dịch, kinh doanh lan đột biến gen với giá trị rất lớn, lên tới hàng tỷ đồng, chục tỷ đồng.
Các thương vụ được đăng tải công khai trên mạng xã hội, hình thức phô trương. Qua nắm bắt tình hình, một số cán bộ, đảng viên, giáo viên, nhân viên đã tham gia góp vốn kinh doanh và tuyên truyền, vận động nhiều người cùng tham gia góp vốn. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã thế chấp đất, tài sản vay tiền tham gia góp vốn cho một số người kinh doanh lan.
Trong trường hợp nhà trường có cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện tuyên truyền, vận động hay trực tiếp huy động góp vốn, nếu có vấn đề xảy ra làm mất an ninh trật tự trên địa bàn sẽ xử lý theo đúng quy định.
Trước đó, Tỉnh ủy Hòa Bình cũng ban hành công văn yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh, lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan, có giải pháp phù hợp tuyên truyền, phổ biến, cảnh tỉnh để người dân hiểu đúng bản chất kinh doanh lan đột biến gen; hạn chế rủi ro cho người dân khi góp vốn kinh doanh, xử lý những hành vi kinh doanh, mua bán không hợp pháp, có dấu hiệu lừa đảo, rửa tiền liên quan đến lan đột biến.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh đang có hiện tượng giao dịch, kinh doanh lan đột biến gen với giá trị rất lớn (hàng tỷ đồng, chục tỷ đồng/1kie). Các "thương vụ” mua bán được công khai và tuyên truyền trên phạm vi rộng, hình thức phô trương.
Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chức năng cảnh báo cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh nhận thức đúng, đầy đủ về hoạt động kinh doanh, mua bán hoa lan đột biến gen; người dân góp vốn kinh doanh hoa lan đột biến gen phải gánh chịu những hậu quả xấu nếu hoa lan đột biến mất giá trị, "vỡ trận” như cảnh báo trên một số phương tiện thông tin đại chúng để hạn chế những hậu quả xấu xảy ra.
Nhà băng không cho vay để đầu tư lan đột biến
Tại Hòa Bình, năm 2020, Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ lừa đảo LĐB lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng.
Điển hình như vụ Đặng Văn Tâm (trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) đã giả mạo Zalo, Facebook của một chủ vườn lan tại TP. Hòa Bình để lừa bán hoa lan giả chiếm đoạt tài sản với số tiền 500 triệu đồng; vụ việc Tạ Thị Suối Vân (SN 1992), trú tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy lừa bán lan đột biến với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cũng khuyến cáo, đối với sản phẩm lan đột biến do người dân tự trồng, trực tiếp sản xuất (thuộc nhóm đối tượng sản xuất nông nghiệp nên không phải kê khai để thực hiện nghĩa vụ thuế). Đối với hoạt động kinh doanh thương mại, cây lan được mua đi bán lại thì nhóm đối tượng này thuộc diện phải kê khai, chịu nộp thuế theo quy định.
Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình cũng siết chặt việc quản lý đầu tư tín dụng, xác định không cho vay đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh lan. Đồng thời, kiểm tra, thẩm định chặt đối với các khoản vay tiêu dùng, vay đầu tư, nhất là những khoản vay không đảm bảo theo Nghị định số 55/2015 của Chính phủ tránh tình trạng khách hàng lợi dụng các khoản vay để đầu tư vào lan.
Phần lớn các giao dịch mua bán lan đột biến là những chiêu trò mua bán giả để nhằm mục đích thổi giá. Một số vụ việc có dấu hiệu kinh doanh đa cấp biến tướng, người kinh doanh trước với mục đích chiếm đoạt tiền của người kinh doanh sau mà không quan tâm đến giá trị của hàng hóa. Sau khi đã chiếm được một khoản tiền lớn, họ sẽ rút, khi đó cơn sốt lan đột biến sẽ vỡ bong bóng. Người tham gia cuối cùng sẽ trở thành nạn nhân của những thương vụ tiền tỷ lan đột biến.
Theo giới chuyên gia, những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ xuất hiện rầm rộ thời gian qua thực chất chỉ là chiêu trò của một nhóm người.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận