Sốt đất ở Thủy Nguyên - huyện được quy hoạch lên thành phố ở Hải Phòng
Sau khi H.Thủy Nguyên được quy hoạch để lên thành phố trực thuộc TP.Hải Phòng, giá đất ở đây đã tăng vọt từng ngày.
Về Thủy Nguyên thời điểm này, đâu đâu cũng thấy bảng biểu, tờ rơi của các công ty bất động sản. Thậm chí, trên các bức tường cũng xuất hiện nhan nhản số điện thoại của người môi giới đất, mua bán đất hoặc hỗ trợ thủ tục tham gia đấu giá đất.
Thông tin với Thanh Niên, anh Thủy (36 tuổi, ngụ xã Thủy Đường, H.Thủy Nguyên) cho biết: “Thời gian gần đây có rất nhiều người đến khu vực nhà tôi hỏi mua đất, giá đất cũng cao hơn trước rất nhiều. Tuỳ vị trí, đất được trả từ 10 đến 20 triệu đồng/m2. Trong khi đó, cách đây 1 năm, đất ở xã tôi chỉ khoảng 5 - 7 triệu đồng/m2”.
Theo người dân và giới “cò” bất động sản, đất ở các xã Hoa Động, Lâm Động, Dương Quan, Thủy Triều, Thủy Đường, đặc biệt là Tân Dương, được săn đón nhiều nhất. Trong đó, khu Cửa Trại ở Tân Dương (khu vực sát cầu Hoàng Văn Thụ) có giá lên tới hơn 40 triệu đồng/m2.
Với việc thị trường bất động sản ở Thủy Nguyên đang sôi động trở lại, nhiều người dân cũng tranh thủ bỏ tiền ra đầu cơ hoặc trở thành “cò” bất động sản. Anh Hiếu, làm nghề dạy lái xe, giờ kiêm môi giới bất động sản, chia sẻ: “Giá đất ở H.Thủy Nguyên đang tăng vọt nhưng ở một số nơi gần cầu Hoàng Văn Thụ, hay ven đường 359, có giá cao quá so với thực tế hạ tầng đang có. Có thể, trong tương lai gần, khi cơ sở hạ tầng khu này hoàn thiện, giá khoảng 20 - 40 triệu đồng/m2 sẽ là hợp lý, còn hiện tại thì hơi ảo”.
Đất đấu giá cũng “ăn theo” tăng giá
Việc giá đất thị trường tăng cao cũng đẩy giá trị đất đấu giá lên cao. Anh Hùng (một “cò” bất động sản chia sẻ): “Một số khu đất đấu giá ở Thủy Đường, giáp Thủy Sơn, trước đây chỉ 7 - 10 triệu đồng/m2, giờ cũng đã lên từ 20 - 40 triệu đồng/m2. Một thời gian nữa, nếu xã Tân Dương mà tổ chức đấu giá thì chắc giá sẽ còn cao hơn”.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Bùi Mạnh Hưng, Chánh văn phòng UBND H.Thủy Nguyên, cho biết: “Thực tế, thị trường đất ở Thủy Nguyên bắt đầu sôi động khi Khu đô thị Bắc sông Cấm được xây dựng. Đến khi chủ trương đưa H.Thủy Nguyên lên thành phố được thông qua thì giá đất càng tăng cao. Ngay cả một số xã ở sâu bên trong huyện như An Sơn, Liên Khê, Gia Đức... giá đất cũng đã tăng. Điều đó phản ánh phần nào sự phát triển mạnh mẽ của H.Thủy Nguyên”.
Ngày 29.11 vừa qua, UBND TP.Hải Phòng thông tin, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã đồng ý về chủ trương xây dựng Đề án thành lập thành phố thuộc TP.Hải Phòng tại H.Thủy Nguyên như đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố.
Theo tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND TP.Hải Phòng, Thủy Nguyên được xác định đột phá về không gian đô thị của TP.Hải Phòng, là trung tâm hành chính, chính trị thành phố, trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng, đô thị. Với diện tích 261,86 km2, dân số 333.900 người và 37 đơn vị hành chính, Thủy Nguyên đã cơ bản đạt được 4 tiêu chuẩn (dân số, diện tích, số đơn vị hành chính và cơ cấu trình độ phát triển kinh tế - xã hội) của phường thuộc thành phố trực thuộc thành phố mà Quốc hội quy định, chỉ còn tiêu chuẩn về phân loại đô thị sẽ phải sớm triển khai.
UBND TP.Hải Phòng lý giải, H.Thủy Nguyên hiện là đơn vị hành chính nông thôn với mô hình quản lý không còn phù hợp trong tình hình mới. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại H.Thủy Nguyên là yêu cầu khách quan và cấp thiết để phát huy tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương này.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận