"Sốt đất" hạ nhiệt: Lâm cảnh thất nghiệp, "cò" vỡ mộng làm giàu
Tình trạng 'sốt đất' ở nhiều địa phương đang có dấu hiệu hạ nhiệt, nhiều 'cò đất' và môi giới bất động sản chuyên nghiệp lại rơi vào trạng thái 'ngồi không', nguy cơ thất nghiệp...
"Sốt đất" hạ nhiệt, môi giới ngồi không
Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, hiện tượng giá đất tăng xuất hiện tại nhiều địa phương, tạo ra những cơn sóng sốt đất khó tin. Đất đai sôi sục khắp nơi, giá tăng chóng mặt, trung bình tăng 10% sau 1 tháng. Cục bộ một số nơi tăng 2-3 lần chỉ trong 1-2 tháng.
Đáng chú ý, nhiều nơi, người dân bỏ kinh doanh, bỏ sản xuất để lao vào đầu tư đất. Tiền gửi ngân hàng cũng được rút ra để đi đầu tư.
Để ngăn chặn tình trạng "sốt đất" ảo và hạn chế những hệ lụy đáng tiếc, thời gian gần đây, nhiều địa phương và thậm chí đến hai bộ là Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải ra những văn bản nóng để kìm hãm việc "sốt đất".
Trước những động thái cứng rắn của cơ quan chức năng, tình trạng "sốt đất" gần như cơ bản được "dập tắt". Các giao dịch bất động sản trên thị trường cũng ít đi, nhiều nơi "sốt đất" trước kia rơi vào tình trạng vắng vẻ.
Ghi nhận PV Dân Việt tại một dự án khu đô thị nằm trên trục đường quốc lộ 32 (thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội), cảnh tượng vắng vẻ diễn ra ở hầu khắp các văn phòng môi giới đất đai trong dự án. Cá biệt, có văn phòng chỉ mở cửa, nhưng gọi mãi không có người tiếp.
Theo anh Nguyễn Văn Trường – một nhân viên môi giới bất động sản trên địa bàn huyện Hoài Đức chia sẻ, từ tháng 3 vừa qua, thị trường bất động sản khu vực này có dấu hiệu chững lại, đặc biệt khi các cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc, cảnh báo ngăn chặn "sốt đất".
"Trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán vừa qua, số lượng người quan tâm tới bất động sản khu vực Hoài Đức rất lớn. Có thời điểm, các phòng giao dịch đông kín người, tỷ lệ người chốt giao dịch cũng cao. Nhưng giờ thì khác rồi, không khí ảm đạm hơn, cả ngày được 1-2 khách tới tìm hiểu dự án, người "xuống tiền" thời điểm này cũng rất ít", anh Trường chia sẻ.
Cùng nằm trên trục quốc lộ 32, cách dự án trên khoảng 1km, PV cũng ghi nhận được không khí ảm đạm của các văn phòng môi giới tại một dự án được coi là "điểm nóng" bất động sản phía Tây Hà Nội. Một số môi giới ngồi một mình "lướt điện thoại"… bám trụ dọc trục đường chính vào dự án. Hay một số văn phòng thì "cửa đóng then cài"…
Chia sẻ với PV, nhiều môi giới bất động sản thời điểm này đều tỏ ra lo lắng sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp. "Thị trường sôi động thì còn có "cửa" kiếm ăn, giờ trầm lắng chắc chúng em phải bỏ nghề chứ còn cách nào khác đâu", Quỳnh Anh – một môi giới bất động sản buồn bã nói.
"Sốt đất" hạ nhiệt, cò vỡ mộng làm giàu
Ghi nhận thêm tình trạng "sốt đất" hạ nhiệt tại các khu vực gần KCN cao Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội), nhiều "cò đất" có nghề nghiệp chính là bán gà vịt, bán quán cơm, bán trà đá… cũng ngao ngán nói về đất đai.
Bà Nguyễn Thị Diệu – người dân xã Đồng Trúc (Thạch Thất) chia sẻ, thời điểm này, đất nền khu vực này rất trầm lắng, nhiều người chấp nhận bán cắt lỗ để thu hồi vốn nhưng cũng không bán được.
"Trước đây tôi bán trà đá, xe ô tô cứ rầm rập tới xem đất. Người mua người bán cứ như cái chợ. Thế mà giờ chẳng ai mua bán gì, mấy chủ đất thì "thở ngắn, thở dài" tìm người mua", bà Diệu chia sẻ.
Rơi vào tình trạng mất thu nhập từ nghề "cò đất", nhiều người dân tại các khu vực "sốt đất" ở huyện Thạch Thất lại trở lại với công việc trước đó của mình. "Khi thấy "sốt đất" tôi đã bỏ công việc chạy xe giao nước của mình để dẫn khách đi xem đất. Mỗi giao dịch thành công cũng được "hoa hồng" vài chục triệu. Nhưng giờ, cả tháng chẳng kiếm được khách nào giao dịch thành công, không có thu nhập tôi lại phải đi tìm việc mới", anh Cường, một người dân sống gần khu CNC Hòa Lạc thất thế trong nghề "cò đất" chia sẻ.
Trước đó, ở nhiều địa phương, xuất hiện hiện tượng tung tin không đúng sự thật về quy hoạch và phát triển dự án. Thậm chí lợi dụng những ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo nhà nước, tạo dựng tài liệu giả để tung tin, tạo sóng. Điều này tác động rất xấu đến lợi ích của các nhà đầu tư thiếu kiến thức, kinh nghiệm.
Hiện tượng rao bán đất không phù hợp với quy định pháp luật như: đất rừng, đất ruộng, vườn…. xuất hiện thường xuyên trên thị trường. Nhiều cò mồi thường xuyên quy tụ, tập hợp ở những khu vực này, tạo ra sự sôi động, tung nhiều thông tin không có cơ sở, đẩy giá lên từng giờ, từng ngày để lôi kéo các nhà đầu tư vào cuộc.
"Đây không phải lực lượng môi giới bất động sản chuyên nghiệp đang hoạt động tại các sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp, uy tín", Hội Môi giới bất động sản Việt Nam khẳng định.
Mới đây, UBND TP Hà Nội đã ban hành Văn bản tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố nhằm ngăn chặn tình trạng "sốt" đất trong thời gian gần đây.
Trong đó, UBND TP Hà Nội chỉ đạo, UBND các quận, huyện, thị xã có giải pháp ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu tư theo tâm lý đám đông... gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội địa phương và đời sống người dân; xử lý nghiêm các trường hợp môi giới, mua bán bất động sản, dự án bất động sản, quyền sử dụng đất, buông lỏng quản lý... vi phạm về đất đai, về kinh doanh bất động sản và pháp luật có liên quan.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận