Sốt đất ảo tại nhiều địa phương: Cảnh giác kẻo mất tiền oan!
Những thông tin từ việc mở đường, làm cầu, phân chia lại địa giới hành chính hay thành lập quận, huyện... vẫn luôn là “mồi ngon” cho giới đầu cơ tạo các cơn sốt nhà đất đánh vào tâm lý của người dân với mục đích kiếm lợi khủng. Hiện tượng “thổi giá” đất nhằm đầu cơ, trục lợi, gây tình trạng “sốt ảo”, tạo nhiều bức xúc trong dư luận, làm méo mó thị trường bất động sản, ảnh hưởng đến công tác quản lý Nhà nước và gây thiệt hại cho người dân và xã hội.
“Cuộc chơi” của giới đầu cơ đất
Giới đầu tư bất động sản chưa hết ngỡ ngàng với cú đánh úp của dân đầu cơ trong cơn sốt đất ăn theo thông tin đề xuất việc thành lập sân bay tại huyện Hớn Quản, Bình Phước. Trong những ngày qua các khu vực vùng ven TPHCM lại bắt đầu râm ran câu chuyện giá đất các huyện sẽ tăng mạnh sau khi có đề xuất chuyển đổi một số huyện thành quận. Cụ thể, mới đây, Sở Nội vụ TPHCM có tờ trình UBND Thành phố về công tác chuẩn bị xây dựng Đề án chuyển đổi một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030.
Đó là các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn và Nhà Bè. Đáng nói, tuy đề án chuyển đổi 5 huyện ngoại thành TPHCM lên quận mới chỉ là bước chuẩn bị, thế nhưng thông tin này ngay lập tức tác động đến giá nhà đất tại các địa phương.
Một trong những nơi đang có sự tác động mạnh về giá đó là huyện Cần Giờ. Đây cũng không phải lần đầu tiên khu vực này rơi vào cơn sốt đất sau khi có thông tin mới về dự án đầu tư vào đây. Sau một thời gian dài yên tĩnh, giá đất khu vực bắt đầu nhảy múa khi xuất hiện thông tin xây cầu thay cho phà Bình Khánh, nối Cần Giờ với huyện Nhà Bè.
Ngoài ra, tuyến vận tải hành khách đường thủy TPHCM - Cần Giờ - Vũng Tàu đã đi vào hoạt động, cũng góp phần tăng giá đất.
Và mới đây theo quyết định duyệt nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình ký vào cuối tháng 2.2021, khu đô thị lấn biển Cần Giờ rộng gần 3.000ha với 5 phân khu một lần nữa đã "thổi" giá nhà đất khu vực này tăng lên chóng mặt.
Theo thông tin thu thập tại nhiều đơn vị môi giới đất khu vực Cần Giờ cho thấy, giá đất Cần Giờ hiện nay đã tăng gấp nhiều lần so với các năm trước, một số vị trí đẹp, đất mặt tiền đường duyên hải, đoạn gần đường 30/4 giá đất đã hơn 30 triệu đồng/m2. Một số địa điểm khác như khu vực thị trấn Cần Thạnh còn có giá vượt ngưỡng 50 triệu đồng/m2. Phần lớn các giao dịch mua bán nhà, đất ở huyện Cần Giờ chủ yếu là đầu cơ chờ thời, việc mua nhà, đất để ở là không cao.
Anh Việt Dũng - Giám đốc một công ty môi giới cho nhà đầu tư săn đất Cần Giờ cho biết, mới đây thêm thông tin đề xuất lên quận càng kích thích dân đầu tư săn lùng đất nhiều hơn. Anh đưa ra ví dụ tại khu vực xã Long Hoà là một trong những nơi giá đất “sốt” nhất huyện vì cận kề dự án lấn biển của một tập đoàn lớn. Chỉ lô đất rộng 1.000m2 với 20m chiều ngang mặt tiền đường nhỏ, chủ đất ra giá hơn 12 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau khi có thông tin lên quận, ngày nào cũng có nhà đầu tư về xem đất thì chủ đất đã ngưng giao dịch và đang đề xuất cao hơn thêm vài tỉ đồng. Trong khi thực chất đây chỉ là đất trồng cây lâu năm.
So với Cần Giờ, các huyện còn lại như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh hay Nhà Bè, câu chuyện giá đất tăng sau mỗi đợt thông tin những địa phương này sẽ lên quận không còn mới mẻ. Những khu vực kề cận trung tâm TPHCM của huyện Bình Chánh như xã Bình Hưng, giá nhà đất giao dịch trung bình đã 90 triệu đồng/m2. Thậm chí, tại Khu dân cư Trung Sơn, giá giao dịch đã lên đến 130 triệu đồng/m2.
Các nhà đầu tư cho biết, mỗi khi rộ lên tin Bình Chánh sắp lên quận thì giá nhà đất khu vực này cứ vậy là thiết lập mặt bằng giá mới với mức tăng từ 20%-30% so với mức giá cũ. Đây là chiêu thổi giá muôn thuở của các dân đầu cơ. Các khu vực huyện Hóc Môn hay Củ Chi thì mặt bằng giá cũng rục rịch biến động tuy nhiên chưa ghi nhận sự đột biến nào.
Đừng để bị "móc túi" vì... tin đồn
Trước đề xuất đưa 5 huyện của TPHCM lên quận khiến giá nhà đất tăng, ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo lại đề án chuyển đổi từ 5 huyện sang quận, đồng thời Sở Nội vụ phải hoàn chỉnh đề án sau khi đã được Thường vụ Thành ủy góp ý và Ban chấp hành cho ý kiến. Sau đó, Sở Nội vụ trình lại cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét để phê duyệt đề án. Bởi nếu đưa ra thông tin không khéo sẽ tác động mạnh đến giá đất đai ở 5 huyện ngoại thành, ảnh hưởng nhiều đến thị trường bất động sản và đời sống người dân.
Người đứng đầu TPHCM đưa ra dẫn chứng, tại TP.Thủ Đức khi sáp nhập 3 quận, dù đời sống người dân chưa thấy gì thay đổi nhưng hiện nay tạo ra xáo động trong thị trường bất động sản ghê gớm, bởi có những miếng đất trước đó chỉ 40 triệu - 50 triệu đồng/m2, nay đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2.
Những thông tin từ việc mở đường, làm cầu, phân chia lại địa giới hành chính, thành lập quận, huyện... vẫn luôn là “mồi ngon” cho giới đầu cơ tạo các cơn sốt nhà đất kiếm lợi khủng.
Đã có quá nhiều bài học. Bước chân tới Nhơn Trạch (Đồng Nai), Cần Giờ (TPHCM) hay mới đây nhất là khu vực huyện Hớn Quản, Bình Phước sẽ chứng kiến cảnh đất ruộng, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản giá cao trên trời, đa số đều có chủ nhưng bỏ hoang. Tuy nhiên, không biết bao nhiêu người đã chôn vốn vào đây từ các thông tin cứ một năm vài lần được thổi ra rằng cầu Cát Lái (nối Nhơn Trạch với TPHCM), cầu Cần Giờ sắp khởi công hay đề xuất xây dựng một sân bay.
Có một thực tế là cho đến khi những thông tin kiểu này trở thành hiện thực, thị trường đã thiết lập một mặt bằng giá mới cao hơn rất nhiều, nhảy vào lúc này không cẩn thận là “ôm bom”. Bởi giới đầu cơ đã “làm bàn” trước đó chứ không bao giờ đợi đến ngày cầu, đường, quận hay thành phố chính thức thành hiện thực.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận