Sốt ảo và đầu cơ đất đai có dấu hiệu quay trở lại
Nhận định về xu hướng thị trường bất động sản năm 2022, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, hiện tượng sốt ảo giá đất đi đôi với hoạt động đầu cơ đã có dấu hiệu quay trở lại ngay trong hai tháng đầu năm 2022 và cần được các địa phương quan tâm, xử lý quyết liệt, kịp thời.
Các nhân tố tác động thị trường
Theo HoREA, trong năm 2022, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ chịu tác động trực tiếp từ các bất ổn địa chính trị và tranh chấp thương mại quốc tế, do nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng vào kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, bất động sản cũng phải chịu rủi ro từ vấn đề lạm phát và chỉ số CPI tăng cao. HoREA phân tích, các tác động khó lường từ bên ngoài và gói kích thích kinh tế, hỗ trợ an sinh xã hội giá trị hơn 350 nghìn tỷ đồng cũng gây ra rủi ro tiềm ẩn làm gia tăng lạm phát, tăng chỉ số CPI cao hơn mức mục tiêu trong năm 2022.
Tuy nhiên, việc phần lớn gói kích thích kinh tế dùng để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, trong đó có khoảng 15.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội và hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân lao động đã hạn chế "rủi ro" nguy cơ lạm phát.
Giao thông cũng là nhân tố giữ vai trò quyết định sự bứt phá của nền kinh tế và thị trường bất động sản trong thời gian tới. HoREA nhận định: "Các dự án phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng quốc gia, đặc biệt là các dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm như tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, tuyến cao tốc nối TP HCM đến Cà Mau và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh Tây Nguyên, vùng núi phía Bắc và các tuyến đường vành đai Thủ đô Hà Nội, TP HCM tạo điều kiện để phát triển kinh tế, phát triển đô thị, các khu dân cư mới và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường bất động sản hơn nữa kể từ năm 2022".
Đặc biệt, ngay trong hai tháng đầu năm 2022, "sốt ảo giá đất" đi đôi với hoạt động "đầu cơ" đã có dấu hiệu quay trở lại, vì vậy Hiệp hội cho rằng các địa phương cần quan tâm xử lý quyết liệt, kịp thời các "đầu nậu", "cò đất", "cò nhà", doanh nghiệp "bất lương" để ngăn chặn các hệ quả tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản.
Cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng vào năm 2022 Quốc hội sẽ xem xét các Đề án Luật Nhà ở (sửa đổi), Đề án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Đề án Luật Đất đai (sửa đổi), đồng thời sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật về quy hoạch.
Đặc biệt, Hiệp hội kỳ vọng Quốc hội sẽ xem xét lại và chấp thuận đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 535/TTr-CP ngày 01/12/2021 đề nghị công nhận trường hợp nhà đầu tư "có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở" vừa đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ, liên thông của pháp luật, vừa xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng, vừa tháo gỡ "ách tắc" cho các dự án khu đô thị, nhà ở có quy mô diện tích lớn, khắc phục tình trạng "lệch pha cung - cầu" trên thị trường và tình trạng thiếu hụt nhà ở có giá phù hợp với thu nhập của đông đảo người dân.
Theo HoREA mâu thuẫn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay và trong những năm tiếp theo là tình trạng lệch pha cung - cầu. Thị trường đang rất thiếu hụt nguồn cung nhà ở có giá phù hợp với thu nhập và nhà ở xã hội nhưng lại có dấu hiệu dư thừa nguồn cung nhà ở cao cấp, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng.
Bên cạnh đó, cơ chế chính sách và hoạt động điều hành thị trường tín dụng, thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính, nhất là việc thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và việc kiểm soát ngày càng chặt chẽ hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ sẽ tác động rất lớn, trực tiếp đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của thị trường bất động sản và cộng đồng doanh nghiệp.
Xu hướng thị trường bất động sản 2022
HoREA dự đoán, thị trường bất động sản năm 2022 có xu thể phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trở lại tại tất cả các phân khúc, nhưng chưa thể cải thiện được ngay nguồn cung sản phẩm nhà ở, nhất là nhà ở có giá phù hợp với thu nhập.
Tuy nhiên phân khúc nhà ở xã hội, nhà và phòng trọ cho công nhân, người lao động và hoạt động cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ sẽ có sự tăng trưởng rất mạnh trong năm 2022.
Phân khúc thị trường bất động sản công nghiệp, logistics được hưởng lợi do xu thế tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và nhờ nguồn vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng trưởng mạnh ngay từ đầu năm 2022.
Thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng sẽ có sự tái cấu trúc theo hướng nâng cao chất lượng, dịch vụ, tiện ích để phát triển bền vững và ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nước ta theo định hướng của Nghị quyết số 18-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận