menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Lê Nam

Sonos kiện Google

Sonos có thể là một thương hiệu còn lạ lẫm ở thị trường Việt Nam nhưng ở các nước, Sonos là một tên tuổi lớn trong lãnh vực loa di động kết nối bằng wifi từ khi loa di động bluetooth chưa phổ biến như hiện nay. Không những có âm thanh vượt trội, điểm mạnh của Sonos là phần mềm chạy trên điện thoại di động giúp kết nối các loa di động Sonos với mạng wifi trong nhà và từ điện thoại di động có thể điều khiển kết nối loa với các dịch vụ nghe nhạc, nghe radio phổ biến.

Để kết nối với các dịch vụ như Google Play Music của Google hay Apple Music của Apple, Sonos phải thương lượng với các nơi này, phải cung cấp bản vẽ chi tiết thiết kế các loại loa của họ, kể cả phần mềm điều khiển loa. Mỗi lần thương lượng xong một hợp đồng như thế Sonos xem như một thắng lợi vì có thể quảng bá “nay có thể nghe Apple Music trực tiếp trên Sonos”... Các hãng cũng muốn người dùng dịch vụ của mình kết nối dễ dàng vì không thể kết nối với loa Sonos cũng là điểm bất lợi có thể làm mất khách.

Bất ngờ tuần trước, Sonos tuyên bố kiện Google ở hai tòa liên bang, đòi bồi thường thiệt hại về mặt tài chính và cấm Google bán loa, điện thoại di động cũng như laptop ở Mỹ. Họ cáo buộc Google vi phạm 5 bằng sáng chế của họ, kể cả công nghệ kết nối các loa di động và đồng bộ hóa chúng với nhau. Sonos nói lẽ ra họ kiện cả Google lẫn Amazon vì cả hai đều vi phạm nhưng nguồn lực hạn chế buộc họ chọn một nơi để kiện mà thôi. Bản chất vụ kiện này cho thấy các công ty nhỏ phụ thuộc vào các gã công nghệ khổng lồ như thế nào, những tập đoàn công nghệ đã lợi dụng vị thế của họ để o ép các doanh nghiệp nhỏ ra sao.

Cả Google lẫn Amazon hiện đang sản xuất nhiều loại loa di động, giá lại thấp hơn loa Sonos nhiều, sử dụng công nghệ kết nối chẳng khác gì Sonos. Tính ra lượng loa Google và Amazon bán ra trong vài tháng còn cao hơn Sonos bán cả năm. Patrick Spence, Tổng giám đốc Sonos, cho báo chí biết họ nhiều năm phải nhường nhịn Google và Amazon, mặc dù biết cả hai nơi này vi phạm bản quyền nhưng đành im lặng vì sản phẩm Sonos quảng cáo trên Google và bán trên Amazon. Nay tức nước vỡ bờ họ đành phải kiện ra tòa. Trong một thông cáo báo chí, Spence cho biết: “Google đã trắng trợn và cố ý sao chép công nghệ đã được cấp bằng sáng chế của chúng tôi. Mặc dù nhiều năm nay chúng tôi nỗ lực liên tục và bền bỉ, Google cũng không nhiệt tình làm việc cùng chúng tôi để tìm giải pháp có lợi cho đôi bên. Chúng tôi không còn chọn lựa nào khác ngoài kiện tụng”.

Sonos hợp tác với Google vào năm 2013 thì hai năm sau, Google cho ra mắt thiết bị biến các loa cũ bình thường thành loa di động kết nối qua WiFi y như các loa Sonos. Một năm sau nữa Google tung ra loa di động Google Home đầu tiên, bắt đầu bán chạy hơn loa Sonos. Sonos mua loa Google Home về và phát hiện các thiết bị này sử dụng phương pháp kết nối và đồng bộ hóa của mình. Trong ba năm liên tục sau đó, Sonos thông báo cho Google biết chuyện vi phạm nhưng Google cứ phớt lờ.

Trong môi trường nước Mỹ và châu Âu tìm cách “quản lý” các doanh nghiệp công nghệ không để chúng tạo ra tình trạng độc quyền, bóp nghẹt sáng tạo, nhiều công ty nhỏ bắt đầu lên tiếng về những bất công họ phải gánh chịu nhiều năm nay. Tại châu Âu, Spotify cáo buộc Apple o ép ứng dụng Spotify trên điện thoại iPhone do Spotify cạnh tranh trực tiếp với Apple Music. Ví dụ, gõ vào ô tìm kiếm trên App Store từ “music” kết quả đầu tiên là Apple Music, sau đó là nhiều ứng dụng khác, đến thứ 11 mới có Spotify. Với 670 triệu đô la doanh thu Spotify có được thông qua ứng dụng trên App Store, Spotify phải chia cho Apple đến 23%! Spotify còn cáo buộc Apple ngăn chặn họ trên các thiết bị HomePod, Apple Watch... Blix, một công ty có ứng dụng tạo địa chỉ e-mail nặc danh cáo buộc Apple sao chép công nghệ của họ rồi đá họ ra khỏi App Store. Elastic, một công ty làm phần mềm kiện Amazon cũng về tội sao chép công nghệ.

Sonos còn cáo buộc Google ép họ phải tuân thủ các luật lệ hà khắc thì mới được sử dụng trợ lý ảo của Google trên sản phẩm của mình. Một trong những luật lệ đó đòi hỏi Sonos phải nộp cho Google thông tin về mọi sản phẩm dự tính tung ra sáu tháng trước ngày ra mắt. Như thế, Google dễ dàng nắm mọi thông tin cần thiết để đưa ra sản phẩm cạnh tranh.

Một viên chức trước đây làm trong lĩnh vực giám sát cạnh tranh cho rằng nỗi sợ hãi trả đũa là có thật vì nếu muốn, Google hay Amazon đều có thể chôn sống tên tuổi một doanh nghiệp hay một sản phẩm sâu thật sâu bên dưới các trang kết quả tìm kiếm. Sonos còn nói họ kiện không chỉ vì chuyện vi phạm bản quyền, họ kiện còn do Google và Amazon bán loa theo kiểu trợ giá vì loa không chỉ là nơi phát nhạc như Sonos, loa của họ còn giúp bán sản phẩm, chạy quảng cáo và thu thập dữ liệu.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại