Sóng tỷ giá và nỗi lo lạm phát
Viễn cảnh về đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) trong năm 2024 trở nên thiếu chắc chắn khi lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu “bật tăng” trong quí 1-2024. Áp lực tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng đi đôi với nỗi lo lạm phát đòi hỏi cần có các chính sách phù hợp.
Diễn biến căng thẳng của tỷ giá
Báo cáo quí 1-2024 Triển vọng kinh tế Việt Nam 2024: Giữ vững vĩ mô, tạo đà hồi phục (Báo cáo) vừa được Nhóm nghiên cứu vĩ mô của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố đã chỉ ra những dấu hiệu đáng lo về tỷ giá trong những tháng đầu năm 2024 và giai đoạn tiếp theo. Tính tới cuối tháng 4-2024, tỷ giá đã tăng tới 4,4% so với thời điểm đầu năm 2024.
Trong khi đó, lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu “bật tăng” trong quí 1-2024. Nước này lại đang ở thời điểm nhạy cảm trong cuộc đua giành chiếc ghế ông chủ Nhà Trắng. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhiều khả năng sẽ vẫn là lựa chọn của Fed.
Đồng đô la Mỹ mạnh đã và đang giúp nước Mỹ “xuất khẩu” lạm phát ra toàn thế giới. Hàng hóa được nhập khẩu vào Mỹ với giá rẻ hơn.
Như vậy, duy trì đô la mạnh như một bảo chứng cho vị trí nền kinh tế số 1 thế giới mang lại cho nước Mỹ lợi đơn lợi kép.
Nhiều chuyên gia dự báo, khả năng Fed tiến hành cắt giảm lãi suất thành ba đợt, với mức giảm tổng cộng 0,75 điểm phần trăm để lãi suất đô la cuối năm 2024 vào khoảng 4,6% như kế hoạch đã công bố khó xảy ra và đây cũng là một kịch bản mà chúng ta cần cân nhắc.
Trên quan điểm lãi suất quyết định giá trị đồng tiền, các chuyên gia của VEPR khẳng định, trong bối cảnh xuất siêu giảm, áp lực lên cung cầu ngoại tệ kéo dài còn các giải pháp hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối chưa đủ để ổn định tỷ giá, lãi suất sẽ là công cụ hiệu quả nhất.
Đối với Việt Nam, căng thẳng về tỷ giá đến từ cả những nguyên nhân nội tại. Theo các chuyên gia của VEPR, về lý thuyết, lãi suất là nhân tố quyết định hàng đầu đến giá trị đồng tiền. Kể từ năm 2022, lãi suất tiền đồng đã không còn cao hơn đô la. Đặc biệt, kể từ cuối năm 2023 đến nay, mức giảm giá của tiền đồng so với đô la càng nới rộng do lãi suất xuống mức “thấp nhất trong 20 năm”.
Một thực trạng khác cần phải được nhắc thêm: trong bối cảnh giá vàng thế giới phục hồi trở lại từ cuối tháng 2-2024, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng bị kéo giãn khiến một luồng ngoại tệ nhất dịnh đã chảy qua biên giới cho việc nhập lậu vàng làm tỷ giá trên thị trường không chính thức nóng lên. Giả định Việt Nam kiểm soát chặt biên giới và cân nhắc nhập khẩu vàng chính ngạch, áp lực tương tự vẫn sẽ xảy ra với tỷ giá. Có lẽ câu trả lời cho câu hỏi Việt Nam sẽ nhập khẩu hay không nhập khẩu vàng chỉ có thể được đưa ra sau khi các cơ quan quản lý hoàn tất thanh tra về thị trường vàng.
Trên lý thuyết, thặng dư thương mại sẽ làm giảm áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, xét theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 33,62 tỉ đô la trong khi nhập khẩu đạt 41,86 tỉ đô la, nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước 8,24 tỉ đô la. Rõ ràng, thặng dư thương mại phụ thuộc hoàn toàn vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nơi các doanh nghiệp có quyền chuyển lợi nhuận (bằng đô la) về nước, nghĩa là, thặng dư thương mại không nhất thiết tạo nên thặng dư cán cân thanh toán.
Mối quan hệ tỷ giá – lạm phát
Chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4-2024 tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 1,19% so với tháng 12-2023, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2024. Bình quân bốn tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023. Báo cáo nhận định, CPI bốn tháng đầu năm đã gần chạm ngưỡng mục tiêu 4-4,5% của cả năm 2024.
Theo các chuyên gia của VEPR, mặc dù lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát dưới ngưỡng mục tiêu, song có thể gia tăng trong thời gian tới, trong đó chi phí đẩy là yếu tố đáng quan tâm. Đây là câu chuyện liên quan tới tỷ giá.
Với một nền sản xuất nặng về gia công, nhập khẩu nhiều nguyên, vật liệu từ nước ngoài, khi tiền đồng bị mất giá so với đô la, chi phí nhập khẩu nguyên, vật liệu sẽ gia tăng. Ví dụ, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 25 tỉ đô la dầu thô và nhiên liệu (xăng, than, khí đốt), 16 tỉ đô la nguyên liệu hóa chất và chất dẻo, tám tỉ đô la nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Khi đô la tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu quy đổi ra tiền đồng cũng tăng, nhà sản xuất sẽ tìm cách đẩy phần chi phí tăng thêm này vào giá bán khiến người dân phải chi nhiều tiền hơn cho cùng một đơn vị sản phẩm. Điều này dẫn đến lạm phát.
Theo các chuyên gia của VEPR, dù Việt Nam có thể bình ổn được giá lương thực trong nước và kiểm soát được việc tăng giá các mặt hàng như điện, học phí và dịch vụ y tế, tỷ trọng các mặt hàng này trong rổ CPI không lớn. Vì vậy, nhóm tác giả kết luận, thận trọng với tỷ giá là không thừa để kiểm soát lạm phát trong năm 2024.
Một vài gợi ý
Trên quan điểm lãi suất quyết định giá trị đồng tiền, các chuyên gia của VEPR khẳng định, trong bối cảnh xuất siêu giảm, áp lực lên cung cầu ngoại tệ kéo dài còn các giải pháp hút thanh khoản hay bán dự trữ ngoại hối chưa đủ để ổn định tỷ giá, lãi suất sẽ là công cụ hiệu quả nhất. Vấn đề là khi lãi suất tăng, chi phí lãi vay của doanh nghiệp sẽ bị đẩy lên, giá thành hàng hóa, dịch vụ tăng, gây ra lạm phát.
Lời giải có thể đến từ nhận định của các chuyên gia VEPR về biên lãi thuần (Net Interest Margin – NIM) của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân. Theo đó, NIM của nhóm ngân hàng này tăng cao từ đại dịch Covid-19 và hai năm sau đó thậm chí còn cao hơn do chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân lớn hơn nhóm ngân hàng cổ phần nhà nước. Vậy nên, nếu các ngân hàng này lựa chọn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, dù mức lãi suất huy động có tăng, mức lãi suất cho vay có thể không cần phải tăng tương ứng.
Từ phía doanh nghiệp, cần gia tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều đơn vị sản phẩm trên cùng một mức đầu tư có thể giúp hạ giá thành hàng hóa, dịch vụ đến tay người tiêu dùng.
Ở tầm vĩ mô, xin được dẫn một trong những khuyến nghị chính sách của nhóm chuyên gia VEPR, chúng ta cần nâng cao mức độ độc lập tự chủ của nền kinh tế và của các doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời phát huy hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và khả năng hội nhập, tham gia sâu hơn nữa vào nền kinh tế toàn cầu, gia tăng giá trị nội địa trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu, từ đó nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh, mức độ đóng góp của xuất khẩu trong nền kinh tế. Ở thời điểm này, nền kinh tế rất cần những thay đổi để trụ vững.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận