24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoài Thơ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Sóng” tỷ giá (Kỳ II): Áp lực từ ngừng cho vay ngoại tệ

Theo các chuyên gia ngân hàng, việc ngừng cho vay ngoại tệ chỉ tạo áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn, song sẽ làm tăng chi phí vốn của doanh nghiệp.

Theo Thông tư 42/2018/TT-NHNN, đến hết ngày 30/9 tới, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay đến hết ngày 30/9/2019.

Vay ngoại tệ chạy… thời hạn

Trước đó từ ngày 1/4/2019, các TCTD cũng đã chấm dứt cho vay ngoại tệ ngắn hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa để phục vụ nhu cầu trong nước khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh để trả nợ vay theo Thông tư 42.

Thế nhưng, tín dụng ngoại tệ chẳng những không giảm, mà ngược lại còn tăng khá mạnh trong những tháng đầu năm nay. Theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam, tính đến ngày 17/4/2019, tín dụng ngoại tệ tăng tới 7,62% so với cuối năm 2018, gấp hơn 2 lần tốc độ tăng trưởng tín dụng chung là 3,23% và cao gần gấp 2,6 lần tốc độ tăng của tín dụng nội tệ là 2,93%. Tốc độ tăng trưởng này cũng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018.

TS. Cấn Văn Lực- Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho biết, sở dĩ tín dụng ngoại tệ tăng mạnh là do các doanh nghiệp đẩy mạnh vay ngoại tệ chạy trước thời hạn dừng cho vay ngoại tệ, khiến tốc độ tăng trưởng cho vay ngoại tệ quý 1/2019 tăng tương đối nhanh, khoảng 5-6%. Song, điều này không tác động lớn đến thanh khoản ngoại tệ do trong quý 1, hệ thống ngân hàng đã huy động được vốn ngoại tệ tương đối tốt, tăng khoảng 5%.

Phản ánh của các ngân hàng cũng cho thấy rõ điều đó khi tín dụng ngoại tệ ngắn hạn tăng nhẹ trong những tháng đầu năm nay chủ yếu là do các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu vay để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu trong nước và để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu.

Còn nhớ, đà tăng của tín dụng ngoại tệ những tháng đầu năm 2018, dù thấp hơn nhiều so với năm nay, song đã được NHNN xem như là một rủi ro dẫn tới việc cơ quan này đề xuất dừng cho vay ngoại tệ đối với 2 loại nhu cầu nêu trên.

Sức ép tỷ giá trong ngắn hạn

Theo các chuyên gia, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ sẽ buộc các doanh nghiệp có nhu cầu phải mua ngoại tệ để thanh toán tiền hàng hóa nhập khẩu, từ đó tạo áp lực đến cầu ngoại tệ trong ngắn hạn. Tuy nhiên xét về tổng thể, điều đó không làm thay đổi cầu ngoại tệ của nền kinh tế. Bởi nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hàng hóa trong nước đều không có nguồn thu ngoại tệ nên cũng không đủ điều kiện để được vay ngoại tệ từ các ngân hàng. “Trường hợp được vay ngoại tệ, thì trước sau những doanh nghiệp này cũng sẽ phải mua ngoại tệ để trả nợ. Có nghĩa, nhu cầu ngoại tệ là không đổi, chỉ có khác là nhu cầu này đến trước hay đến sau mà thôi”, một chuyên gia phân tích.

Ngoài ra, việc chấm dứt cho vay ngoại tệ có thể khiến các doanh nghiệp phải vay VND với lãi suất cao hơn khoảng 3-4%/năm để mua USD thanh toán cho các đơn hàng nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu cộng thêm rủi ro tỷ giá khi vay USD thì chi phí vay vốn VND của các doanh nghiệp cũng không tăng nhiều.

Về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, ông Phạm Hồng Hải- Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho rằng, việc đồng nhân dân tệ (CNY) mất giá mạnh so với USD, cùng với sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung, đã tác động tới tâm lý của nhà đầu tư, khiến tỷ giá USD/VND chịu sức ép tăng. Tuy nhiên, mức tăng của tỷ giá cũng chỉ khoảng 2-3% trong năm nay.

Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng duy trì quan điểm tỷ giá trong năm 2019 sẽ được giữ ổn định với mức mất giá dưới 2% khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao và NHNN có khả năng điều chỉnh được tỷ giá khi có những biến động bất ngờ.

Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng của BIDV khuyến cáo các doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến các rủi ro về tỷ giá bằng cách đa dạng hóa các loại tiền tệ để thanh toán, thay vì chỉ có USD. Đồng thời, doanh nghiệp nên sử dụng các sản phẩm phòng ngừa rủi ro tỷ giá của các ngân hàng, đặc biệt là các công cụ phái sinh, như các loại hợp đồng kỳ hạn, hoán đổi, quyền chọn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần bám sát thị trường, đa dạng thị trường hơn, bao gồm cả việc đẩy mạnh thị trường trong nước.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả