24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Hoàng Việt Nữ
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

“Sóng” thoái vốn mải lướt trên kỳ vọng

Thông tin thoái vốn nhà nước tại Dược Việt Nam, Viglacera, Bảo Minh nhận được sự quan tâm của dòng tiền khiến giá cổ phiếu xác lập đà tăng, nhưng khả năng thoái vốn thành công hay không lại chưa rõ ràng, phụ thuộc vào câu chuyện riêng của từng thương vụ.

Bấp bênh thoái vốn DVN

Tổng công ty Dược Việt Nam - CTCP (DVN) nằm trong danh mục 120 doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhà nước đến hết năm 2020 theo Quyết định 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Bộ Y tế sẽ thực hiện thoái 29% trên tổng tỷ lệ 65% vốn nhà nước nắm giữ tại DVN.

Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại DVN thu hút sự quan tâm của thị trường, bởi đây là doanh nghiệp dẫn đầu ngành dược, sở hữu nhiều thương hiệu dược có giá trị. Mặt khác, Tổng công ty có hàng loạt khoản đầu tư tài chính và liên kết với nhiều doanh nghiệp dược khác.

Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DVN được giao dịch sôi động trong hơn 1 tháng qua, thị giá có xu hướng tăng từ 11.000 đồng/cổ phiếu lên trên 14.000 đồng/cổ phiếu.

Dòng tiền chọn mua DVN được thúc đẩy bởi kỳ vọng tương lai do thực tế, hiệu quả sử dụng vốn tại doanh nghiệp này đang ở mức thấp.

Báo cáo tài chính riêng lẻ quý II/2020 cho biết, DVN đạt doanh thu 9 tỷ đồng, giảm 49% so với quý II/2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 50,8 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ hoạt động tài chính, trong đó lãi tiền gửi ngân hàng 17,5 tỷ đồng, cổ tức được chia gần 30 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DVN đạt 14,8 tỷ đồng doanh thu, 24,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 46% và 42,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm mới đạt 11,2%.

Về kết quả kinh doanh hợp nhất, các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2020 của DVN đều giảm so với cùng kỳ; trong đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 97,3 tỷ đồng, giảm gần 12%; lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) chỉ đạt 386 đồng.

Tính tới ngày 30/6/2020, DVN có giá trị sổ sách 11.881 đồng/cổ phiếu, hiệu quả sử dụng tài sản (ROA) là 3,24%, hiệu quả sử dụng vốn (ROE) là 6,68%, trong khi đó ROA và ROE tại Dược Hậu Giang (DHG) là 16,57% và 20,68%, Dược phẩm Imexpharm (IMP) là 9,81% và 11,64%…

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị DVN cho biết, trong 3 năm chờ Nhà nước thoái vốn, doanh nghiệp không thể đầu tư vào các công ty tiềm năng của ngành dược, bởi trong quá trình này, hoạt động mua bán cổ phần ngoài công ty thành viên là không được phép. Đây cũng là yếu tố khiến DVN khó tái cơ cấu, nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, động thái thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn sẽ tiếp tục hỗ trợ giá cổ phiếu bởi khi có cổ đông mới, các doanh nghiệp sẽ có động lực mới cải thiện hiệu quả hoạt động.

Một số đồn đoán đang cho rằng, cổ đông lớn thứ hai tại DVN hiện nay là Công ty cổ phần Tập đoàn Ðầu tư Việt Phương (Việt Phương) (hiện sở hữu 17%, tương ứng 40,29 triệu cổ phiếu) sẽ tham gia mua trọn lô 29% cổ phần Nhà nước thoái vốn.

Mặc dù vậy, giới phân tích nhận định, việc Bộ Y tế giữ lại 36% cổ phần vẫn có quyền phủ quyết các vấn đề trong Hội đồng quản trị DVN là một yếu tố hạn chế đối với Việt Phương.

Thêm vào đó, nếu Việt Phương mua cả 29% sắp thoái thì tỷ lệ sở hữu tại DVN vẫn chưa tới 51% - một tỷ lệ “lửng lơ”, chưa đủ nắm quyền chi phối. Đây là điểm khó có thể khiến nhà đầu tư lớn mặn mà.

Cổ đông lớn khác tại DVN là SAM Holdings, đang sở hữu 4,98% cho biết, Công ty quan tâm tới thương vụ thoái vốn nhà nước tại DVN và sẵn sàng tham gia, nhưng không chia sẻ cụ thể về dự kiến khối lượng sẽ mua.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp ngành dược chia sẻ, họ có quan tâm đến thương vụ thoái vốn tại DVN, nhưng mua không chi phối được doanh nghiệp thì cũng chỉ trở thành cổ đông thông thường, chờ cổ tức, nên không hấp dẫn.

Kịch bản kịch tính nhất của hoạt động thoái vốn tại DVN là khi Nhà nước quyết định thoái nốt 36% còn lại, nhưng kế hoạch này chưa được Bộ Y tế đề cập đến.

Tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán được biết, hiện tại, Bộ Y tế đã họp thẩm định Chứng thư thẩm định giá. Bộ Y tế đang thực hiện các bước tiếp theo để lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng phương án thoái vốn. Việc thoái vốn dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2020.

Nhà đầu tư thường cảm nhận cứ doanh nghiệp dược là “khấm khá” do chẳng ai đi mua thuốc mà lại mặc cả.

Nhưng cảm nhận này ngược với chia sẻ của đại diện DVN, rằng ngành dược gặp nhiều khó khăn, thách thức không chỉ vì Covid-19, mà yếu tố căn cơ hơn là vì 50% thị trường nguyên liệu và thuốc thành phẩm phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nguồn nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vốn chiếm hơn 80% tổng giá trị nguyên liệu dược phẩm nhập khẩu, trong khi giá nhiều nguyên liệu tăng cao, đặc biệt là các vitamin (tăng từ 30 - 40%), kháng sinh trị viêm đường hô hấp trên, paracetamol, cồn ethanol, cloramin B...

Một khó khăn khác của doanh nghiệp dược là công nợ của các bệnh viện thường lớn và kéo dài. Nếu hiểu thấu về ngành, không dễ mấy ai sẵn sàng rót vốn, tìm cơ hội thay đổi hiện trạng kinh doanh hiện tại.

Khi người mua lộ diện

Khác với sự bấp bênh của đợt thoái vốn DVN, ở một thương vụ khác, việc thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC) khá thuận lợi khi có nhà đầu tư chủ đích mua lớn để tăng tầm sở hữu.

Sau khi có thông tin về việc Bộ Xây dựng đang lên kế hoạch thoái vốn tại Tổng công ty Viglacera - CTCP (VGC), Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (GEX) ra thông báo chào mua công khai 95 triệu cổ phiếu VGC.

Đáng chú ý, GEX vừa nâng giá chào mua lên 21.500 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá chào mua cũ 21,5%.

Nếu giao dịch thành công, GEX sẽ tăng tỷ lệ sở hữu lên 46,15% vốn điều lệ VGC. Hiện tại, trong cơ cấu cổ đông của VGC có hai cổ đông lớn là Bộ Xây dựng sở hữu 38,58% và GEX sở hữu 24,96%.

Sức hấp dẫn của VGC đối với GEX được cho là quỹ đất khu công nghiệp. Theo báo cáo thường niên 2019, VGC có 20 năm kinh nghiệm phát triển hạ tầng tại Việt Nam với 11 khu công nghiệp, tổng diện tích 4.038 ha, có dư địa tiếp tục thu hút vốn đầu tư phát triển quỹ đất hiện hữu.

Trên sàn chứng khoán, từ ngày 30/7 đến 18/9/2020, giá cổ phiếu VGC tăng hơn 24%, tiến lên vùng giá cao nhất, sau khi có thông tin thoái vốn nhà nước và GEX chào mua công khai.

Một số đợt thoái vốn nhà nước gần đây tại AFX, TBD, FPT không có nhà đầu tư tham gia, nhưng thông tin thoái vốn vẫn tạo sóng.

Ở một doanh nghiệp khác, Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (BMI), thông tin thoái vốn nhà nước khiến giá cổ phiếu BMI tăng gần 26% từ ngày 31/7 đến 17/9, đạt trên 25.000 đồng/cổ phiếu, dù giới hạn sở hữu nước ngoài (room) 49% có thể là trở ngại đối với sự tham gia của nhà đầu tư ngoại.

Hiện cuộc đấu giá tại BMI chưa lộ diện người mua tiềm năng, nhưng tính tới 31/12/2019, cơ cấu cổ đông của BMI bao gồm SCIC sở hữu 50,7%, Tập đoàn Tài chính - Bảo hiểm AXA (Pháp) sở hữu 16,65%, Tập đoàn Chevalier (Hồng Kông) sở hữu 6,65% vốn điều lệ.

Tại Đại hội cổ đông năm 2020, BMI cho biết, Nhà nước sẽ thoái vốn thông qua đấu giá. SCIC đã gặp gỡ với một số nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa nhận được sự quan tâm rõ ràng về khả năng tham gia đấu giá cổ phần BMI.

Trong bối cảnh TTCK thiếu thông tin hỗ trợ, sóng thoái vốn vẫn tiếp tục hối thúc dòng tiền đầu tư, thu hút nhiều người tham gia.

Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào thoái vốn cũng sẽ thành công, bởi còn tuỳ thuộc vào mức giá thoái vốn, chất lượng tài sản, triển vọng hoạt động của doanh nghiệp cũng như diễn biến của TTCK.

Nhà đầu tư lướt theo loại sóng này cần lường trước khả năng thị giá thoái trào khi đợt chào bán buộc phải hủy bỏ.

Thực tế, khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo hủy phiên đấu giá trọn lô 17,9 triệu cổ phiếu, tương đương 51% vốn điều lệ Công ty Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (AFX) do không ai đăng ký mua (giá khởi điểm cao gấp 2,7 lần giá tại thời điểm công bố thông tin thoái vốn), mã này đã rơi mạnh thị giá. Sóng giá AFX “uốn” từ mức 8.300 đồng lên 12.000 đồng, rồi rơi xuống 7.800 đồng/cổ phiếu.

Hủy phiên đấu giá Thiết bị điện Đông Anh

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho biết sẽ không tổ chức phiên bán đấu giá trọn lô 13 triệu cổ phiếu, chiếm 46,5% vốn điều lệ Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh - CTCP (TBD) do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sở hữu vào ngày 28/9 tới. Lý do là đến hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký năng lực nhà đầu tư tham gia đấu giá (17h00 ngày 11/9), không có nhà đầu tư nộp hồ sơ. Được biết, giá khởi điểm trọn lô mà EVN đưa ra là 2.010 tỷ đồng, tương ứng giá khởi điểm 153.100 đồng/cổ phiếu.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả