'Sóng thần' tàn phá các kỳ lân tỷ USD: Nỗi sợ 'bong bóng Dotcom' tái hiện
Liên tiếp những cái chết của các kỳ lân tỷ USD như một đợt sóng thần tàn phá các startup trên toàn cầu. Điều này gợi nhớ đến thời kỳ bong bóng Dotcom từng khiến nền kinh tế Mỹ điêu đứng.
Kỳ lân “gãy cánh”
Những ngày vừa qua, thông tin WeWork, nhà cung cấp không gian làm việc chung đình đám, đang đứng trước nguy cơ phá sản đã khiến nhiều người bất ngờ. WeWork từng được xem là “siêu kỳ lân” của giới startup khi được SoftBank định giá 40 tỷ USD và đã từng chuẩn bị cho thương vụ IPO bom tấn vào năm 2019.
Kể từ giữa tháng 3/2023, giá trị giao dịch của cổ phiếu WeWork đã giảm xuống dưới 1 USD. Trong phiên giao dịch ngoài giờ ngày 8/8, giá cổ phiếu WeWork giảm 26%, xuống chỉ còn 15 xu/cổ phiếu.
Hoạt động kinh doanh của WeWork đã trì trệ và thua lỗ từ nhiều năm nay. WeWork đã lỗ ròng 2,3 tỷ USD trong năm 2022 và 700 triệu USD trong 6 tháng đầu năm 2023. Nợ dài hạn của WeWork đã lên tới 2,91 tỷ USD và giá trị vốn hóa thị trường hiện tại của startup này chỉ còn dưới 500 triệu USD.
WeWork đứng trước nguy cơ phá sản.
Nguyên nhân khiến WeWork rơi vào cảnh khó khăn một phần là do đại dịch Covid-19 khiến nhiều công ty chuyển từ thuê văn phòng sang làm việc từ xa. Ngoài ra, tình trạng suy thoái kinh tế hay các khoản chi tiêu quá tay cùng những lùm xùm đời tư của CEO Adam Neumann cũng góp phần làm ảm đạm thêm hoạt động kinh doanh của WeWork.
Không chỉ WeWork, nhiều startup kỳ lân cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thậm chí là bị “xóa sổ”. Vào tháng 6 vừa qua, IRL, startup từng có giá trị vốn hóa 1,2 tỷ USD, đã buộc phải giải thể sau khi vụ bê bối giả mạo số liệu người dùng được đưa ra ánh sáng.
IRL là ứng dụng mạng xã hội hướng dành cho giới trẻ và được kỳ vọng có thể thay thế Facebook. Ở thời kỳ đỉnh cao, IRL đã huy động được vốn từ SoftBank và nhiều quỹ đầu tư khác nhau như Founders Fund, Goodyear Capital và Floodgate Fund. IRL từng tuyên bố có khoảng 20 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.
Thế nhưng, con số 20 triệu này lại là lừa đảo. Trước những nghi ngờ của cộng đồng, IRL buộc phải thừa nhận rằng 95% người dùng của ứng dụng này là ảo. Hiện tại, ứng dụng này đã bị xóa khỏi App Store trong khi công ty giải thể và giám đốc điều hành Aaham Shafi từ chức.
Zume dừng hoạt động.
Một khoản đầu tư thất bại khác của SoftBank là Zume cũng buộc phải ngừng hoạt động. Startup kinh doanh bánh pizza bằng robot này từng là “điểm sáng” của giới đầu tư và được định giá 2,25 tỷ USD vào năm 2018. Tuy nhiên, việc vướng phải một số vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, cùng với nền kinh tế suy thoái đã khiến hoạt động kinh doanh của Zume gặp khó trước khi phải đóng cửa vì cạn vốn.
Bên cạnh những cái chết yểu, không ít startup kỳ lân bị cắt giảm định giá. Startup thẻ tín dụng Brex của hai CEO người Brazil là một ví dụ điển hình.
Từng được định giá lên tới 12,3 tỷ USD vào hồi tháng 1/2022, thế nhưng chỉ sau một năm, giá trị vốn hóa của startup này đã bốc hơi 50%, giảm xuống chỉ còn 6,4 tỷ USD. Hai CEO của Brex cũng ngậm ngùi rời khỏi danh sách tỷ phú với khối tài sản giảm từ 1,5 tỷ USD xuống còn khoảng 900 triệu USD.
Theo ước tính của Forbes, vào tháng 3/2022, 44 startup kỳ lân trên toàn cầu sở hữu tổng tài sản trị giá 190 tỷ USD. Nhưng sau những “trận rung lắc” trên thị trường, gần 100 tỷ USD đã bị cuốn bay, khiến 12 CEO của các startup này không còn là tỷ phú.
Đằng sau bữa tiệc tàn của những "chú kỳ lân"
Trong những năm qua, thị trường startup toàn cầu bùng nổ với khoảng 249 công ty được xếp vào danh sách kỳ lân, tức là có vốn hóa hơn 1 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường startup kỳ lân cũng nhanh chóng đối mặt với làn sóng thoái trào vào năm 2022.
Bloomberg cho hay, số lượng các công ty chưa niêm yết có giá trị từ 1 tỷ USD trở lên đang giảm mạnh trên toàn thế giới. Tâm lý e ngại của các nhà đầu tư trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu khiến số lượng startup kỳ lân mới mỗi tháng hiện giảm khoảng 80% so với mức cao nhất vào năm 2021, theo dữ liệu từ PitchBook. Đối với nhiều người, bong bóng kỳ lân chính thức tan vỡ.
Số lượng các startup kỳ lân sụt giảm.
Thời kỳ tiền rẻ, bắt đầu từ năm 2008 và kết thúc vào năm 2022, là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn của các startup kỳ lân.
Nếu như trong năm ngoái, các startup dễ dàng kêu gọi vốn và tăng trưởng mà không cần đến kế hoạch dự phòng thì năm nay, các đợt tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tác động đến môi trường gây quỹ của các startup kỳ lân.
Khi nhiều ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất, các nhà đầu tư đã tiếp cận thị trường một cách thận trọng hơn, dẫn đến nguồn vốn rót vào các startup ngày càng nhỏ giọt.
Chỉ tính riêng tại thị trường Mỹ, tổng số tiền mà các nhà đầu tư mạo hiểm tại đây chi ra trong tháng 4 đến tháng 6 năm nay là 39,8 tỷ USD, giảm tới 48%. Và thời điểm hết vốn cũng là lúc các startup chính thức dừng cuộc chơi.
Trong khi một số startup chết vì cạn vốn, số khác lại “sớm nở tối tàn” vì tăng trưởng quá nhanh. Nhờ huy động được nguồn vốn nhanh chóng, nhiều startup kỳ lân đã mạnh tay “đốt tiền” trong giai đoạn đầu và mù quáng theo đuổi sự tăng trưởng không bền vững.
“Phần lớn sự tăng trưởng của các startup kỳ lân trong 5 năm qua là: Các nhà đầu tư sẽ cung cấp cho bạn nhiều tiền hơn startup muốn nhưng đổi lại, startup phải phát triển nhanh nhất có thể bằng mọi giá”, ông Kyle Stanford, nhà phân tích VC cấp cao của PitchBook cho biết. Mô hình kinh doanh thiếu bền vững, kết hợp với dòng vốn cạn kiệt sẽ đẩy các startup đến một kết cục định sẵn là đóng cửa.
Bong bóng Dotcom lặp lại
Sự phát triển quá nhanh mà không bền vững của nhiều startup gợi nhớ đến bong bóng Dotcom, một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính lớn toàn cầu trong thập niên 90 của thế kỷ XX.
Bong bóng Dotcom bắt nguồn từ sự ra đời của World Wide Web vào năm 1989. Khi đó, kỷ nguyên mới của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Internet và công nghệ đã góp phần không nhỏ vào sự thịnh vượng của nền kinh tế Mỹ.
Liên tiếp những công ty công nghệ như Microsoft, Netscape Communication ra đời, biến Internet thành một mỏ vàng thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt sự kiện IPO vào năm 1995 của Netscape đẩy định giá của công ty lên đến 2,7 tỷ USD đã tạo ra một tiền lệ, khiến các công ty công nghệ thời bấy giờ đua nhau IPO lên sàn chứng khoán.
Bong bóng Dotcom khiến nền kinh tế Mỹ rúng động.
Vì nỗi sợ bỏ lỡ, các nhà đầu tư sẵn sàng đổ tiền vào những đợt IPO của bất kỳ công ty công nghệ nào mà không màng đến hoạt động kinh doanh hay doanh thu của công ty đấy.
Và cũng giống như nhiều startup hiện nay, thay vì sử dụng nguồn vốn đã có để xây dựng kế hoạch kinh doanh thì nhiều công ty công nghệ vào thời đó lại dùng tiền để quảng cáo thương hiệu nhằm tiếp tục thu hút các nhà đầu tư mới. Chính vì thế, dù liên tiếp nhận được đầu tư nhưng thực chất các công ty này gần như không có lợi nhuận.
Bong bóng Dotcom chỉ chấm dứt khi Fed nhận ra rằng nền kinh tế Mỹ đang trải qua “sự thịnh vượng bất thường” và bắt đầu tăng lại lãi suất ngân hàng. Đi cùng với đó là những hoài nghi về sự phát triển không bền vững của các công ty công nghệ dần được nhen nhóm khiến dòng tiền đầu tư dần rời khỏi thị trường. Như một hiệu ứng cánh bướm, các công ty Dotcom từng được định giá lên tới hàng trăm tỷ USD lần lượt sụp đổ, đặt dấu chấm hết cho một thời kỳ phát triển bong bóng.
Bài học từ bong bóng Dotcom và những cái chết gần đây của các startup kỳ lân đã chứng minh một thực tế rằng không có một doanh nghiệp nào có thể tồn tại nhờ sự thịnh vượng hão huyền mà không có kế hoạch phát triển bền vững. Những định giá tỷ USD hay vẻ ngoài hào nhoáng không đảm bảo cho sự thành công lâu dài trong tương lai.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận