Sòng phẳng thuế xăng dầu
Đại diện một doanh nghiệp vận tải chia sẻ với tôi, chi phí xăng dầu cho một xe container từ TP HCM ra Hà Nội và ngược lại hiện đã chạm 50 triệu đồng, tăng gần gấp đôi so với cuối năm ngoái.
Chi phí cầu đường, ăn uống cho tài xế cũng tăng. Anh nói, nếu không nâng giá cước chở hàng, doanh nghiệp vận tải buộc phải ngừng hoạt động. Còn tăng cước, giá hàng hóa ra Bắc vào Nam tiếp tục "leo thang".
Ở Hà Nội, tôi biết rõ giá hàng hóa từ rau quả, thực phẩm đến dịch vụ tháng này đã cao hơn tháng trước. Các bà nội trợ đã thắt lại chi tiêu; nhân viên công sở nhiều người chuyển từ ôtô riêng sang đi xe máy, từ xe máy sang xe buýt... Giá xăng ngấm vào mọi ngóc ngách đời sống, từng ngày từng ngày một.
Đầu tháng 1/2022 giá xăng E5RON92 còn ở 23.159 đồng/lít, đến ngày 21/6 năm nay đã "nhảy" lên 31.300 đồng, tăng 35,2%. Cùng thời gian trên xăng RON95 biến động mạnh hơn, từ 23.876 đồng/lít lên 32.870 đồng, tăng 37,7%.
Tháng 6/2008, khi giá dầu thô quốc tế chạm mức cao nhất lịch sử, hơn 147 USD Mỹ/thùng, giá xăng bán lẻ trong nước vượt 19.000 đồng/lít. Giờ giá dầu thô thế giới quanh 110 USD Mỹ/thùng, thấp hơn giá đỉnh, giá xăng trong nước gần 33.000 đồng/lít - một sự chênh lệch quá lớn.
Xăng dầu tăng giá, người dân "thắt lưng buộc bụng", dè xẻn chi tiêu và bớt sử dụng dịch vụ; doanh nghiệp điêu đứng. Nhưng hiện nay, mỗi lít xăng đến tay người dùng được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt khoảng 10%, thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900 - 2.000 đồng (sau khi đã giảm). Ước tính tỷ trọng thuế trong cơ cấu giá xăng dầu khoảng 30%.
Khi giá xăng trên dưới 23.000 đồng/lít, 30% thuế các loại, cộng các chi phí định mức, chi phí vận chuyển khác... tính ra là 7.000 đồng/lít. Nay giá xăng gần 33.000 đồng/lít, tổng tiền thuế phí xấp xỉ 10.000 đồng/lít. Đầu năm xây dựng dự toán thu ngân sách, Bộ Tài chính lấy mức giá dầu thô quốc tế 60 USD Mỹ/thùng. Năm tháng đầu năm nay giá dầu thô thế giới bình quân 99 USD Mỹ/thùng như dữ liệu tính toán của Bộ. Nhưng Bộ vẫn đắn đo việc giảm ba loại thuế kể trên.
Cuối quý 1/2022, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế môi trường 2.000 đồng/lít xăng và được Quốc hội chấp thuận áp dụng từ đầu tháng 4. Mới đây, Bộ đề xuất giảm tiếp thuế môi trường thêm 1.000 đồng/lít. Bộ đã chọn giảm loại thuế thu theo số tuyệt đối, chứ không giảm mức thuế; nên tính ra không giảm được bao nhiêu.
Lý do không giảm ba loại thuế còn lại, được Bộ Tài chính nhấn mạnh, là ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tuy nhiên thu ngân sách từ xăng dầu chỉ giảm trong hai trường hợp, hoặc giá xăng dầu giảm, hoặc tổng lượng tiêu thụ xăng dầu của cả nước đi xuống. Bộ Công thương ước tính nhu cầu xăng dầu năm nay khoảng 20,6 triệu m3 và về dài hạn tăng khoảng 4-6% mỗi năm. Cả hai yếu tố đều thuận lợi, đã và đang tăng.
Thêm nữa, Bộ Tài chính vừa công bố đến ngày 5/6, thu ngân sách đã đạt 825.100 tỷ đồng, bằng 58,4% dự toán năm và cao hơn nhiều cùng kỳ năm ngoái. Thời gian còn gần bảy tháng cho số thu ngân sách bằng 41,6% dự toán năm là một dư địa rộng rãi để thực hiện.
Do tầm quan trọng tối cao của giá xăng dầu trong việc kiềm chế lạm phát và để đảm bảo đo lường chính xác nhất có thể mức lạm phát thật, nhằm giúp Chính phủ và các bộ, ngành khác có quyết sách phù hợp trong điều hành nền kinh tế, an sinh xã hội, Bộ Tài chính nên công khai minh bạch số thu ngân sách từ xăng dầu từng quý, dự toán thu cả năm cũng như dự báo số thu trong thời gian còn lại của năm từ nguồn này. Việc công khai sẽ tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và Quốc hội hiểu đúng, đánh giá đúng sự cần thiết điều chỉnh các yếu tố cấu thành giá bán lẻ xăng dầu, trong đó có các sắc thuế.
Xăng dầu như là huyết mạch của nền kinh tế. Giá xăng dầu liên tiếp lập đỉnh đang khiến mạch máu nghẽn lại, đẩy hàng nghìn doanh nghiệp vào nguy cơ hoạt động cầm chừng hoặc dừng hẳn. Mới đây, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, khoảng một nửa tàu cá khai thác thủy sản tại các địa phương phải ngừng hoạt động do giá xăng dầu tăng cao. Vừa trải qua đại dịch, doanh nghiệp lại tiếp tục vật lộn với giá xăng dầu, nguyên liệu. Dù không muốn, doanh nghiệp không còn cách nào khác ngoài thu hẹp lợi nhuận, tiết giảm chi phí, trong đó có chi phí tiền lương cho người lao động. Hậu quả là doanh nghiệp nộp thuế ít hơn. Thu nhập giảm khiến người lao động thắt hầu bao. Nếu không có quyết sách đặc biệt, kinh tế sẽ đình trệ, khó phục hồi và suy thoái không phải không nằm trong kịch bản xấu.
Cách tốt nhất để thu ngân sách bền vững là nuôi dưỡng các nguồn thu. Tận thu, củng cố ngân sách có thể mang lại cái lợi trước mắt nhưng sẽ kéo theo cái hại lâu dài.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận