Sóng nhiệt ở Đông Âu, nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu
Mùa Hè năm 2024 là thời điểm đặc biệt nóng và khô ở Đông Âu. Tình trạng khan hiếm nước đang khiến mùa màng thất bát và làm gián đoạn chuỗi cung ứng nông nghiệp. Liệu đây có phải là nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng lương thực mới?
Tại Ukraine, một trong những nước xuất khẩu ngô chủ chốt của thế giới, nhiệt độ trong tháng 7/2024 đã tăng vọt lên trên 38 độ C (100 độ F), một điều bất thường đối với khu vực này.
Tình trạng hạn hán kéo dài nhiều tháng ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của cây ngô tại nước láng giềng Romania, một trong những quốc gia cung cấp ngô chính của Liên minh châu Âu (EU).
Phát biểu với hãng tin Bloomberg đầu tháng 8/2024, bà Tetiana Adamenko, chuyên gia bộ phận nông nghiệp tại Trung tâm Khí tượng Thủy văn Ukraine cho biết: “Suốt 10 ngày trong tháng Bảy, chúng tôi quan sát thấy nhiệt độ liên tục ở mức trên 35 độ và ong không thể thụ phấn ở nhiệt độ này”. Theo bà Adamenko, các ước tính sơ bộ cho thấy thu hoạch ngô của Ukraine trong vụ mùa năm nay sẽ “thấp hơn 20 đến 30% so với dự kiến”.
Trong khi đó, phát biểu với hãng thông tấn quốc gia AGERPRES, Bộ trưởng Nông nghiệp Romania Florin Barbu cho biết nước này đang lên kế hoạch đề nghị EU hỗ trợ tài chính hơn 500 triệu euro (546 triệu USD) để bù đắp thiệt hại cho nông dân Romania do hơn 2 triệu héc-ta ngô và hướng dương bị mất mùa.
Các nhà buôn lương thực, ngũ cốc vẫn tỏ ra bình tĩnh. Đức, quốc gia nhập khẩu nhiều ngũ cốc không bị ảnh hưởng lớn do tình trạng mất mùa ở Đông Âu, vì chủ yếu Đức nhập khẩu từ các nước láng giềng EU. Ukraina, quốc gia Đông Âu và ngoài EU duy nhất, chỉ đứng thứ tư trong danh sách nhập khẩu của Đức.
Mặc dù vậy, nhà phân tích thị trường Steffen Bach tại Kaack Terminhandel, một tổ chức dịch vụ tài chính ở Cloppenburg, Đức, cho biết một số quốc gia thành viên EU đã cảm nhận được nguồn cung ngô từ phương Đông đang thắt chặt.
Phát biểu với tổ hợp truyền thông DW của Đức, ông Bach nói: “Tây Ban Nha, quốc gia có truyền thống mua số lượng lớn từ Biển Đen, bị ảnh hưởng lớn”, đó là lý do tại sao toàn bộ EU sẽ cần nhập khẩu thêm ngô từ nơi khác.
Theo ông Bach, chưa có vấn đề khẩn cấp nào về nguồn cung. Hiện tại nguồn cung ngô toàn cầu rất lớn trên Sàn Thương mại Chicago (CBoT), sàn giao dịch kỳ hạn lâu đời nhất trên thế giới, nơi giá ngô đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần bốn năm và chỉ hồi phục đôi chút kể từ mức này.
Strategie Grains, một cơ quan châu Âu thuộc văn phòng nghiên cứu và phân tích Tallage, cũng không tỏ ra quá lo lắng vào lúc này. Mặc dù dự kiến thu hoạch ngô niên vụ 2024-2025 của Romania sẽ thấp hơn khoảng 25%, nhưng nhà cung cấp dữ liệu kinh doanh nông nghiệp độc lập này chỉ hạ thấp triển vọng đối với EU một chút trong báo cáo mới nhất của mình.
Nhiệt độ đã đạt mức cao kỷ lục ở một số thành phố của Ukraine trong tháng 7 vừa qua, trong khi Bulgaria và Romania đều có tháng 6 nóng kỷ lục. Chính phủ Romania tuần trước đã cảnh báo rằng nhiệt độ có thể tăng lên trên 40 độ C, Bộ trưởng Năng lượng Sebastian Burduja nói rằng điều này gây nguy hiểm không chỉ cho nông nghiệp mà còn cả nguồn cung năng lượng.
Trong một báo cáo, Bloomberg dẫn lời một chủ nông trại tại Romania, ông Marius Somesan từ hạt Teleorman, nói rằng không chỉ lượng mưa bị thiếu mà bây giờ là lượng nước dự trữ trong đất đang cạn kiệt. Ông nói: “Thực vật đã hút hết nước, thậm chí sâu đến một mét trong lòng đất”.
Vấn đề phức tạp nhất của nông dân Đông Âu là cuộc xung đột tại Ukraine, khiến việc xuất khẩu ngũ cốc và ngô của họ trên các tuyến hàng hải trên Biển Đen trở nên khó khăn hơn.
Nhà phân tích thị trường Steffen Bach cho biết, những nỗ lực ngoại giao đã có kết quả khi tạo ra một hành lang vận chuyển trên tuyến đường thủy an toàn. Ông nói: “Gần một năm qua, hành lang vận chuyển vẫn hoạt động bình thường mà không gặp vấn đề gì lớn”. Chỉ có một điều quan trọng là “chi phí vận chuyển và phí bảo hiểm cao hơn” đối với nông dân trong khu vực.
Mặc dù giá lương thực toàn cầu vẫn bình ổn trước đợt nắng nóng ở Đông Âu, nhưng một số bất ổn tiếp tục tồn tại trên thị trường, khiến các nhà giao dịch cảnh giác: Việc vận chuyển qua hai tuyến đường quan trọng nhất thế giới phần lớn vẫn bị suy giảm.
Trong khi mực nước thấp ở Kênh đào Panama đã cản trở việc đi lại của các con tàu lớn hơn trong một thời gian, Kênh đào Suez đã trở thành mục tiêu tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen sau khi căng thẳng bùng nổ ở Gaza.
Nhà phân tích Bach của Kaack đã nhận thấy sự thay đổi trong chuỗi cung ứng thực phẩm toàn cầu. Ông nhận định: “Thương mại nông nghiệp quốc tế đã ứng phó với những tổn thất đáng lo ngại và mua thêm nhiều ngô ở Mỹ. Trong 6 tuần đầu năm nay, hơn 270.000 tấn ngô đã được vận chuyển từ Mỹ vào EU, lớn hơn gấp đôi trong cả vụ mùa 2023-2024”.
Đối với EU và đặc biệt là Đức, việc này báo hiệu hai điều: “Nông dân sản xuất ngô có thể kỳ vọng giá sẽ tăng, trong khi người chăn nuôi phải dự đoán giá thức ăn chăn nuôi sẽ cao hơn do giá ngô chắc chắn sẽ tăng”. Tuy nhiên, ông không dự báo về khả năng “giá tăng vọt” giống như từng xảy ra trong cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu vài năm trước.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận