"Sóng ngầm" trong cuộc chạy đua vũ trang ở Biển Đông
Chuyên gia Nan Tian, nhà nghiên cứu cấp cao về chi tiêu quân sự tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), ngày 25/4 cho rằng Biển Hoa Nam (Biển Đông) đối mặt với nguy cơ gia tăng xung đột vì cuộc chạy đua vũ trang ở mức “đáng báo động”. Bối cảnh của những nhận xét đáng lo ngại này là các báo cáo ghi nhận rằng trong năm 2021, chi tiêu quân sự trên toàn thế giới lần đầu tiên vượt qua con số 2.000 tỷ USD.
Chia sẻ trong chương trình “Squawk Box Asia” của CNBC, chuyên gia Nan Tian nói: “Khu vực Biển Đông đang được trang bị vũ khí ở mức đáng báo động. Các quốc gia 'ăn miếng trả miếng'. Khi một quốc gia tăng mua sắm vũ khí, quốc gia khác cũng có động thái tương tự”. Theo chuyên gia này, việc Trung Quốc tăng chi tiêu quân sự khiến các nước láng giềng có "nhận thức về mối đe dọa lớn hơn”, và “điều này khiến các quốc gia và vùng lãnh thổ lân cận như Singapore, Nhật Bản, Australia và Đài Loan mua rất nhiều công nghệ mới, như tàu ngầm hạt nhân và các hệ thống tên lửa đạn đạo có tầm bắn chính xác”. Nan Tian cũng đề cập đến mối đe dọa mà Triều Tiên gây ra đối với khu vực và thế giới. Ông nói: “Triều Tiên đang thử nghiệm và phát triển vũ khí hạt nhân, đây là mối quan tâm lớn hơn không chỉ của khu vực mà còn của toàn thế giới”. Theo chuyên gia Tian, một lượng lớn nguồn lực tài chính đang được phân bổ cho các lực lượng quân sự ở khu vực Biển Đông, làm gia tăng nguy cơ nảy sinh những tính toán sai lầm.
Về tổng chi tiêu quân sự, chuyên gia Tian cho biết trên toàn cầu, tổng chi tiêu quân sự lần đầu tiên vượt con số 2.000 tỷ USD. Trung Quốc và Ấn Độ là 2 trong số 3 quốc gia chi tiêu quân sự nhiều nhất trong năm 2021, chỉ sau Mỹ - quốc gia có mức chi tiêu quốc phòng lớn nhất. Anh và Nga lần lượt là những nước chi tiêu quốc phòng nhiều thứ 4 và thứ 5. Các quốc gia này chiếm tới 62% tổng chi tiêu quân sự của thế giới năm 2021.
Chi tiêu quốc phòng toàn cầu đã tăng trong 7 năm liên tiếp. Theo chuyên gia Tian, “điều này cho thấy dù thế giới đang trong thời kỳ suy thoái kinh tế, giá dầu nhiều biến động hay thậm chí là đại dịch, chi tiêu quân sự vẫn nhất định tăng lên và tăng bền vững”. Chi tiêu quân sự vượt xa chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe hoặc giáo dục. Theo ông, cuộc chiến tại Ukraine sẽ càng làm tăng chi tiêu quân sự.
Đức, Thụy Điển và Romania đã công bố tăng chi tiêu quốc phòng nhiều hơn nữa. Chuyên gia của SIPRI nhấn mạnh: “Các quốc gia này sẽ tìm cách hiện đại hóa quân đội, mua thêm hệ thống vũ khí, trang thiết bị và điều này có nghĩa là sẽ có nhiều đơn đặt hàng hơn cho các công ty sản xuất vũ khí lớn nhất, như Lockheed Martin, Boeing và tập đoàn BAE”.
Tuy không quá lo ngại về nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân gia tăng trong bối cảnh hiện nay, song Nan Tian cảnh báo về sự phổ biến vũ khí thông thường. Ông nói: “Rất khó để đánh giá về việc phổ biến vũ khí hạt nhân bởi Liên hợp quốc vẫn còn kiểm soát rất chặt chẽ. Tuy nhiên, các loại vũ khí như máy bay chiến đấu, tàu ngầm và các hệ thống phòng không hoặc tên lửa chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến hóa”. Điều quan trọng là phải mở rộng cơ chế không phổ biến vũ khí đối với các loại vũ khí thông thường. Chuyên gia SIPRI nhấn mạnh: “Các tổ chức như Liên hợp quốc phải ràng buộc các quốc gia thành viên cam kết không phổ biến vũ khí hạt nhân và cả vũ khí thông thường. Tránh để những khoản gia tăng chi tiêu quân sự này vượt quá tầm kiểm soát, kéo theo nguy cơ xung đột vũ trang”.
Theo CNBC
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận