"Sóng ngầm" trên thị trường chứng khoán Việt
Dấu ấn Hàn Quốc trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày một lớn đồng nghĩa với áp lực ngày một đè nặng lên các công ty chứng khoán nội trong cuộc chiến giữ thị phần.
Dấu ấn nhà đầu tư Hàn Quốc trên thị trường chứng khoán Việt Nam
Câu chuyện The Kwangju Bank mua lại Công ty chứng khoán Morgan Stanley Gateway còn chưa hết nóng, một tổ chức tài chính Hàn Quốc khác là Asam Asset Management vừa mua lại hơn 65% cổ phần chứng khoán SJCS.
Với 2 thương vụ thâu tóm công ty chứng khoán Việt Nam kể trên. Tổng số công ty chứng khoán Hàn Quốc hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam lúc này đã lên con số 8 bao gồm: Chứng khoán KIS, Chứng khoán Mirae Asset, Chứng khoán Pinetree (tiền thân HFT, được Hanwha mua lại), Chứng khoán KB Việt Nam (tiền thân chứng khoán Maritime), Chứng khoán Shinhan Việt Nam (tiền thân là Công ty Chứng khoán Nam An), Chứng khoán NH (tiền thân chứng khoán Woori CBV) và 2 thương vụ mới đây gồm Chứng khoán JB Việt Nam và Chứng khoán SJCS.
Nhiều cái tên có vẻ xa lạ với nhà đầu tư Việt Nam nhưng đây đều là các tổ chức tài chính rất có tiềm lực tại Hàn Quốc và chỉ vài cái tên này đã đủ tạo nên sự thay đổi cục diện lớn trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bắt đầu từ nhiều năm trước, phim Hàn, nhạc Hàn và cả ẩm thực Hàn đã tạo ra làn sóng Hallyu chiếm lĩnh một phần giá trị lớn trong cuộc sống người dân Việt. Tuy nhiên, không chỉ những ai thích xem phim, nghe nhạc hay ăn ngon thấy mình được hưởng lợi từ những gì xứ sở kim chi đã mang đến, những nhà đầu tư chứng khoán Việt Nam cũng đang "thơm lây" với sự hiện diện của cái tên Hàn Quốc trong lĩnh vực chứng khoán.
Thế nhưng, dấu ấn Hàn Quốc trên thị trường chứng khoán Việt Nam ngày một lớn đồng nghĩa với áp lực ngày một đè nặng lên các công ty chứng khoán nội trong cuộc chiến giữ thị phần. Thống kê trong 3 năm qua, doanh thu môi giới của các công ty chứng khoán ngoại tăng nhanh chóng từ 4,6% lên 12% và trong danh sách top 10 thị phần giờ cũng đã chứng kiến những cái tên như Mirae Asset hay KIS.
Thời gian qua, có trường hợp gần như nhân sự của cả một chi nhánh công ty chứng khoán nội chuyển sang làm cho công ty chứng khoán ngoại. Với sự tham gia của dòng vốn nước ngoài, cuộc cạnh tranh giờ không chỉ là vấn đề thị phần, mà còn là cuộc chiến khốc liệt giữ chân nhân sự, đồng nghĩa là giữ chất xám, thông tin và tập khách hàng.
Hiện thị trường Việt Nam có khoảng gần 80 công ty chứng khoán, nhưng theo thống kê thị phần bán niên 2020 của 10 công ty chứng khoán dẫn đầu, loại trừ đi Mirae Asset, con số thị phần nhóm 9 công ty Việt nắm giữ đã vào khoảng 60%. Điều đó có nghĩa là có rất nhiều công ty chứng khoán nội lúc này "hoạt động" theo kiểu đang phải "dùng máy thở", nhưng họ vẫn có lý do để tồn tại, đó là chờ bán mình. Nếu kinh doanh bết bát thì bán cũng rất được giá vì hiện nay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không cấp mới giấy phép thành lập công ty chứng khoán.
Theo chia sẻ của thành viên thị trường, giá mua giấy phép của một công ty chứng khoán nhỏ hiện nay thấp nhất cũng phải 25 tỷ - 30 tỷ chưa kể các khoản tài sản khác. Một bên là rất nhiều công ty đang thoi thóp, một bên là lượng nhà đầu tư Hàn Quốc sẵn tiền lại đang rất quan tâm đến chứng khoán Việt Nam. Sự có mặt của các tổ chức tài chính xứ sở kim chi sẽ không chỉ dừng ở con số 8 như hiện nay. Vậy các công ty nội có chiến lược gì để cạnh tranh với "làn sóng Hallyu" chứng khoán từ Hàn Quốc này.
Cắt phí margin - Chiến lược cạnh tranh "bất đắc dĩ" của nhiều công ty chứng khoán nội
Vũ khí cạnh tranh chính như chia sẻ của một trong số các công ty chứng khoán Hàn là mức phí giao dịch ký quỹ (margin) hấp dẫn. Theo thống kê, trong vòng 3 năm qua, thị phần cho vay margin của khối công ty chứng khoán ngoại đã tăng từ chỉ 8% lên 31,5%, nửa đầu năm nay tính ra đã đạt mức 17.597 tỷ đồng, ngót nghét một nửa lượng margin của khối công ty nội.
"Mạnh gạo bao tiền" kết hợp cùng chất xám từ lực lượng nhân sự thu hút được từ các công ty chứng khoán lớn trong nước, các công ty chứng khoán Hàn cũng đang tạo ra những sản phẩm dịch vụ đi vào lòng nhà đầu tư Việt Nam và các công ty chứng khoán nội cũng đang buộc phải tham gia "chạy đua" margin.
Nguồn ban đầu được Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam dành cho gói ưu đãi miễn lãi suất margin chỉ là 200 tỷ đồng, nhưng giờ đã thành 500 tỷ đồng vì thu hút được sự quan tâm của rất nhiều nhà đầu tư cá nhân. Ngoài ra, các nhà đầu tư lớn còn được "chăm sóc đặc biệt".
Thậm chí, dư nợ margin của một công ty chứng khoán Hàn khác là Mirae Asset trong quý II vừa qua lên tới hơn 8.500 tỷ đồng, hơn tổng 2 công ty nội lớn nhất là SSI và HSC cộng lại.
Không thể ngồi yên chịu trận, các công ty chứng khoán nội đã vào cuộc. Chứng khoán dầu khí PSI ra gói 10,5%/năm, Bản Việt (VCSC) 9%/năm hay chứng khoán Tân Việt còn ra gói ưu đãi 8,8%/năm.
Làm thế nào để tăng sức cạnh tranh lâu dài cho công ty chứng khoán?
Không chỉ là cuộc cạnh tranh về lãi suất margin, một cuộc cạnh tranh về phí giao dịch cũng đang diễn ra song song. Theo thống kê, tỷ lệ phí giao dịch trung vị sau khi giữ ở mức 0,19 % trong một thời gian dài đã liên tục giảm trong các năm gần đây.
Sau quy định không yêu cầu mức tối thiểu phí giao dịch, nhiều công ty chứng khoán trong nước đã áp dụng cả chính sách zero fee (không phí giao dịch) để cạnh tranh.
Cuộc đua vẫn sẽ ngày một nóng hơn và việc hạ lãi suất hay hạ phí chắc chắn sẽ có tác dụng thu hút nhà đầu tư, nhưng theo đại diện công ty chứng khoán lớn nhất thị trường hiện nay, về lâu về dài đây có lẽ không phải hướng đi bền vững do sự chênh lệch về tiềm lực tài chính giữa hai khối nội và ngoại. Lợi thế cạnh tranh lớn nhất vẫn sẽ phải là chất lượng và uy tín dịch vụ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận