24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Ngô Đức Phòng
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sóng cổ phiếu dầu khí khó bền

Giá dầu tăng, kỳ vọng lợi nhuận doanh nghiệp dầu khí được cải thiện

Hưởng lợi từ giá dầu tăng

Trong tuần qua, nhiều cổ phiếu dầu khí thu hút sự quan tâm của dòng tiền như GAS, PLX, ASP, CNG, PGC, PGD, PVD. Các cổ phiếu này tăng giá và lan tỏa sang các mã khác như GSP, PET, PMG, PXS, TDG, VIP. Chuyển động giá tốt của nhóm dầu khí được nhìn nhận ở hai yếu tố chính.

Thứ nhất, giá dầu trong giai đoạn cuối năm được dự báo tiếp tục tăng, sẽ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giá dầu đang ở vùng đỉnh 5 năm gần đây nhờ nhu cầu gia tăng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau khi chiến dịch tiêm vắc-xin phòng dịch Covid-19 mang lại hiệu quả.

Năm 2020, nhu cầu dầu toàn cầu giảm kỷ lục 9 triệu thùng/ngày do đại dịch Covid-19. OPEC dự báo, năm 2021, nhu cầu dầu tăng khoảng 6 triệu thùng/ngày, lên 96,6 triệu thùng/ngày (quý IV bình quân 99,7 triệu thùng/ngày).

Sang năm 2022, nhu cầu dầu thế giới dự kiến tăng thêm 3,3 triệu thùng/ngày, trong đó nửa đầu năm vượt qua ngưỡng 100 triệu thùng/ngày và đạt mức trung bình 99,9 triệu thùng/ngày cho cả năm.

Trong khi đó, nguồn cung dầu khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm, bởi một số thành viên OPEC và các đồng minh gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng sau nhiều năm đầu tư thấp, hoặc trì hoãn công việc bảo trì trong thời kỳ đại dịch.

Thứ hai, hoạt động kinh doanh quý III/2021 của nhóm doanh nghiệp dầu khí tuy chịu ảnh hưởng bởi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nhưng mức độ không quá lớn như đợt bùng phát dịch lần đầu và hoạt động kinh doanh trong quý IV được dự báo sẽ hồi phục tích cực sau giai đoạn giãn cách.

Ông Đỗ Trung Thành, phụ trách phân tích chiến lược vĩ mô, Công ty Chứng khoán Dầu khí cho biết, nhiều dự án dầu khí tại Việt Nam như Nhà máy hóa dầu Long Sơn, Kho cảng LNG Thị Vải… vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ. Kho cảng LNG Thị Vải có công suất giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm, tính đến ngày 10/8/2021 ước tính đạt khoảng 79,6% tiến độ xây dựng.

Trong quý IV cuối năm, nhóm doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS, PVD) có triển vọng sáng khi các dự án đầu tư dầu khí được đẩy nhanh tiến độ. Đặc biệt, giá dầu Brent từ tháng 2/2021 đến nay duy trì trên ngưỡng 60 USD/thùng là tiền đề để các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí được đẩy mạnh trở lại. Nhóm doanh nghiệp trung và hạ nguồn dầu khí (PVT, GAS, BSR, PLX...) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá dầu tăng.

Lợi nhuận phân hóa

Chuyên gia phân tích tại một công ty chứng khoán khác nhìn nhận, nhóm cổ phiếu dầu khí tạo sóng mới là có cơ sở khi giá dầu không ngừng tăng. Tuy nhiên, mỗi công ty trong ngành ở những khâu khác nhau (thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn) sẽ có thời điểm và mức độ tác động của giá dầu đến kết quả kinh doanh khác nhau.

Mỗi công ty trong ngành dầu khí ở những khâu khác nhau (thượng nguồn, trung nguồn, hạ nguồn) có thời điểm và mức độ tác động của giá dầu đến kết quả kinh doanh khác nhau.

Trong quý II/2021, tổng lợi nhuận nhóm doanh nghiệp dầu khí tăng mạnh, nhưng khoảng 1/3 doanh nghiệp có lợi nhuận suy giảm, thậm chí thua lỗ và dự kiến kết quả kinh doanh quý III chưa có nhiều cải thiện.

Vì thế, đầu tư theo sóng ngành cần phân tích hiệu quả kinh doanh và triển vọng từng doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, nhà đầu tư Trần Văn Tuấn cho rằng, giá dầu Brent hợp đồng giao tháng 12/2021 trên Sàn hàng hóa liên lục địa gần đây đạt 80 USD/thùng, cao nhất trong vòng 3 năm, tạo tâm lý hưng phấn cho nhiều nhà đầu tư.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh doanh của không ít doanh nghiệp trong ngành chưa thực sự được cải thiện nên sóng cổ phiếu dầu khí lần này nhiều khả năng là đợt sóng cuối và khó có thể kéo dài.

Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) nhận định, kết quả kinh doanh quý III/2021 của doanh nghiệp ngành dầu khí sẽ tiếp tục phân hóa, GAS, DCM, DPM dự kiến tăng trưởng, còn PVT, PVS, PVD suy giảm so với cùng kỳ.

Theo VCSC, đà tăng của nhóm cổ phiếu dầu khí có duy trì được hay không phụ thuộc vào diễn biến giá dầu trong thời gian tới và thị trường chung. Một số cổ phiếu như PVD, PVS… có tính đầu cơ cao khi giá tăng trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn.

Được biết, Tổng công ty cổ phần Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) đặt mục tiêu năm 2021 đạt doanh thu hợp nhất 4.400 tỷ đồng, giảm 16%, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 25 tỷ đồng, giảm 87% so với năm 2020. Trong 6 tháng đầu năm 2021, Công ty đạt doanh thu 1.662 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế âm 67 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 72 tỷ đồng.

Đối với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS), năm 2021, doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 560 tỷ đồng, lần lượt thấp hơn 53,08% và 21,12% so với mức thực hiện năm 2020.

Trong 6 tháng đầu năm 2021, PVS đạt doanh thu 5.670 tỷ đồng, lợi nhuận 335 tỷ đồng, lần lượt giảm 35% và 18,7% so với cùng kỳ năm 2020. Theo đại diện PVS, lợi nhuận quý III/2021 ước tính giảm so với cùng kỳ.

Về doanh thu của PVS, Công ty Chứng khoán Dầu khí dự phóng, năm nay có thể đạt 15.237 tỷ đồng, nhờ nửa sau của năm sẽ có nhiều công việc hơn với mảng M&C, khi đã có các gói thầu ký mới cùng các dự án cũ tiếp tục thực hiện trong bối cảnh giá dầu tăng.

Mảng FSO/FPSO cũng dự kiến sẽ khởi sắc nhờ các gói thầu được nhận và ký mới tại dự án cung cấp, lắp đặt, vận hành phao nổi FLIDAR phục vụ dự án điện gió ngoài khơi Thăng Long với Tập đoàn Enterprize Energy và gói thầu Gallaf giai đoạn 3 (gói 05): thiết kế, mua sắm, chế tạo, tiền chạy thử, hạ thủy, vận chuyển và lắp đặt, đấu nối chạy thử.

Tại Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (GAS), tính đến hết tháng 8/2021, doanh thu đạt gần 52.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 5.700 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 74% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2021. GAS đã triển khai hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh khó khăn, thuận lợi đan xen.

Trong đó, thuận lợi là giá dầu, giá khí hóa lỏng (LPG) tăng so với kế hoạch. Ngược lại, diễn biến phức tạp của bệnh dịch ở các tỉnh phía Nam trong quý III/2021 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư. Nhu cầu về khí của khách hàng điện ở mức thấp so với kế hoạch và cùng kỳ năm trước, nhu cầu đối với LPG và khí thấp áp của các hộ công nghiệp sụt giảm.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Tổng công ty cổ phần Vận tải Dầu khí (PVT) đã tiếp nhận 3 tàu: tàu chở dầu, hóa chất PVT AZURA có trọng tải 19,945 DWT đóng tại Nhật Bản năm 2009, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường Bắc Mỹ; tàu PVT DAWN khai thác thị trường Trung Đông, Bắc Á; tàu NV Aquamarine chở khí hóa lỏng lạnh loại VLGC.

Trong 9 tháng đầu năm 2021, PVT ước đạt doanh thu 5.430 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 650,8 tỷ đồng. Lợi nhuận 9 tháng vượt 30% kế hoạch cả năm, nhưng kế hoạch này chỉ bằng một nửa mức thực hiện năm ngoái.

Công ty cổ phần Vận tải Sản phẩm khí quốc tế (GSP) đặt kế hoạch đạt 1.300 tỷ đồng doanh thu và 52 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong năm 2021, giảm so với thực hiện năm 2020 (1.547,2 tỷ đồng doanh thu và 60 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế). Tính đến hết tháng 9, GSP đạt 1.230 tỷ đồng doanh thu và 42 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương đương cùng kỳ năm ngoái.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả