menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Hoàng Minh Châu

Sống chung với Covid-19

Với nhiều ngàn ca F0 mỗi ngày, chúng ta đã không còn đủ bệnh viện cho tất cả. Khi các F0 phải điều trị tại nhà, thì không có lý do gì giữ các F1, F2 tại các khu cách ly tập trung.

Khi các khu cách ly tập trung đã được dỡ bỏ, thì việc phong tỏa cục bộ cũng không còn ý nghĩa... Đây là thực tế, không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà trên khắp thế giới. Khi số F0 đủ lớn trong cộng đồng, thì các biện pháp như truy vết, khoanh vùng, cách ly tập trung, xét nghiệm diện rộng... không còn mang lại hiệu quả.

Theo nhận định của Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Mike Ryan, thế giới sẽ không thể loại bỏ hoàn toàn virus SARS-CoV-2 như những tuyên bố lâu nay; nó sẽ luôn tồn tại và cuối cùng sẽ trở thành một dạng virus giống như những virus gây đại dịch cúm hay những loại virus khác từng ảnh hưởng đến con người.

Nhận định trên bắt nguồn từ một thực tế rằng, ngay tại một số nước, có độ bao phủ tiêm vaccine ngừa COVID-19 hàng đầu thế giới, đang chứng kiến số ca nhiễm mới tăng trở lại ở mức báo động, do khả năng lây lan nhanh chóng của biến thể Delta. Ví dụ, số ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày, tại Anh là khoảng 25.000, tại Mỹ là trên 100.000... Số ca nhiễm mới tại Israel, Singapore... cũng tăng trở lại. Việc ghi nhận số ca nhiễm mới tại Việt Nam, vẫn cao trong nhiều tháng qua, không phải là điều bất thường.

Vì thế, bây giờ chúng ta cần phải thống nhất rằng, chống dịch thành công không phải là không ghi nhận số ca nhiễm mới, mà là ghi nhận ít ca phải nhập viện và ít người tử vong. Vaccine chính là giải pháp cho vấn đề này. Người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh trở lại, nhất là với những biến thể mới của COVID-19, nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng hay bị tử vong sẽ giảm xuống đáng kể.

Hầu hết các nước phương Tây không còn duy trì biện pháp phong tỏa, hạn chế nghiêm ngặt như hồi đầu năm 2020. Thay vào đó, họ đẩy mạnh tốc độ tiêm vaccine và coi đó là điều kiện cần để sống chung với COVID-19. Họ sử dụng chứng chỉ tiêm vaccine là điều kiện để được tham gia các hoạt động bình thường của cộng đồng.

Loài người đã sống chung với rất nhiều bệnh truyền nhiễm trước đây như: bệnh dịch hạch, bệnh lao phổi, bệnh bại liệt, bệnh cúm, bệnh tả, bệnh sốt xuất huyết... Giờ chúng ta phải học cách sống chung với bệnh COVID-19.

Để có thể sống chung với một loại virus nào đó, chúng ta phải loại bỏ được sự sợ hãi. Ví dụ, trong cơ thể của mỗi chúng ta, đều có thể có virus bệnh cúm. Nhưng không nhất thiết mọi người đều phải đi test virus cúm, mặc dù nếu test, nhiều người sẽ trở thành F0 của loại virus này. Thực tế, F0 chưa phải là bệnh nhân; chỉ những người có triệu chứng lâm sàng của bệnh cúm đủ rõ, mới nên coi là mắc bệnh cúm. Có người hỏi, để những F0, chưa có triệu chứng, lang thang trong cộng đồng, có nguy cơ lây nhiễm sang người khác hay không? Câu trả lời là có, nhưng không cao: tải lượng virus trong những F0, chưa có triệu chứng bệnh, thường rất thấp, nên ít có khả năng lây lan.

Tương tự, với COVID-19, không nên coi F0 là bệnh nhân. Chỉ những F0 có triệu chứng lâm sàng đủ rõ mới thực sự là bệnh nhân. Và hệ thống Y tế chỉ nên tập trung quan tâm đến những ca này, mà không nhất thiết phải quan tâm đến các F0, F1, F2 khác, vì họ chưa phải là con bệnh. Khối lượng công việc của ngành Y tế sẽ giảm đi hàng chục lần. Không bị chia sẻ cho những vấn đề chưa cấp bách, hệ thống Y tế sẽ có đủ nguồn lực để kịp thời điều trị các ca bệnh, qua đó giảm số lượng người tử vong.

Hãy xác định, chúng ta sẽ phải sống chung với COVID-19 không chỉ một tuần hay một tháng, mà có thể trong nhiều năm. Vì thế, các biện pháp bất đắc dĩ, như phong tỏa hay duy trì dãn cách xã hội, chỉ thực hiện, khi hệ thống y tế bị quá tải do số ca phải nhập viện quá nhiều và các biện pháp này cần được dỡ bỏ ngay khi năng lực của hệ thống y tế được phục hồi trở lại. Các biện pháp sử dụng kết quả test âm tính làm chứng chỉ tham gia các hoạt động cộng đồng cũng nên bỏ, vì nó quá tốn kém và bất tiện. Giấy phép duy nhất nên là chứng chỉ đã tiêm vaccine.

Tóm lại, chiến lược sống chung an toàn với COVID-19 có ba điểm chính:

1. Tăng cường tiêm vaccine, sớm đạt được mức miễn dịch cộng đồng; đặc biệt cần sớm tiêm chủng cho nhóm dễ bị tổn thương.

2. Hệ thống y tế chỉ tập trung nguồn lực, nhằm kịp thời điều trị bệnh nhân COVID-19 (chứ không phải toàn bộ F0), để giảm tỷ lệ tử vong.

3. Các biện pháp bất đắc dĩ như phong tỏa, duy trì dãn cách xã hội chỉ thực hiện khi hệ thống y tế quá tải và cần dỡ bỏ ngay khi năng lực của hệ thống y tế được phục hồi trở lại.

Có hai thái độ sai với COVID-19: một là sợ hãi nó, hai là coi thường nó. Vì thế, tuy không sợ hãi, chúng ta nhất định không được coi thường nó. Các biện pháp hạn chế lây lan bệnh dịch như tuân thủ quy định 5K vẫn nên được mọi người chấp hành. Mỗi người cần học cách sống chung với COVID-19. Duy trì dãn cách cá nhân là biện pháp đơn giản nhất để bảo vệ chính mình cũng như bảo vệ cộng đồng.

Việc xác định chiến lược sống chung với COVID-19 không phải là bước lùi, mà là bước tiến về nhận thức của nhân loại trong việc ứng xử với bệnh dịch, vì sau COVID-19, loài người có thể còn phải đối diện với nhiều dịch bệnh thách thức hơn trong tương lai.

Với thiên nhiên, chúng ta không cần là người chiến thắng; chúng ta chỉ cần học cách chung sống là sẽ được bình an.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Hoàng Minh Châu

Bấm theo dõi để nhận thêm nội dung bổ ích từ chuyên gia này.

Tìm hiểu thêm về chuyên gia.

Hãy chọn VIP/PRO hàng đầu để nhận kho bài viết chuyên sâu

Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại