Sớm hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư lĩnh vực chuyên ngành
Theo nhiều địa phương, văn bản hướng dẫn thực hiện các hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành cũng như quy định về lựa chọn nhà đầu tư trong lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa chưa được cập nhật, ban hành đầy đủ, kịp thời. Điều này phần nào gây khó khăn cho công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP, dự án trong một số lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa.
Địa phương lúng túng
Nhiều địa phương đánh giá, Luật PPP, Luật Đầu tư 2020, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP (NĐ 35), Nghị định 31/2020/NĐ-CP (NĐ 31) được ban hành góp phần tạo dựng khung pháp lý cao, đồng bộ, ổn định cho việc thu hút đầu tư của khu vực tư nhân tham gia thực hiện các dự án phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cung cấp dịch vụ công. Đồng thời tăng tính minh bạch, cạnh tranh, hiệu quả kinh tế trong việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai.
Số liệu tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương cho thấy, riêng trong năm 2020, trên cả nước có tổng số 338 dự án được tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, với tổng mức đầu tư khoảng 356.573 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019. Hoạt động lựa chọn nhà đầu tư đã bước đầu được thực hiện trên diện rộng tại nhiều địa phương hướng tới đấu thầu thực hiện các dự án có quy mô lớn, mang tính đồng bộ, từng bước thay dần các dự án nhỏ lẻ, phân tán.
Tuy nhiên, còn một số nội dung trong tổ chức, thực hiện còn vướng mắc. NĐ 35 giao các bộ, cơ quan hướng dẫn chi tiết một số nội dung liên quan đến lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án PPP. Đồng thời, theo quy định tại Nghị định 25/2020/NĐ-CP, đối với dự án tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa, bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi quản lý của mình ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản quy định về lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án, trong đó bao gồm nội dung về lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án; mẫu hồ sơ đấu thầu và các nội dung khác (nếu có). Theo Bộ Tư pháp, đến nay, các bộ, ngành vẫn chưa ban hành văn bản hướng dẫn như yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay nhu cầu đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa thuộc các lĩnh vực y tế, thể dục, thể thao, cấp nước, xử lý chất thải, bến xe, nạo vét luồng hàng hải… trên địa bàn Tỉnh rất lớn. Tuy nhiên, các bộ, cơ quan ngang bộ chưa ban hành văn bản hướng dẫn các nội dung trên nên chưa đủ cơ sở háp lý để triển khai thực hiện, ảnh hưởng rất lớn đến việc kêu gọi xã hội hóa, thu hút nhà đầu tư.
Nhiều địa phương khác cũng phản ánh vướng mắc này, đây là nguyên nhân có thể khiến địa phương lỡ cơ hội kêu gọi đầu tư.
Cần thiết ban hành kịp thời
Bà Vũ Quỳnh Lê, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, Bộ KH&ĐT đã sớm đốc thúc các bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn phù hợp với lĩnh vực chuyên ngành. Tuy nhiên, văn bản hướng dẫn cần được ban hành còn chậm, chưa kịp thời cập nhật hoặc chưa được ban hành, thậm chí một số lĩnh vực chưa phân định rõ cơ quan quản lý nhà nước. Trước tình hình này, Bộ KH&ĐT đã xây dựng và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về Dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng về việc triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Dự thảo Chỉ thị nêu rõ các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung trong hoạt động đầu tư PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành cần ban hành với thời gian cụ thể, như Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn về quản lý và sử dụng chi phí liên quan đến quá trình lựa chọn nhà đầu tư; phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn về khung lợi nhuận trên vốn chủ sở hũ của nhà đầu tư và mẫu hợp đồng dự án; Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư hướng dẫn về dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực giao thông (trong đó có mẫu hợp đồng BOT) để áp dụng thống nhất với các dự án giao thông trọng điểm…
Dự thảo Chỉ thị cũng nêu rõ các văn bản mà bộ, cơ quan ngang bộ cần ban hành hoặc trình Thủ tướng ban hành để hướng dẫn thực hiện các nội dung về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án thuộc lĩnh vực chuyên ngành, xã hội hóa. Bên cạnh đó là những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện dự án PPP, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Theo Bộ Tư pháp và nhiều địa phương, việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng về việc đẩy mạnh triển khai thi hành văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư theo phương thức PPP, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với lộ trình cụ thể là cần thiết. Việc ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn sẽ giúp hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư PPP và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; triển khai hoạt động đầu tư hiệu quả, phù hợp hơn với thực tiễn.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận