24HMoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
menu
Trần Phong
24HMoney đã kiểm duyệt 24HMONEY đã kiểm duyệt

Sớm “hành động” để cứu thị trường bất động sản

Hành động càng sớm càng tốt!

Cùng với động thái nới lỏng giãn cách, thị trường bất động sản đang chờ đợi những điều chỉnh chính sách quan trọng để có thêm động lực khởi động guồng máy bước vào bình thường mới.

Kỳ vọng vào quyết tâm gỡ khó chính sách

Văn bản số 6278/BKHDT-PC ngày 17/9/2021 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Bộ Tư pháp, trong đó có nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Điểm c, Khoản 1, Điều 75 - Luật Đầu tư năm 2020 theo hướng cởi mở hơn trong việc công nhận “chủ đầu tư” thực sự khiến nhiều thành viên thị trường thở phào.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa luật để cho phép các doanh nghiệp chỉ cần sở hữu quỹ đất “phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất”, chứ không cần phải có nguồn gốc đất ở hoặc một phần đất ở như quy định tại Luật Đầu tư 2020, sẽ được công nhận chủ đầu tư.

Nhiều chủ đầu tư nhẹ nhõm vì chỉ tại 2 thị trường bất động sản lớn nhất là Hà Nội và TP.HCM hiện đã có 208 dự án nhà ở thương mại gặp khó với yêu cầu chỉ dự án có toàn bộ hoặc một phần nguồn gốc đất ở mới được công nhận chủ đầu tư.

Trong số trên, TP.HCM có khoảng 126 dự án nhà ở thương mại bị ách tắc bởi quy định này và theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), giả định mỗi dự án nhà ở thương mại trên đây có vốn mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, tổng mức đầu tư của 126 dự án sẽ là 126.000 tỷ đồng, thì việc không được công nhận chủ đầu tư 126 dự án này dẫn đến Nhà nước bị thất thu 12.600 tỷ đồng thuế VAT; nếu lợi nhuận đạt 20% tương đương 25.200 tỷ đồng, thì Nhà nước bị thất thu 5.040 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp... và nhiều loại thuế khác.

Việc sửa đổi, bổ sung này sẽ giúp kiến tạo môi trường đầu tư trên lĩnh vực bất động sản minh bạch, công bằng, cạnh tranh lành mạnh và đồng bộ với môi trường đầu tư trên các lĩnh vực khác theo quy định thông thoáng của Luật Đầu tư. Ngoài ra, nó sẽ giúp làm tăng nguồn cung dự án nhà ở thương mại, từ đó kéo giảm giá nhà.Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA

Nhưng con số mấy trăm dự án ách tắc nói trên chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi theo HoREA, hiện thị trường chỉ có dưới 5% số dự án đáp ứng được yêu cầu hiện hành về nguồn gốc đất ở, tức là 95% số dự án có thể gặp khó nếu “không dính đến một vài mét vuông đất ở”. Do đó, rất dễ giải thích lý do về sự hồ hởi của thị trường, nhất là các chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác khiến họ kỳ vọng, đó là doanh nghiệp nhìn thấy rất rõ quyết tâm xử lý “nghẽn chính sách” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp “vượt bão” của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.

Công văn số 6505/VPCP-PL do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn ký ngày 15/9/2021 gửi một số bộ, ngành đề nghị cho ý kiến về những nội dung sửa đổi một số sắc luật, trong đó có Luật Đầu tư 2020, yêu cầu một thời hạn rất gấp là 2 ngày sau, tức ngày 17/9/2021 phải có trả lời chính thức. Đồng thời, công văn này cũng đưa ra một lộ trình rất rõ để các bộ, ngành liên quan chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi để trình Quốc hội khóa XV thông qua ngay tại kỳ họp thứ 2 dự kiến tổ chức vào tháng 10/2021 này.

Như vậy, kỳ vọng của các chủ đầu tư về một động lực chính sách mới ngay trong năm nay là khả thi và có cơ sở.

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch TNT Group cho rằng, nó sẽ giúp chủ đầu tư “nhẹ đầu” hơn trong bài toán chi phí vốn và gián tiếp tạo cơ hội cho những người có nhu cầu nhà ở dễ dàng sở hữu hơn khi giá thành sản phẩm bất động sản giảm xuống. Mặt khác, theo ông Long, khi một dự án hiện hữu triển khai quá lâu, quá mất thời gian, công sức và tiền bạc thì ở các dự án tiếp theo, các chủ đầu tư sẽ luôn phải thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng, tránh việc “bù không được mất”.

Tháo được cái “van” về chính sách này có lợi cho cả chủ đầu tư, cho người dân và cho ngân sách nhà nước. Khi doanh nghiệp có quyền sử dụng đất và khu đất đó phù hợp quy hoạch, kế hoạch triển khai dự án nhà ở thương mại thì cần được phát triển dự án, còn nguồn gốc trước kia là đất gì, có “dính” tý đất ở nào không thì không quá quan trọng.Ông Ngô Đức Sơn, Tổng giám đốc DRH Holdings

“Việc nhiều doanh nghiệp hiện nay phải mở rộng địa bàn về các tỉnh một phần ở việc các thủ tục xin chấp thuận chủ trương đầu tư dự án ở các đô thị lớn quá khó và quá lâu, trong khi ở các tỉnh thì dễ hơn, ít phức tạp hơn trong việc giải quyết và xin thủ tục cấp phép triển khai dự án, trong đó có việc xác định nguồn gốc đất”, ông Long chia sẻ và cho biết, việc tháo gỡ nút thắt nói trên có thể giúp các nhà đầu tư quay hướng đầu tư trở lại với thị trường Hà Nội hay TP.HCM, bởi không thể không thừa nhận sức mua nhà ở của hai đô thị này vẫn lớn nhất.

Một vấn đề khác khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản đau đầu là khi gõ cửa ngân hàng để vay vốn, nhà đầu tư phải được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở; thế nhưng, quy định lại chỉ cho phép những dự án có dính đến đất ở thì nhà đầu tư mới được công nhận chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.

“Trong khi đó, đa phần các dự án hiện tại có nguồn gốc từ đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất sản xuất - kinh doanh, dù phù hợp với quy hoạch, kế hoạch xây dựng dự án nhà ở nhưng vẫn không được công nhận chủ đầu tư và ngân hàng sẽ lắc đầu”, lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ và cho biết thêm, định hướng sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 Luật Đầu tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ giúp cởi bỏ những băn khoăn này.

Cơ hội bứt tốc cuối năm

Dòng tiền đầu tư thông minh luôn “đi trước một bước” khi thị trường xuất hiện những tín hiệu mới và đó là lý do ngay cuối tuần qua, một số dự án được đưa ra giới thiệu tại quận 7, quận Nhà Bè - vùng xanh của TP.HCM - đã đón nhận những tín hiệu quan tâm rất tốt. Có thể chưa có sự hồi phục mang tính đột biến, nhưng các kịch bản lạc quan vẫn được nhiều thành viên thị trường đưa ra, nhất là khi nhìn vào việc kiểm soát dịch cũng như hàng loạt động thái nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp nói riêng, cho thị trường bất động sản nói chung.

Thực tế, cùng kiến nghị sửa đổi Điểm c, Khoản 1, Điều 75 - Luật Đầu tư năm 2020, trước đó, cũng đã có nhiều chính sách về thị trường được điều chỉnh và sửa đổi như Nghị định 148/2020/NĐ-CP, Nghị định 30/2021 hay Nghị định 69/2021/NĐ-CP. Trong khi đó, việc cắt giảm các thủ tục không cần thiết trong triển khai dự án cũng được Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện rốt ráo.

Việc cấp tốc xem xét và sửa đổi, tháo gỡ những vướng mắc căn bản như hướng sửa Luật Đầu tư mới đây để khơi thông thủ tục là rất cần thiết để vực dậy thị trường bất động sản, tạo lực đẩy để cả nền kinh tế sớm hồi phục trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.Ông Vũ Ngọc Hoan, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội

Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, không ít doanh nghiệp bất động sản vẫn âm thầm có những động thái chuẩn bị nguồn lực, quỹ đất để phát triển trong tương lai. Trong đó, sức khỏe tài chính tốt cùng với mạng lưới bán hàng rộng được xem là nguồn vốn dự trữ quan trọng nhất để chiếm lĩnh cơ hội mới. Đơn cử, Tập đoàn Bất động sản An Gia - vốn là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi giới, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã thu gom được lượng lớn quỹ đất ở TP.HCM và các tỉnh lân cận, đồng thời công bố sẽ chi 3.000 - 5.000 tỷ đồng/năm để mở rộng quỹ đất, nhắm đến những khu đất rộng để triển khai các dự án phức hợp.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT An Gia, mặc dù lượng giao dịch trên thị trường sắp tới có thể còn thấp do người mua có xu hướng thận trọng và chọn lọc hơn trong bối cảnh thiếu vắng các gói hỗ trợ vay và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhưng không có nghĩa là các khách hàng sẽ không sẵn sàng xuống tiền nếu tìm được dự án hợp lý. Khi các khó khăn được tháo gỡ, các chủ đầu tư có sẵn nguồn hàng, với lợi thế sức khỏe tài chính và thương hiệu tốt sẽ đạt được nhiều lợi ích nhất.

Tương tự, một số “đại gia” khác cũng đang tranh thủ cơ hội cụ thể hóa các chiến lược kinh doanh của mình thông qua việc gom quỹ đất ở nhiều phân khúc như nhà ở, khu dân cư, bất động sản thương mại. Không chỉ các nhà đầu tư trong nước, một số nhà đầu tư nước ngoài như Keppel Land, Capital Land, Gamuda... cũng bén nhạy với những thay đổi chính sách gần đây và liên tục có động thái bơm tiền vào để tiếp cận và triển khai sớm các dự án có tiềm năng.

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, điểm sáng của thị trường là kể cả trong lúc dịch bệnh, lượng cầu tuy có suy giảm nhưng vẫn lớn hơn cung rất nhiều và bằng chứng là phân khúc chung cư ở đa số các đô thị lớn đều tăng giá liên tục. Khi các điểm nghẽn pháp lý được cởi trói, nguồn hàng bung ra khớp với nguồn cung sẽ khiến thị trường sớm sôi động.

“Hai phân khúc sẽ rất sôi động trong thời gian tới là nhà ở và bất động sản du lịch do sức cầu bị nén quá lâu”, ông Đính dự báo.

Link Nguồn
Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews

Từ khóa liên quan

Bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề

Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?

Liên hệ 24HMONEY ngay

Cảnh báo Nhà đầu tư lưu ý
Cảnh báo
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - Giúp bạn đầu tư an toàn, hiệu quả