Sôi động thị trường bất động sản ở Đắk Lắk
Giá đất tăng, người dân bán được giá nên có tiền để giải quyết khó khăn và có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần tăng tốc phục hồi kinh tế sau những khó khăn của dịch Covid-19.
Dịch Covid-19 xảy ra đã khiến cho nhiều ngành, nghề gặp phải khó khăn, ngưng hoạt động. Tuy nhiên, tại Đắk Lắk thị trường bất động sản khá sôi động khi thu hút nhiều người từ các tỉnh, thành phố lớn về đầu tư. Hồ sơ giao dịch nhiều khiến ngành chức năng phải chia làm nhiều ca để hoàn tất thủ tục.
Mặc dù Tết Nguyên đán cận kề, nhưng chị Nguyễn Thị Thu Thuỷ ở TP Biên Hoà, tỉnh Đồng Nai vẫn “thường trực” tại thành phố Buôn Ma Thuột, cố tìm mua 1 thửa đất để làm nhà vườn, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng, tránh dịch của gia đình. Chị Thuỷ cho biết, dịch bệnh kéo dài với nhiều đợt giãn cách khiến cho chị và nhiều người ở thành phố lớn cảm thấy ngột ngạt, vì vậy rất nhiều người đã tới các tỉnh Tây Nguyên mua đất để làm ngôi nhà thứ hai. Trong đó, Đắk Lắk là một trong những ưu tiên lựa chọn vì có các tiện ích về đường giao thông, sân bay và giá cả hợp lý.
“Trong 5 tỉnh của khu vực Tây Nguyên, ngoài Lâm Đồng thì Đắk Lắk có khả năng cạnh tranh rất lớn, có khí hậu, thổ nhưỡng giống Lâm Đồng. Kèm theo đó là hạ tầng ở Đắk Lắk được Nhà nước rất quan tâm, có tuyến đường cao tốc, hạ tầng ở tận cơ sở, trường trạm đầy đủ hết. Giá chỉ bằng một nửa hoặc 1/3 so với Lâm Đồng hiện nay và chưa bị đầu cơ”, chị Thủy cho biết.
Cùng với các nhà đầu tư ngoài tỉnh tìm tới Đắ Lắk mua đất, các sàn giao dịch nhà đất nội tỉnh cũng nở rộ và hoạt động tấp nập. Anh Nguyễn Hoàng Phát, người kinh doanh bất động sản ở TP Buôn Ma Thuột cho biết, những lô “đất sào” (phổ biến 500m2 đến trên dưới 1 sào – 1.000m2) là phân khúc được giao dịch nhiều nhất trong khoảng 1 năm qua. Ngày càng nhiều khách hàng chọn phân khúc này để làm nhà vườn nghỉ ngơi dưỡng, đặc biệt là những mảnh đất có view hồ, suối.
“Ngay từ đầu năm tôi đi theo hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, xu hướng này có lợi thế ở Buôn Ma Thuột với điều kiện tự nhiên cùng nhiều thắng cảnh về du lịch hồ, thác, khí hậu mát mẻ cùng nhiều địa điểm khai thác. Ngoài ra, tôi cũng có đầu tư một chút ít các khu đất lân cận các dự án sắp tới triển khai và đang triển khai”, anh Phát cho biết.
Theo ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP Buôn Ma Thuột, càng về cuối năm âm lịch, giao dịch nhà đất thành phố càng sôi động. Từ cuối tháng 12/2021 đến nay, bộ phận một cửa của thành phố đã tiếp nhận hơn 11.400 hồ sơ thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực đất đai, trung bình 1 ngày làm việc giải quyết 521 hồ sơ cho người dân. Trong tháng 1/2022, có những ngày cán bộ, nhân viên tiếp nhận và giải quyết tới 666 hồ sơ, cao gấp nhiều lần so với trước.
“Khi tiếp nhận số lượng hồ sơ nhiều, chi nhánh đã có xin ý kiến của UBND thành phố sẽ tiếp nhận hồ sơ theo 3 ca. Ngoài ra, chi nhánh còn tăng cường các biện pháp như tăng quầy tiếp nhận, tăng con người để giải quyết các thủ tục về chuyển quyền sử dụng đất. Về thời gian làm việc, anh em đã tăng cường làm từ sáng đến tối để đáp ứng được nhu cầu của người dân”, ông Phương cho hay.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện tình trạng mua bán đất trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói chung và TP Buôn Ma Thuột nói riêng diễn ra sôi động. Các nhà đầu tư thường dựa vào thông tin quy quay hoạch các dự án lớn như: Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột… chuẩn bị xây dựng để mua đất đón đầu.
Ông Huỳnh Kiều, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Đắk Lắk khuyến cáo, các nhà đầu tư nên thận trọng kiểm tra thông tin, theo dõi quy hoạch, tìm những sàn giao dịch, đội ngũ tư vấn có chuyên môn, để được hỗ trợ đúng nhu cầu.
“Nhà đầu tư hoặc người dân mua đất nên tìm đến những đơn vị có uy tín, bề dày lịch sử và họ có tâm, có tầm. Khi nhà đầu tư chưa rõ thông tin cần phải tìm hiểu thật nhiều, thật chi tiết bằng cách đến Phòng Tài nguyên, hoặc địa chính xã, phường để nắm bắt và giao dịch một cách minh bạch, rõ ràng, tránh hệ luỵ tiền mất tật mang”, ông Kiều khuyến cáo.
Việc mua bán đất nhộn nhịp ở Đắk Lắk thời gian qua đã mang tới nguồn thu khá lớn cho ngân sách địa phương. Giá đất tăng, người dân bán được giá nên có tiền để giải quyết khó khăn và có vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần tăng tốc phục hồi kinh tế sau những khó khăn của dịch Covid-19.
Tuy nhiên vẫn có nhiều người hoài nghi, tình trạng giá nhà đất nóng lên bất thường là do có bàn tay thao túng. Bởi vậy, nhiều lô đất được thổi lên mức giá quá cao so với giá trị sử dụng, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư không chuyên và gây khó khăn cho những người thực sự có nhu cầu mua đất làm nhà ở./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận