Sôi động cuộc đua giành thị phần thẻ tín dụng
Dư địa thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam còn rất lớn nhưng để gia tăng khách hàng, các ngân hàng cần gia tăng hơn nữa niềm tin cho cộng đồng, giải bài toán tâm lý e ngại về vấn đề bảo mật, an toàn.
Tại Tọa đàm truyền thông Thị trường thẻ tín dụng: Cuộc đua giữa các ngân hàng và cơ hội cho người tiêu dùng, do Tạp chí điện tử Diễn đàn Đầu tư BizLIVE tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh chiều 11/6, các chuyên gia cho rằng, dư địa thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam còn rất lớn. Tuy nhiên, để gia tăng khách hàng, các ngân hàng cần gia tăng hơn nữa niềm tin cho cộng đồng, giải bài toán tâm lý e ngại về vấn đề bảo mật, an toàn.
Khảo sát do BizLIVE thực hiện trong khoảng 10 ngày với 3.000 người tham gia cho thấy, có khoảng 33% người cho biết đang dùng thẻ và thấy tiện ích, số còn lại chưa dùng thẻ tín dụng với nhiều lý do. Trong đó, bao gồm cả việc dùng thẻ rồi bỏ, vì phải nộp phí, lãi suất cao; chưa có ý dùng và đang tìm hiểu. Như vậy, có tới khoảng 67% người hiện nay chưa dùng thẻ tín dụng.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dân số Việt Nam có hơn 70 triệu người trưởng thành, tốc độ tăng trưởng thu nhập và chi tiêu thuộc hàng nhanh nhất trong khu vực. Điều này đồng nghĩa dư địa của thị trường thẻ tín dụng vẫn còn lớn và cũng đang có hiện tượng cuộc đua tranh thị phần trên thị trường.
Cuộc cạnh tranh phát hành thẻ tín dụng ngày càng sôi động với nhiều tổ chức tham gia thì chính khách hàng sẽ là người được hưởng lợi. Thẻ tín dụng cũng đang ngày càng phổ biến, điều kiện mở thẻ tín dụng hiện cũng khá đơn giản với nhiều loại thẻ hướng tới các đối tượng và hạn mức khác nhau.
Theo ông Phan Viết Cường, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng Thương mại cổ phần Bản Việt, tiềm năng của thị trường thẻ tín dụng ở Việt Nam là rất lớn. Bởi lẽ, 70% dân số của Việt Nam là dân số trẻ, đang ở độ tuổi đi làm và có thu nhập ổn định.
Việc sử dụng thẻ tín dụng ở Việt Nam bắt đầu cách đây 10 năm, thế nhưng do đối tượng sử dụng không được mở rộng nên mới phát triển trong thời gian gần đây. Dựa trên khảo sát mức độ tiềm năng, ngân hàng này định hướng tập trung đẩy mạnh phát triển thẻ tín dụng, tăng tiện ích cho khách hàng và lựa chọn đây là mảng sản phẩm cốt lõi.
“Thị trường thẻ tín dụng có nhiều tiềm năng, hầu hết các ngân hàng lớn đều tập trung vào thành phố lớn, tuy nhiên ở thị trường các tỉnh lại đang bị bỏ ngỏ. Vì vậy, đây là cơ hội cho các ngân hàng còn lại; trong đó có Bản Việt. Chúng tôi đang có 2 dòng sản phẩm chính: thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng. Tùy vào phân khúc khách hàng, chúng tôi sẽ tư vấn cho khách hàng sử dùng thẻ để trải nghiệm, từ đó có thể tiếp cận và mở rộng nhóm khách hàng”, ông Cường nói.
Để thu hút cũng như củng cố niềm tin của khách hàng, các ngân hàng đang tập trung vào việc tổ chức hệ thống quản lý rủi ro, nâng cấp công nghệ mới… Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Ngân hàng số, ngân hàng Bưu Điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, ngân hàng này cũng đang tổ chức hệ thống quản lý rủi ro. Khi khách hàng thực hiện nhiều giao dịch sẽ cảnh báo tới khách và tới cả người quản trị.
Ngân hàng sẽ liên lạc với khách để xác nhận có giao dịch nhiều như vậy hay không, để đảm bảo các bên tham gia toàn bộ gia dịch. Liên Việt cũng ứng dụng công nghệ đưa lên điện thoại thông minh, khách hàng có thể quản lý số dư, phát sinh lãi, các giao dịch được thực hiện…
Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, vẫn còn “vùng trũng” trong vấn đề này. Đó là có những rủi ro trong thanh toán thẻ như mất tiền trong thẻ, các đơn vị mở thẻ không xử lý kịp thời đảm bảo quyền lợi khách hàng. Do vậy, các tổ chức tín dụng phải có những giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán bằng thẻ mới thu hút người dân tham gia.
Về phía Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời đưa ra các biện pháp xử lý vấn đề này. Đó là ban hành Thông tư 30 năm 2016 về xử lý việc mất tiền trong tài khoản; trong đó, yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành thẻ nhanh chóng xác định nguyên nhân; nếu không xác định được nguyên nhân trong vòng 5 ngày phải hoàn tiền cho khách hàng. Đây được xem là chính sách bảo vệ cho khách hàng và chính các ngân hàng.
Một giải pháp nữa là Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng phải chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Với mục tiêu, đến cuối năm 2019, phải có 30% lượng thẻ từ chuyển sang thẻ chip; 35% các máy ATM hiện có phải nâng cấp để phục vụ thẻ chip.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh, tính đến hết quý 1/2019, số lượng thẻ đã phát hành trên địa bàn đạt khoảng 12 triệu thẻ. Trong đó, thẻ quốc tế chiếm 30%, tương đương 3,6 triệu thẻ quốc tế. Tốc độ tăng trưởng thẻ ngân hàng trên địa bàn bình quân hằng năm là 20%.
Số lượng máy POS (máy cà thẻ) đạt 41.000 máy và đang tăng trưởng mạnh để đáp ứng cho hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt cũng như hướng tới công nghệ thanh toán mới đang bùng nổ như: Mobile Payment (thanh toán di động); Digital Payment (thanh toán số)… và tạo những tiện ích cho người tiêu dùng khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng./.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận