Sốc, giật mình với cơn lốc giá hàng siêu rẻ từ Temu, Tabao... tràn vào Việt Nam
Không chỉ nhà bán lẻ online, các nhà quản lý cũng đang có nhiều động thái ứng phó với "cơn bão" giá rẻ hàng ngoại tràn vào Việt Nam.
Theo báo cáo của nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) Metric.vn, 9 tháng đầu năm tổng doanh số trên 5 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop đạt hơn 227 nghìn tỉ đồng, tăng gần 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng quý 3-2024, đã đóng góp gần 85 nghìn tỉ đồng, tương đương mức tăng hơn 18% so với quý liền kề.
Dù vậy, sự tăng trưởng này vẫn bị bủa vây bởi nhiều thách thức đến từ thị trường, sức mua.
“Bẫy” tăng trưởng
Theo thống kê của Metric, 9 tháng đầu năm có tới hơn 580 nghìn nhà bán hàng (shop) ế ẩm, không phát sinh bất cứ một đơn hàng nào trong năm. Riêng trong quý 3, con số này là 452 nghìn shop.
Chưa kể, cũng trong quý 3, làn sóng gia nhập của nhiều nền tảng TMĐT Trung Quốc như Temu, 1688, Taobao đang bủa vây và gây sốc cho nhà bán hàng cũng như hàng Việt.
Điều này gia tăng áp lực cạnh tranh cho giới sản xuất và nhà bán lẻ online trước làn sóng giá rẻ và tốc độ dịch vụ, nhất là khi thị trường bán lẻ online vốn đã bị chi phối bởi các nền tảng nước ngoài như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Theo dữ liệu cung cấp riêng cho PLO, Metric cho biết, hiện nay các nhà bán ngoại (quốc tế) còn đang thể hiện sự bành trướng của mình tại các nền tảng TMĐT đang hoạt động ở Việt Nam.
Chỉ tính riêng Shopee, thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm, các nhà bán quốc tế thu về hơn 10 nghìn tỉ đồng đến từ gần 27 nghìn nhà bán (có phát sinh đơn hàng) với hơn 237 triệu sản phẩm bán ra.
Nhóm hàng sắc đẹp, thời trang nữ, điện thoại phụ kiện, phụ kiện thời trang, nhà cửa- đời sống… đang mang về doanh thu khủng cho nhà bán lẻ ngoại.
“Nhìn vào dung lượng thị trường, tốc độ tăng trưởng cao là do nhiều nhà bán cạnh tranh, nhiều ngành hàng, và nhu cầu mua sắm dần hồi phục. Tuy nhiên, khi đi sâu vào báo cáo, phân khúc giá rẻ lại đang chiếm lĩnh thị trường và thói quen tiêu dùng của người Việt. Điều này thực sự là cái bẫy tăng trưởng của e-commerce”- ông Đào Thế Vinh, Nhà sáng lập của Midori Việt Nam nói.
Các bán lẻ online lo sợ trước làn sóng giá rẻ. ẢNH: THU HÀ
Cũng theo ông Vinh, “bẫy” tăng trưởng này càng nóng, khi Temu, sàn TMĐT giá rẻ đến mức khó tin của Trung Quốc đang gia tăng sự hiện diện của mình tại Việt Nam.
Đáng chú ý, đại diện Cục Thương mại Điện tử - Kinh tế số (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, hiện nay Temu chưa đăng ký kinh doanh tại Việt Nam. Nhưng nhìn vào thực tế, đã hơn một tuần này Temu đã triển khai rầm rộ các chương trình khuyến mãi khủng.
Sàn này còn kêu gọi người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng tham gia chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate), với chiết khấu lên tới 30%. Chưa hết nền tảng này còn tặng tới 1,5 triệu đồng cho người dùng ứng dụng mới trên app Temu, thậm chí giảm đến 90% kèm theo vận chuyển miễn phí.
Chỉ mang lại lợi ích ngắn hạn, cần siết chặt quản lý
Kinh doanh ngành thời trang, cũng là mặt hàng chủ lực của Temu, ông Vinh đang mất ngủ, khi chỉ một tuần qua, doanh số bán hàng sụt giảm liên tục, có mặt hàng giảm tới 55%.
"Lấy ví dụ, một chiếc túi xách đang bán bên Trung Quốc với giá 22.000 đồng, trong khi giá gia công ở Việt Nam đang là 40.000 đồng.
Vậy sao cạnh tranh nổi nếu để Temu, hay các nền tảng giá rẻ khác ồ ạt vào Việt Nam? Giá bán này thực sự khiến các nhà bán lẻ online dù có xưởng sản xuất như chúng tôi cũng phải lo sợ và đặt câu hỏi về liệu có đảm bảo tính hài hòa về cạnh tranh giá”- ông Vinh lo ngại.
Cùng với đó, theo ông Vinh hiện nay việc kinh doanh trên Temu khá khó, bởi sàn này đặt ra yêu cầu cao về đầu vào như giá cả và sản phẩm.
Theo đó người bán sẽ cùng “đấu giá” trên cùng một sản phẩm, đơn vị nào có giá tốt nhất sẽ chiến thắng. Với quy trình này ông Vinh cho rằng, khó có nhà bán nào thực hiện được ngoài các xưởng sản xuất của Trung Quốc.
“Với tư cách là nhà bán, nếu Temu có chính sách riêng cho nhà bán Việt, để tham gia vào nền tảng, thì có thể các nhà sản xuất, nhà bán sẽ tính toán các phương án tham gia thị trường.
Hoặc cần có cơ chế quản lý trước làn sóng giá rẻ đang ồ ạt để cứu các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những đơn vị chiếm phần lớn thị trường kinh doanh ở Việt Nam”- ông Vinh nói.
Ông Trần Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Natural House cũng bày tỏ, dù Temu đang mang lại cơ hội kiếm tiền thông qua Affiliate và cơ hội mua hàng giá rẻ nhưng đây chỉ là lợi ích ngắn hạn, không thực sự mang lại tín hiệu tốt về lâu dài dài, bởi sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa (SMEs). Chưa kể, người tiêu dùng còn có thể gặp phải rủi ro về chất lượng sản phẩm.
"Tôi mong muốn, cơ quan chức năng quản lý sàn và nhà bán ở Việt Nam ra sao thì xây dựng như thế đối với sàn và nhà bán ngoại. Tôi cho rằng các nhà quản lý sớm siết chặt quy định về thuế quan, các vấn đề kinh doanh chống phá giá trên TMĐT xuyên biên giới và tăng cường kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu trên môi trường online"- ông Lâm bày tỏ.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bàn tán về thị trường