Số vũ khí hàng chục triệu USD mà Mỹ để lại cho Taliban chỉ 'để ngắm'
Giới phân tích và các quan chức Mỹ khẳng định, số vũ khí có giá hàng chục triệu USD mà Mỹ để lại cho Taliban chỉ để ngắm chứ không thể hoạt động.
Quân đội Mỹ đã bỏ lại số vũ khí bao gồm máy bay, xe bọc thép và các thiết bị phòng thủ hiện đại trị có giá lên tới hàng chục triệu USD ở lại Afghanistan, trong quá trình gấp rút sơ tán ở sân bay Kabul.
Tướng thủy quân lục chiến Kenneth McKenzie, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho hay một số thiết bị đã bị “phi quân sự” nên không thể hoạt động được. Theo đó, các binh sĩ Mỹ đã sử dụng lựu đạn cháy với sức nóng lên tới 4.000 độ C để phá hủy các thành phần chính của thiết bị, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay.
Một số thiết bị khác bị quân đội Mỹ cho nổ tung, một quan chức khác của Mỹ cho biết thêm. Ông này cho hay, tiếng nổ phát ra từ sân bay Kabul vào tuần trước liên quan tới hoạt động phá hủy các thiết bị quân sự của quân đội Mỹ.
Theo Tribune News Service, Tướng McKenzie cũng đã nhắc tới danh sách các thiết bị quân sự đã bị vô hiệu hóa trước khi Mỹ thông báo hoàn thành rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan vào ngày 30/8, chấm dứt cuộc chiến 20 năm của Mỹ ở quốc gia Trung Á.
Xe bọc thép chở quân kháng mìn (MRAP)
Theo Tướng McKenzie, 70 chiếc MRAP vốn được thiết kế chống lại các thiết bị nổ tự tạo (IED), đã bị quân đội Mỹ bỏ lại ở Afghanistan. Lầu Năm Góc từng nhấn mạnh, MRAP đã giúp quân đôi Mỹ bảo vệ tính mạng và tứ chi cho hàng ngàn binh sĩ. Giá của mỗi chiếc MRAP là 1 triệu USD.
Xe Humvee
Số xe Humvee bị Mỹ bỏ lại là 27 chiếc. Chiếc xe chiến thuật hạng nhẹ này đã bị xe MRAP thay thế khi quân đội Mỹ hoạt động ở Iraq và Afghanistan do không chống đỡ được trước các vụ tấn công bằng IED. Giá của 1 chiếc Humvee bằng 1/3 giá của MRAP.
Máy bay
Trên đường băng, quân đội Mỹ để lại 73 chiếc máy bay. Tuy nhiên, Tướng McKenzie không nói cụ thể đây là trực thăng hay máy bay cánh cố định.
“Những chiếc máy bay này sẽ không bao giờ có thể bay được”, các quan chức Lầu Năm Góc thừa nhận.
Được biết 1 chiếc trực thăng tấn công Apache của Mỹ được bán với giá hơn 30 triệu USD.
Hệ thống tên lửa phản công, pháo và súng cối (C-RAM)
Tướng McKenzie không nói cụ thể bao nhiêu hệ thống C-RAM bị bỏ lại ở Afghanistan, nhưng mỗi hệ thống này có giá là 10 triệu USD.
Tuy nhiên, Tướng McKenzie cho hay các hệ thống C-RAM vẫn được duy trì hoạt động cho tới cuối để đảm bảo sân bay Kabul có khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng rocket như vụ tấn công xảy ra vào ngày 30/8.
Cũng theo Tướng McKenzie, các thiết bị quân sự bị bỏ lại không còn khả năng chiến đấu. Nhưng những thiết bị này dường như sẽ bị Taliban xem như “chiến lợi phẩm” dành được sau hàng thập niên chiến đấu để giành quyền kiểm soát Afghanistan.
Nhà phân tích quân sự tại Viện Lexington là ông Loren Thompson nhận định, các hệ thống vũ khí và vật liệu bị bỏ lại chỉ còn mang tính biểu tượng.
“Các trực thăng này thuộc hàng đắt đỏ nhất, nhưng việc Taliban có thể vận hành và bảo trì là rất khó vì không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Thiếu vắng khâu hỗ trợ hậu cần từ Mỹ sẽ dẫn tới việc các thiết bị trong kho vũ khí của quân đội Afghanistan bị hư hỏng dần theo thời gian. Ngay cả những vũ khí loại nhỏ cũng sẽ không còn khả năng sử dụng nếu không được bảo trì đúng cách. Những chiếc MRAP là thiết bị ngốn gas kinh khủng, trong khi nguồn cung nhiên liệu ở Afghanistan vô cùng khan hiếm và việc các vụ tấn công khủng bố giảm tần suất là điều rất khó”, ông Thompson cho hay.
Trên thực tế, Lầu Năm góc đã chi 83 tỉ USD vào trang bị vũ khí và huấn luyện cho quân đội Afghanistan suốt nhiều năm. Lầu Năm Góc và Nhà Trắng từng cho hay Mỹ duy trì đội quân 300.000 lính cho quân đội Afghanistan, nhưng thực tế con số này thấp hơn nhiều.
Bởi trong nhiều tuần và nhiều tháng trước khi Taliban chiếm được thủ đô Kabul vào ngày 15/8, đối mặt với việc Mỹ rút dần sự hỗ trợ, rất nhiều binh lính Afghanistan đã dừng chiến đấu và giải ngũ do phải hoạt động dưới một chính quyền thiếu kiểm soát và tham nhũng tràn lan.
Khép lại cuộc chiến 20 năm ở Afghanistan, Tướng McKenzie thừa nhận 2.461 quân nhân và dân thường Mỹ đã thiệt mạng, cùng hơn 20.000 người Mỹ khác bị thương.
Vào thời điểm gấp rút sơ tán khỏi Afghanistan, quân đội Mỹ tiếp tục hứng thương vong sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào sân bay Kabul trong đêm tối ngày 26/8. Theo đó, ít nhất 170 người bao gồm 13 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong vụ tấn công do ISIS-K, chi nhánh của mạng lưới khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS ở Afghanistan, là thủ phạm.
Trong bài phát biểu sau khi Mỹ kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan vào ngày 31/8, Tổng thống Joe Biden tuyên bố “Đối với tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Afghanistan (ISIS-K), việc vẫn chưa xong đâu”.
Ông Biden thề sẽ có một “chiến lược chính xác, cứng rắn, không khoan nhượng và có mục tiêu” để đáp trả lại cuộc tấn công khiến 13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận