Số vốn đổ vào doanh nghiệp bất động sản thành lập mới tăng đột biến
Số doanh nghiệp thành lập mới kể từ đầu năm đến nay tăng vọt 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, cao nhất trong 5 năm qua. Đặc biệt dẫn đầu là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với số vốn đăng ký gần 158.000 tỷ đồng từ hơn 2.700 doanh nghiệp.
“Sau thành công thực hiện mục tiêu kép 'vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội', niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào đà phát triển của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 đã tăng lên. Đây là những tín hiệu tích cực về triển vọng phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới”, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, cả nước đã hấp thụ 627,7 nghìn tỷ đồng từ tổng số gần 44,2 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. So với cùng kỳ năm trước, số vốn đã tăng 41% và số doanh nghiệp tăng 17,5%.
Tổng số lao động đăng ký trong các doanh nghiệp này là 340,3 nghìn lao động, tăng 7,8%.
Do đó, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới kể từ đầu năm đến nay đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 20%.
Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của 14,9 nghìn doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế Việt Nam trong 4 tháng qua là 1.420,6 nghìn tỷ đồng.
Cộng dồn với 19,3 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động (tăng 8% so với cùng kỳ năm trước), trung bình mỗi tháng có gần 15,9 nghìn doanh nghiệp tham gia thị trường.
Theo khu vực kinh tế, kể từ đầu năm đến nay có 694 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm trước; 12,2 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, tăng 15,2%; 31,3 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, tăng 18,2%.
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng ở tất cả các lĩnh vực gồm kinh doanh bất động sản tăng mạnh nhất 56,5% so với cùng kỳ năm trước; y tế và hoạt động trợ giúp xã hội tăng 41,8%; giáo dục và đào tạo tăng 32,4%; vận tải kho bãi tăng 31,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 17,2%; khai khoáng tăng 16,8%;
Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tăng 15,5%; nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 15,3%; xây dựng tăng 14,5%; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác tăng 13,7%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 12,6%; thông tin và truyền thông tăng 9,6%; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác tăng 5,1%; dịch vụ lưu trú ăn uống tăng 3,6%; sản xuất phân phối điện, nước, gas tăng 3%.
Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 4 tháng đầu năm nay đã tăng tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn số doanh nghiệp chờ giải thể tăng 17,5%.
Bên cạnh đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 6,7 nghìn, tăng 32,2%, trong đó có 6 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, tăng 31,7%; còn 72 doanh nghiệp có quy mô trên 100 tỷ đồng, giảm 4%.
“Đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài”, cơ quan này nhận định.
Doanh nghiệp giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 2.487 doanh nghiệp; công nghiệp chế biến, chế tạo có 780 doanh nghiệp; xây dựng có 611 doanh nghiệp; khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác có 413 doanh nghiệp;
Dịch vụ lưu trú và ăn uống có 382 doanh nghiệp; kinh doanh bất động sản có 345 doanh nghiệp; dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng, các dịch vụ hỗ trợ khác có 324 doanh nghiệp; vận tải, kho bãi có 317 doanh nghiệp; giáo dục, đào tạo có 227 doanh nghiệp; thông tin truyền thông có 223 doanh nghiệp; sản xuất phân phối điện, nước, gas 143 doanh nghiệp.
Theo đó, kể từ đầu năm, trung bình mỗi tháng có 12,9 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận