Số tiền phải thi hành án hơn 251.430 tỷ đồng
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết tổng số tiền phải thi hành hơn 251.435 tỷ đồng. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành là trên 148.903 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thi hành xong trên 52.808 tỷ đồng.
Sáng 4/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long báo cáo trước Quốc hội về công tác thi hành án năm 2019.
cho biết, năm 2019, công tác thi hành án tiếp tục có những chuyển biến tích cực, qua đó góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quyền con người, quyền công dân và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo ông Long, tổng số việc phải thi hành 960.656 việc. Trong đó, số việc có điều kiện thi hành là 737.979 việc; số việc thi hành xong là 579.888 việc (tăng 8.180 việc).
Tổng số tiền phải thi hành hơn 251.435 tỷ đồng. Trong đó, số tiền có điều kiện thi hành là trên 148.903 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã thi hành xong trên 52.808 tỷ đồng (tăng trên 18.287 tỷ đồng). Số chuyển kỳ sau là 380.768 việc, tương ứng với số tiền trên 198.627 tỷ đồng.
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 69/2018/QH14 để thu hồi các khoản nợ của tổ chức tín dụng đã thi hành xong 4.428 việc và thu được số tiền trên 22.991 tỷ đồng…
Công tác theo dõi thi hành án hành chính đã thực hiện theo dõi 637 việc; ban hành văn bản thông báo về trách nhiệm tự nguyện thi hành án đối với 605 việc; đăng tải công khai 113 quyết định buộc thi hành án; tổ chức làm việc với người phải thi hành án 283 việc; kiến nghị xử lý đối với 71 trường hợp; đã thi hành xong 298 việc, trong đó thi hành xong 37/50 việc người phải thi hành án là Chủ tịch UBND, UBND.
Tổ chức, bộ máy cơ quan THADS tiếp tục được kiện toàn, việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tiếp tục được chú trọng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng sai sót, vi phạm trong nghiệp vụ THADS (25 trường hợp); chưa có cơ chế cưỡng chế thi hành án đối với các trường hợp không tự nguyện chấp hành án hành chính.
Kết quả tổ chức thi hành các việc liên quan đến tội phạm tham nhũng, kinh tế còn thấp. Còn một số bất cập giữa quy định của pháp luật với thực tiễn thi hành về cơ chế xử lý việc không có điều kiện thi hành; đăng ký, quản lý tài sản, thu nhập; thẩm định giá, bán đấu giá tài sản. Trong khi đó, chế tài xử lý đối với các trường hợp chống đối chưa tương xứng.
Công tác theo dõi quản lý người bị kết án tù được tại ngoại, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù còn hạn chế; công tác giám sát người chấp hành án hình sự tại xã, phường, thị trấn chưa có bước đột phá; một số bộ, ngành chưa thực sự quan tâm thực hiện nhiệm vụ tại Nghị định số 80/2011/NĐ-CP…
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thi hành án, Chính phủ kiến nghị một số điểm như: Đề nghị các cơ quan của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội tiếp tục quan tâm, tăng cường giám sát đối với công tác thi hành án.
"Chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng tăng cường các biện pháp kê biên, phong tỏa tài khoản, tài sản của các đối tượng phạm tội ngay từ giai đoạn điều tra để phòng ngừa, hạn chế tẩu tán tài sản. Quan tâm phê duyệt ngân sách xây dựng kho vật chứng đối với các đơn vị chưa được đầu tư; bổ sung ngân sách đầu tư xây dựng các cơ sở giam giữ và trang bị phương tiện, kỹ thuật, công cụ phục vụ bảo đảm an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ", Bộ trưởng Tư pháp nhấn mạnh.
Tư lênh ngành Tư pháp đề nghị ngành Tòa án quan tâm hơn đến tính khả thi của bản án, quyết định được tuyên; khắc phục việc tuyên nghĩa vụ liên đới bồi hoàn không rõ tỷ lệ trong các bản án, quyết định; hướng dẫn thống nhất áp dụng Luật Phá sản; ra quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện khi có căn cứ cho rằng người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Đồng thời đề nghị VKSND các cấp tăng cường kiểm sát hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính khả thi khi thi hành án; kiểm sát chặt chẽ hoạt động THADS ngay từ giai đoạn thụ lý thi hành án; phối hợp với cơ quan chức năng kiên quyết lập hồ sơ xử lý nghiêm các đối tượng trốn tránh, chây ỳ, chống đối việc thực hiện nghĩa vụ thi hành án.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận