Số tiền hơn 700 tỷ đồng huy động được có đủ giải cứu POM?
Mới đây, Công ty cổ phần thép Pomina (mã chứng khoán: POM) công bố Nghị quyết ĐHCĐ lấy ý kiến bằng văn bản thông qua sửa đổi, bổ sung kế hoạch phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông chiến lược.
Theo đó, công ty sẽ chào bán 70,1 triệu cổ phiếu cho Công ty Thép Nansei (Nhật Bản) với giá 10.000 đồng/cp. Thời điểm thực hiện từ quý 3/2023 đến hết 2024. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng tối thiểu 3 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Với số tiền hơn 700 tỷ đồng huy động được, doanh nghiệp dự kiến trả nợ vay ngân hàng, thanh toán tiền mua hàng hóa, nguyên vật liệu và bổ sung vốn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hiện cổ đông lớn nhất của Pomina là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Thép Việt, sở hữu 52,5% vốn. Sau đợt chào bán, nhà đầu tư Nhật sẽ sở hữu 20,04% vốn của Pomina và tỷ lệ sở hữu của Thép Việt giảm xuống 42%. Ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch Pomina là Tổng Giám đốc Thép Việt.
Nansei Steel là nhà cung cấp nguyên liệu kim loại tái chế có trụ sở tại tỉnh Chiba, Nhật Bản. Trước khi hợp tác chiến lược, Pomina là khách hàng của Nansei (BCTC 2022 và bán niên 2023 của Pomina ghi nhận khoản phải trả người bán lớn cho Nansei).
Tại kỳ họp ĐHCĐ Pomina diễn ra giữa tháng 7, ông Inafuku Makoto, đại diện Nansei Steel cho biết giữa 2 bên đã có hợp tác với nhau từ 9 năm trước. Với thương vụ mua 70 triệu cổ phiếu Pomina phát hành thêm, 2 bên đã ký xong thỏa thuận cơ bản, đồng thời, Nansei cũng đã ký quỹ một khoản tiền để lấy quyền độc lập đàm phán.
Theo lộ trình công bố tại kỳ họp ĐHCĐ, Pomina và Nansei hoàn tất đợt 1 phát hành 10,6 triệu cổ phiếu vào tháng 8/2023; đợt 2 thực hiện vào tháng 9/2024 với 59,6 triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, lộ trình đã bị chậm, Pomina cho biết nguyên nhân là do tiến trình xin phép UBCK kéo dài hơn kế hoạch nên phải xin ý kiến cổ đông nới rộng khung thời gian phát hành.
Việc tìm được nhà đầu tư chiến lược và huy động 700 tỷ đồng có ý nghĩa lớn với Pomina. Theo BCTC hợp nhất soát xét vừa công bố, doanh nghiệp đang gánh khoản nợ vay ngắn hạn 5.427 tỷ đồng và vay dài hạn 840 tỷ đồng. Tổng nợ vay 6.267 tỷ đồng, gấp 3 lần vốn chủ sở hữu (2.106 tỷ đồng). Tài sản đảm bảo cho các khoản nợ trên gồm hàng tồn kho, máy móc thiết bị, quyền sử dụng đất tại các nhà máy và 72 triệu cổ phiếu POM thuộc sở hữu Thép Việt.
Theo thuyết minh BCTC, một phần các khoản vay trên đã bị quá hạn. Công ty đã được các ngân hàng đồng ý gia hạn lịch trả nợ cho một số khoản vay đã quá hạn với số tiền 1.121 tỷ đồng và khoản vay quá hạn 2.200 tỷ đồng đang trong quá trình làm việc với các ngân hàng để gia hạn. Ngoài ra, trong 1.894 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn thì có 922 tỷ đồng đã bị quá hạn. Công ty cũng đang làm việc với nhà cung cấp để gia hạn. Như vậy, Pomina đang có hơn 3.122 tỷ đồng nợ quá hạn.
Đến ngày 30/6, Pomina chỉ còn 14 tỷ đồng tiền mặt. Gần 54% tổng tài sản nằm ở dự án Lò Cao, hạch toán vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang (5.738 tỷ đồng). Đây là chi phí xây dựng trực tiếp, chi phí đi vay được vốn hóa và các chi phí khác liên quan đến đầu tư xây dựng nhà máy luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm tại khu công nghiệp Phú Mỹ 1, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Toàn bộ giá trị hình thành từ dự án đã được dùng để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại các ngân hàng.
Với tình trạng trên, đơn vị kiểm toán cho biết có sự tồn tại các yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu mới cho cổ đông chiến lược thì Pomina còn muốn chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3, mục tiêu lành mạnh hóa tài chính, bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao.
Pomina có 3 nhà máy thép trực thuộc, trong đó Pomina 3 quy mô lớn nhất. Theo kế hoạch tái cấu trúc, doanh nghiệp sẽ tách chi nhánh Pomina 1 và Pomina 3 ra thành 2 công ty TNHH có tư cách pháp nhân độc lập.
Vào năm 2011, nhà máy luyện phôi thép Pomina 3 được xây dựng trên khu đất 46 ha tại khu công nghiệp Phú Mỹ, tổng đầu tư 300 triệu USD (12.000 tỷ đồng). Dự án gồm 1 nhà máy luyện phôi thép công suất 1 triệu tấn/năm, 1 nhà máy cán thép 1 triệu tấn/năm và 1 cảng biển. Đến quý IV/2012, nhà máy được đưa vào sản xuất. Bên cạnh đó, tại nhà máy, công ty đã đầu tư dự án lò cao vào 2019 và vận hành từ tháng 2/2021.
Tuy nhiên, tình hình thị trường khó khăn cuối 2022, Pomina đã phải ngừng hoạt động nhà máy thép Pomina 3. Ban lãnh đạo kỳ vọng nhà máy có thể hoạt động trở lại từ quý IV ngay sau khi phát hành vốn riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Năm 2022, Pomina lỗ ròng 1.078 tỷ đồng và nửa đầu năm nay lỗ tiếp 504 tỷ đồng. Nguyên nhân là do thị trường khó khăn, tiêu thụ kém, diễn biến giá bán giảm sâu nhưng giá nguyên vật liệu không giảm, Pomina bị lỗ gộp. Đồng thời, chi phí lãi vay lớn, năm 2022 là 433 tỷ đồng và nửa đầu năm nay 288 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, lúc 13h45' phiên 16/10, cổ phiếu POM giảm 3,52%, xuống 5.210 đồng/cp, với 261.000 cổ phiếu được khớp. Quan sát chỉ báo kỹ thuật MCDX, có thể thấy nhiều phiên vắng bóng dòng tiền lớn, thay vào đó nhóm nhỏ lẻ và đầu cơ tăng vị thế tại POM.
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận