menu
24hmoney
Install 24HMoneyTải App
copy link
Dũng Bùi

Số phận Hiệp định Đầu tư Trung Quốc-EU sẽ thế nào?

Trung Quốc-EU đã gây tiếng vang đầu năm 2021 bằng việc đạt được Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) nhằm tăng cường quan hệ thương mại.

Tuần này, EU đã cùng Mỹ và Anh trừng phạt các quan chức Trung Quốc đối với cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương. Bắc Kinh đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt đối với 10 chính trị gia EU vì "truyền bá những lời nói dối một cách ác ý".

Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết, "số phận" của Hiệp định CAI, vốn vẫn chưa được Nghị viện châu Âu (EP) phê chuẩn hiện đang rất mông lung".

"Các biện pháp trừng phạt trả đũa của Trung Quốc là đáng tiếc và không thể chấp nhận được. Triển vọng của Hiệp định CAI sẽ phụ thuộc vào tình hình căng thẳng giữa hai nước", ông Dombrovskis nói với Financial Times.

Theo trang CNN, phản ứng mạnh mẽ của Trung Quốc đối với các lệnh trừng phạt có nghĩa là Hiệp định CAI sẽ phải đối mặt với con đường phê chuẩn khó khăn hơn. Bên cạnh đó, EU sẽ gặp phải khó khăn trong việc cân bằng lợi ích kinh tế của mình với các mối quan tâm về nhân quyền, đặc biệt khi Mỹ muốn làm việc với các đồng minh để thách thức Trung Quốc.

Một Hiệp định phức tạp

Sau 35 vòng đàm phán kể từ năm 2013, cuối cùng Trung Quốc và EU đã ký được Hiệp định CAI liên quan tới các hoạt động đầu tư song phương.

Chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện nghiên cứu Trung Quốc - Mỹ tại Washington Sourabh Gupta mô tả hiệp định Trung Quốc-EU là một cột mốc.

"Với Trung Quốc, đây là một thỏa thuận kinh tế quan trọng nhất kể từ khi Bắc Kinh ký nghị định thư về việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, trên phương diện địa kinh tế, địa chính trị cũng như nhìn từ triển vọng kinh tế rộng hơn", chuyên gia này bình luận.

Về phía EU, khối này nói rằng, Hiệp định CAI có "ý nghĩa kinh tế lớn", cho thấy Trung Quốc cam kết cung cấp "mức độ tiếp cận thị trường chưa từng có cho các nhà đầu tư EU".

Hiệp định nhằm mục đích thúc đẩy phát triển bền vững và cải thiện khả năng tiếp cận của các nhà đầu tư EU đối với nền kinh tế Trung Quốc trong các lĩnh vực như y tế, dịch vụ tài chính và ô tô điện.

Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến EU muốn Hiệp định này được thực thi. Washington đang đối đầu với Trung Quốc về một loạt vấn đề kinh tế bao gồm tiếp cận thị trường, thương mại và công nghệ. Điều đó buộc các quốc gia khác phải tìm hướng đi.

Alex Capri, nhà nghiên cứu tại Hinrich Foundation và là một thành viên cao cấp tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định, Hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU luôn là một bước đi dài.

"Những nhượng bộ mà Trung Quốc đưa ra với Mỹ trong năm ngoái với chính quyền Tổng thống Trump đã thúc đẩy EU hồi sinh thỏa thuận với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng trong khi Brussels muốn duy trì mối quan hệ thương mại bền chặt với Bắc Kinh thì khối này vẫn sẽ tiếp tục xoay trục với Washington về nhiều vấn đề, bao gồm trí tuệ nhân tạo và chuỗi cung ứng chiến lược", ông Alex Capri nói.

Hiệp định CAI vẫn sẽ tiếp diễn?

EU và Trung Quốc vẫn có những động lực rất lớn để duy trì mối quan hệ kinh tế tổng thể của họ và ngăn chặn sự suy thoái thêm.

Tuy nhiên, theo trang CNN, Trung Quốc có thể đã tính toán sai phản ứng của mình. Các biện pháp trừng phạt mới của nước này là cấm một số chính trị gia EU vào Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc) và Ma Cao. Và các công ty và tổ chức liên quan của EU cũng sẽ bị hạn chế kinh doanh với Trung Quốc.

Nhà nghiên cứu Capri nhận thấy, phản ứng của Trung Quốc “sẽ gây tốn kém”.

Daniel Gros, một thành viên tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Châu Âu cho hay, Trung Quốc đã "phản ứng hơi thái quá". Tuy nhiên, ông Gros nói thêm rằng, việc phê chuẩn hiệp định đầu tư vẫn còn một chặng đường dài và cuộc tranh cãi những ngày gần đây giữa Trung Quốc và EU có thể không gây nguy hiểm cho hiệp định này về lâu dài.

Theo Nick Marro, trưởng bộ phận thương mại toàn cầu tại Economist Intelligence Unit, sẽ rất khó xử khi EP phê chuẩn một Hiệp định đầu tư với một quốc gia bị nhiều quốc gia trừng phạt.

Nhưng ông Marro cũng nhận thấy, dù căng thẳng liên tục nhưng ngày qua giữa Trung Quốc và EU nhưng thỏa thuận đầu tư vẫn chưa kết thúc.

Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, lợi ích tốt nhất của Bắc Kinh là tăng cường quan hệ kinh tế. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ, trong khi EU là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.

"Rủi ro lớn nhất đối với hiệp định đầu tư không phải là việc Trung Quốc rút lui, mà là đưa ra phản ứng làm giảm sự ủng hộ của phía EU đối với Hiệp định này", các nhà phân tích tại Eurasia Group nhận định.

Theo dõi 24HMoney trên GoogleNews
Nhà đầu tư lưu ý
24HMoney đã kiểm duyệt

Từ khóa (bấm vào mỗi từ khóa để xem bài cùng chủ đề)

Bạn có muốn trở thành VIP/Pro trên 24HMoney? Hãy liên hệ với chúng tôi SĐT/ Zalo: 0981 935 283.

Để truyền thông cho doanh nghiệp, vui lòng liên hệ SĐT/ Zalo: 0908 822 699.

Hòm thư: phuongpt@24hmoney.vn
Thích Đã thích Thích
Bình luận
Chia sẻ
Cơ quan chủ quản: Công ty TNHH 24HMoney. Địa chỉ: Tầng 5 - Toà nhà Geleximco - 36 Hoàng Cầu, P.Ô Chợ Dừa, Quận Đống Đa, Hà Nội. Giấy phép mạng xã hội số 203/GP-BTTTT do BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG cấp ngày 09/06/2023 (thay thế cho Giấy phép mạng xã hội số 103/GP-BTTTT cấp ngày 25/3/2019). Chịu trách nhiệm nội dung: Phạm Đình Bằng. Email: support@24hmoney.vn. Hotline: 038.509.6665. Liên hệ: 0908.822.699

Điều khoản và chính sách sử dụng



copy link
Quét mã QR để tải app 24HMoney - App Tài chính, Chứng khoán nhiều người dùng nhất cho điện thoại