Số phận doanh nghiệp nhỏ Mỹ nằm trong tay các chủ mặt bằng
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ nhỏ trên khắp nước Mỹ đang xoay sở tồn tại vượt qua khủng hoảng dịch Covid-19 bằng nhiều cách như sử dụng chương trình trợ cấp của chính phủ, chuyển sang bán hàng trực tuyến. Nhưng giữa lúc doanh thu sụt giảm mạnh, số phận của họ chủ yếu phụ thuộc vào việc có thuyết phục được các chủ mặt bằng giảm phí thuê hay không. Điều này thể hiện rõ nhất ở khu phố mua sắm sầm uất và đắt đỏ tại Đại lộ số 5, quận Brooklyn, TP. New York.
Khi Vera Tong, một trong hai đồng sở hữu của tiệm bánh nướng Du Jour Bakery ở Brooklyn, New York tìm cách thương lượng giảm phí thuê mặt bằng thì người đại diện của chủ đất gợi ý cô nên nộp đơn xin hỗ trợ từ một số chương trình cứu trợ của chính quyền liên bang.
Lúc đó, cô thầm nhủ: “Bộ ông không nghĩ rằng tôi đã nộp đơn sao? Tôi đã nộp đơn ở bất cứ nơi nào có thể. Tôi nộp đơn ở những chương trình cứu trợ thậm chí không khả khi đối với tôi”.
Cuối cùng, bên cho thuê mặt bằng, Công ty đầu tư Greenbrook Partners, nhất trí tạm thời giảm 50% phí thuê, tương đương 5.000 đô la/tháng từ tháng 4 đến tháng 7 cho Du Jour Bakery.
Greenbrook Partners mua mặt bằng, nơi Verong đang thuê, trên Đại lộ số 5 ở Brooklyn, hồi tháng 1 với giá 3,3 triệu đô la, trong đó, tiền vay chiếm gần 3 triệu đô la. Greenbrook Partners đang sở hữu 14 mặt bằng thương mại ở đại lộ này.
Khi thành phố New York bước sang tháng phong tỏa thứ ba để kiểm soát dịch Covid-19, các cuộc thương lượng giảm phí thuê với chủ mặt bằng là vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp nhỏ. Trong 500 doanh nghiệp bán lẻ ở Đại lộ số 5, sự khác biệt giữa doanh nghiệp đang mở cửa và những doanh nghiệp phải đóng cửa thường là thương lượng giảm phí thuê mặt bằng thành công hay không.
Cũng giống như các khu phố bán lẻ khác ở nhiều thành phố và vùng ngoại ô trên khắp nước Mỹ, phần lớn doanh nghiệp bán lẻ ở Đại lộ số 5 phải xoay sở tồn tại bằng cách sử dụng các chương trình trợ cấp của chính phủ, bán hàng trực tuyến và bán đồ ăn mang đi hoặc giao đồ ăn (đối với các nhà hàng).
Một cuộc khảo sát với 46 doanh nghiệp ở Đại lộ số 5 cho thấy chỉ 17% trong số họ trả tiền thuê mặt bằng trong tháng 5, giảm mạnh so với tỷ lệ 53% trong tháng 4. Họ vẫn có thể tiếp tục kinh doanh dù còn nợ tiền tiền thuê mặt bằng một phần là nhờ Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, hồi tháng 4 ban hành sắc lệnh tạm thời cấm các chủ đất trục xuất bên thuê mặt bằng còn nợ tiền trong 90 ngày.
Mark Caserta, Giám đốc một hiệp hội kinh doanh ở Đại lộ số 5, cho biết sắc lệnh này giúp các nhà bán lẻ trụ lại nhưng cũng làm gia tăng căng thẳng với các chủ mặt bằng. Chương trình bảo vệ lương (PPP) của chính quyền liên bang hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp nhỏ nhưng nếu muốn được miễn trả nợ, phần lớn tiền vay từ chương trình này phải dành cho việc trả lương cho nhân viên. Doanh nghiệp chỉ được phép sử dụng có một khoản nhỏ trong số tiền vay để trả tiền thuê mặt bằng.
Các biển hiệu “sang mặt bằng” bắt đầu xuất hiện nhiều ở Đại lộ số 5 khi các doanh nghiệp bán lẻ quyết định đóng cửa vĩnh viễn.
Nikolai Barricelli cho biết anh quyết định đóng cửa trung tâm thể hình Fitness Evolved vì không thể thương lượng giảm phí thuê 17.500 đô la/tháng. Anh nói: “Tôi nói với chủ mặt bằng rằng: ‘Sao ông không miễn phí hai tháng thuê trong thời kỳ khủng hoảng để chúng tôi có thể tái mở cửa, thay vì đóng cửa và ông sẽ mất khách thuê?’ Nhưng ông ta không chút lay chuyển”.
Diana Kane là chủ một cửa hiệu bán áo thun nữ và nữ trang thủ công ở Đại lộ số 5 trong 18 năm qua. Do không thể thuyết phục được chủ mặt bằng giảm phí thuê nên bà đang thanh lý kho hàng.
Các chủ mặt bằng ở đại lộ này cũng đang rất căng thẳng vì khách nợ tiền thuê. Nhiều người trong số họ đã vay số tiền lớn để mua các bất động sản đắt đỏ mà họ đang cho thuê. Giá đất ở mặt bằng thương mại dọc theo Đại lộ số 5 đã tăng từ 314 đô la/ft² (0,092 m²) vào quí 4-2006 lên 558 đô la/ft² (tương đương 6.000 đô la/m²) vào quí cuối năm ngoái.
Một số khách thuê mặt bằng khác của Công ty đầu tư Greenbrook Partners vẫn đang trong tình thế bế tắc. Daniella Stromberg, chủ một tiệm spa có tên gọi d’mai Urban Spa ở Đại lộ số 5 trong 15 năm qua, cho biết bà không còn cách nào để xoay sở trả phí thuê mặt bằng 30.000 đô la/tháng. Tuần sau, thành phố New York bắt đầu cho phép các doanh nghiệp tái mở cửa trong giai đoạn một. Do là loại hình kinh doanh tiếp xúc nhiều với khách hàng, các tiệm spa là các doanh nghiệp cuối cùng được phép tái mở cửa.
Stromberg nói cho đến nay Greenbrook Partners vẫn cự tuyệt thương lượng giảm phí thuê và đề nghị bà liên hệ các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ của chính phủ.
Một số chủ mặt bằng, chẳng hạn Công ty bất động sản Pintchik Inc, thuộc gia tộc Pintchik, đang sở hữu 60 mặt bằng thương mại ở Đại lộ số 5, nhận được sự cảm kích từ khách thuê.
Tariq Haq, chủ nhà hàng Ấn Độ Corner Dehli, đang thuê mặt bằng của gia tộc Pintchik để kinh doanh, cho biết ông là một trong những người may mắn vì gặp được một chủ mặt bằng biết thông cảm. Ông nói: “Chúng tôi nhất trí rằng cùng nhau vượt qua khủng hoảng này”.
Michael Pintchik, Giám đốc hoạt động của Pintchik Inc., giải thích ông giảm phí thuê mặt bằng cho một số khách thuê vì xem đó là điều công bằng và cũng là quan tâm dành cho khách hàng, những người đang chịu tổn thương tài chính vì cuộc khủng hoảng Covid-19. Ông nói: “Cần có sự chia sẻ nỗi đau”.
Một số doanh nghiệp bán lẻ ở Đại lộ số 5 đã bày tỏ nỗi bất mãn bằng cách tổ chức một cuộc vận động trên mạng xã hội Instagram để yêu cầu giảm phí thuê mặt bằng. Cuộc vận động được tổ chức từ ngày 1-5 khi nhiều cuộc biểu tình phản đối các chủ mặt bằng không giảm phí thuê khác diễn ra trên khắp nước Mỹ. Những người tổ chức cuộc vận động cho hay các doanh nghiệp bán lẻ đang tức giận vì không được các chủ mặt bằng và các lãnh đạo chính trị quan tâm dù họ đã góp phần xây dựng nên một trung tâm thương mại thời thượng như ở Đại lộ số 5.
Một cuộc khảo sát với 46 doanh nghiệp ở Đại lộ số 5 cho thấy chỉ 17% trong số họ trả tiền thuê mặt bằng trong tháng 5, giảm mạnh so với tỷ lệ 53% trong tháng 4. Họ vẫn có thể tiếp tục kinh doanh dù còn nợ tiền tiền thuê mặt bằng một phần là nhờ Thống đốc bang New York, Andrew Cuomo, hồi tháng 4 ban hành sắc lệnh tạm thời cấm các chủ đất trục xuất bên thuê mặt bằng còn nợ tiền trong 90 ngày.
Theo Wall Street Journal
Bạn muốn trở thành VIP/PRO trên 24HMONEY?
Liên hệ 24HMONEY ngay
Bình luận